Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 6: Có một Sông Phố sâu lắng

09:10, 29/10/2021

Đoạn sông chảy qua Biên Hòa trước đây có tên là Sông Phố - tên gọi ấy không biết bắt nguồn từ bao giờ, thật khó mà khảo chứng. Chỉ biết rằng, trong tác phẩm Chuyện người thổi sáo ở bến Xuân, nhà văn Lý Văn Sâm cho rằng: "Khúc sông Đồng Nai dài 4km chảy ngang qua TP.Biên Hòa được người địa phương đặt tên là Sông Phố. Khúc sông khởi đầu từ cái đuôi Cồn Gáo thoai thoải và chấm dứt ở cái mỏm Cù lao Phố".

Đoạn sông chảy qua Biên Hòa trước đây có tên là Sông Phố - tên gọi ấy không biết bắt nguồn từ bao giờ, thật khó mà khảo chứng. Chỉ biết rằng, trong tác phẩm Chuyện người thổi sáo ở bến Xuân, nhà văn Lý Văn Sâm cho rằng: “Khúc sông Đồng Nai dài 4km chảy ngang qua TP.Biên Hòa được người địa phương đặt tên là Sông Phố. Khúc sông khởi đầu từ cái đuôi Cồn Gáo thoai thoải và chấm dứt ở cái mỏm Cù lao Phố”.

Có lẽ không ngoa để nói rằng, Biên Hòa đẹp và thơ mộng nhờ có Sông Phố. Sông Phố phản ánh cả một chiều dài lịch sử phát triển của đô thị Biên Hòa.
Có lẽ không ngoa để nói rằng, Biên Hòa đẹp và thơ mộng nhờ có Sông Phố. Sông Phố phản ánh cả một chiều dài lịch sử phát triển của đô thị Biên Hòa.

* Dấu tích cùng năm tháng

Qua thời gian, tên gọi Sông Phố trở nên gần gũi với bao người dân của mảnh đất đôi bờ của đoạn sông này. Trải bao thời, tên gọi Sông Phố được dùng cho một số nơi, địa điểm nhưng có lẽ ấn tượng nhất, đi vào lịch sử với tên gọi bùng binh hay quảng trường Sông Phố trong nội ô thành phố. Địa điểm này giờ là giao lộ đường 30-4 và Cách Mạng Tháng Tám.

Trong những nguồn tư liệu, có nhiều người nói về Sông Phố thật thơ mộng và trữ tình. Những tấm ảnh chụp hai bên bờ sông vào những năm đầu thế kỷ XX cho thấy cảnh yên bình, thanh lặng dẫu phố chợ vẫn đông người qua lại, những chiếc xe ngựa đứng đợi khách, những dãy hàng, nhà quán... Hàng nhà lồng bát giác và những ki-ốt với tầng mái lợp ngói, nhiều đường diềm làm cảnh quan thêm nét uyển chuyển, mềm mại. Bên phố xá, chiếc cầu Mát còn đó vươn ra sông trước Tòa bố Biên Hòa - một điểm nhấn để nhìn “hồ Biên Hòa” theo cách gọi của người Pháp đầy lãng mạn, đặc biệt mỗi khi chiều về, ánh mặt trời xuyên mây, đổ tia nắng trên mặt sông trong kỳ ảo...

Trên đôi bờ sông, vẫn còn đó những dấu tích của một thời lịch sử. Tòa Bố Biên Hòa, một địa điểm và kiến trúc đã đi vào trang sử của Biên Hòa - Đồng Nai với sự dịch chuyển của thời gian và đổi thay của các thể chế quản lý từ thời Nguyễn đến Pháp. Trong sự phát triển của đô thị hiện đại, nơi đã từng tồn tại kiến trúc của Pháp xây dựng, sau năm 1975 được sử dụng làm trụ sở của tỉnh, được thay thế bởi kiến trúc hiện đại  - hiện nay là trụ sở của khối nhà nước tỉnh Đồng Nai.

Từ hướng thượng nguồn xuôi về Sông Phố, hai bên bờ có đình Tân Lân thờ Đức ông Trần Thượng Xuyên, người có công khai phá Biên Hòa - một công trình kiến trúc độc đáo với những trang trí tượng gốm trên mái. Một ngã ba chia thành hai ngả đường được gọi là Mũi Tàu có đình mang tên  làng cổ Phước Lư ẩn dưới tán những cây dầu cổ thụ. Di tích như thâm trầm nơi góc phố ven sông với những mảng kiến trúc điêu khắc gỗ độc đáo phản ánh sự tài hoa của nghệ nhân xứ sở này.

Người Hoa đến với đất Đồng Nai xưa cũng đã để lại những dấu ấn kiến trúc độc đáo qua  Phụng Sơn tự (gần ngã ba Võ Thị Sáu - Cách Mạng Tháng Tám); đặc biệt với Thất phủ cổ miếu còn gọi theo cách dân gian là chùa Ông, thờ Quan Thánh ở phía đầu Cù lao Phố; có đình Bình Kính thờ danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh - là bậc khai quốc công thần, có công lớn trong sắp đặt hành chính trên xứ Đồng Nai cách đây hơn 3 thế kỷ.

Bờ bên kia của Sông Phố là làng nghề gốm một thời danh tiếng, có di tích đình Mỹ Khánh thờ Nguyễn Tri Phương - người gắn liền với sự nghiệp kháng Pháp vào thế kỷ XIX, có chùa Long Thiền - một trong 3 chùa cổ kính đất Biên Hòa. Tất cả những thiết chế tín ngưỡng ở hai bờ đều hướng ra dòng Sông Phố.

Thực ra, trên đoạn sông này, cũng đã có những lần nổi sóng khi đất nước trong khói lửa chiến tranh. Những tàu chiến Pháp ngược dòng tấn công vào thành Biên Hòa, phá vỡ tuyến phòng thủ của quân triều đình nhà Nguyễn vào năm 1861. Trước đây, trên khúc Sông Phố có Cồn Gáo với doi đất, cát trắng rất đẹp giữa sông, trên có nhiều cây xanh, đặc biệt là những cây gáo. Thế hệ cao niên ở Biên Hòa vẫn còn nhớ về hình ảnh của Cồn Gáo với một số nhà dân sinh sống, nhiều ghe cập theo, những lúc nước cạn, từ bờ có thể lội ra cồn thỏa thích vui chơi. Cồn Gáo đã bị dòng nước xói mòn và bị xóa sổ mà thời gian chính xác ít ai còn nhớ vào những thập niên 70-80 của thế kỷ XX.

* Trong mạch phát triển của đô thị

Thời gian về sau, trong mạch phát triển của đô thị, có những đổi thay lớn hai bên bờ Sông Phố nhưng nổi bật nhất là phía nội ô Biên Hòa. Những dãy nhà lụp xụp, chen chúc xưa được thay thế bằng một công viên ven sông xinh đẹp. Vào dịp lễ, tết, ngay từ xa xưa, trên đoạn sông này diễn ra nhiều lễ hội, trong đó có hội đua thuyền thu hút nhiều người thưởng ngoạn và ngày nay còn duy trì lễ hội đua vào ngày mùng 3 Tết. Những năm gần đây, tuyến đường ven sông được chỉnh trang, hội hoa xuân của TP.Biên Hòa được tổ chức thu hút đông đảo người dân thưởng ngoạn.

Trên đoạn sông này, hai cây cầu sắt có tên Rạch Cát, cầu Ghềnh xây từ đầu thế kỷ XX mà đỉnh đầu cầu ở phần ngọn Cù lao Phố vang danh một thời như một nét chấm phá đặc biệt. Phía trên là cây Cầu Mới nối hai bờ sông vào thập niên 60 của thế kỷ XX. Sông Phố đã chứng kiến những sự kiện, sự cố nhiều giai đoạn và tiếp tục gánh những cây cầu hiện đại trong thời kỳ phát triển hiện nay.

 Thất phủ cổ miếu (chùa Ông) ở Cù lao Phố, TP.Biên Hòa  Sông Đồng Nai đoạn chảy qua trung tâm TP.Biên Hòa. Ảnh: Huy Anh
Thất phủ cổ miếu (chùa Ông) ở Cù lao Phố, TP.Biên Hòa Sông Đồng Nai đoạn chảy qua trung tâm TP.Biên Hòa. Ảnh: Huy Anh

Một bên bờ, Sông Phố là phố thị náo nhiệt và bên kia là những khu nhà, làng quê yên ả dẫu nhịp sống đô thị đã bừng lên. Sông Phố - tên gọi của đoạn sông chảy qua đô thị Biên Hòa như hòa vào trong ký ức của nhiều thế hệ cư dân. Là huyết mạch đường thủy, có nguồn tài nguyên nước dồi dào, gắn liền với di sản của lịch sử, văn hóa, Sông Phố là một trong những yếu tố quan trọng để địa phương định hướng trong chiến lược phát triển đô thị, đẩy mạnh khai thác du lịch và bảo vệ môi trường sống, đem lại lợi ích chính đáng, thiết thực cho người dân xứ sở này.

Trong lịch sử của các đô thị, điều may mắn cho những nơi có dòng sông chảy qua, như một lợi thế để phát triển và cả nét duyên cho mỹ quan phố phường. Sông Phố của Biên Hòa hiện nay là nơi khai thác không chỉ cung cấp nguồn nước cho người dân tại chỗ mà còn cho các vùng lân cận. Bên cạnh đó, chính đoạn sông này là nguồn “điều tiết” khí hậu hài hòa của đô thị hiện đại mỗi ngày. Những ai yêu mến thành phố này, dòng sông này có thể lựa chọn những khoảnh khắc đến với Sông Phố để ngắm hoàng hôn vào mỗi chiều, nhìn làng quê về đêm, dạo chơi ở tuyến đường ven sông nhộn nhịp… Dường như, nơi bờ của Sông Phố, với sự rộng, thoáng của bầu trời, bạn sẽ thấy “thành phố đêm nay đầy sao, dòng sông đêm nay đầy sao” như lời bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

Ghi chép của Phan Đình Dũng

Bài 7: Nơi dòng sông hòa vào biển lớn

Tin xem nhiều