Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 5: Cù lao và thương cảng danh tiếng

07:10, 23/10/2021

Làng Hiệp Hòa là tên gọi của sự sáp nhập từ 3 làng Nhứt Hòa, Nhị Hòa, Tam Hòa nằm trọn trong địa phận cù lao giữa 2 nhánh sông Đồng Nai: Cù lao Phố. Dòng chảy hiền hòa của sông vừa qua Biên Hòa bỗng chia đôi dòng, ôm lấy một dải đất hình quả chuông.

Làng Hiệp Hòa là tên gọi của sự sáp nhập từ 3 làng Nhứt Hòa, Nhị Hòa, Tam Hòa nằm trọn trong địa phận cù lao giữa 2 nhánh sông Đồng Nai: Cù lao Phố. Dòng chảy hiền hòa của sông vừa qua Biên Hòa bỗng chia đôi dòng, ôm lấy một dải đất hình quả chuông.

Ảnh trên: Cầu Hiệp Hòa nối liền trung tâm TP.Biên Hòa (trái) với Cù lao Phố. Ảnh: Võ Thanh Lâm
Ảnh trên: Cầu Hiệp Hòa nối liền trung tâm TP.Biên Hòa (trái) với Cù lao Phố. Ảnh: Võ Thanh Lâm

Cù lao Phố gắn với một thời khai khẩn, xây dựng của những thế hệ di dân người Hoa, người Việt của vùng đất Đồng Nai - Gia Định. Nơi đây là thương cảng nổi tiếng ở Nam bộ một thời với danh xưng Nông Nại đại phố, được Trinh Hoài Đức miêu tả trong Gia định thành thông chí từ đầu thế kỷ XIX: “…mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới năm dặm. Chia vạch làm ba đường phố: đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, phố nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng. Khách buôn tụ họp, tàu biển thuyền sông đậu xen san sát nhau, thực là một đô hội lớn…”.

* Thương cảng nổi tiếng một thời

Là điểm trung gian giữa miệt thượng và hạ sông Đồng Nai khi đường thủy đóng vai trò quan trọng kết nối các vùng, Cù lao Phố sớm trở thành trung tâm trao đổi hàng hóa nhộn nhịp, nhiều nguồn đa dạng. Việc hình thành thương cảng này có sự đóng góp quan trọng của danh tướng Trần Thượng Xuyên với tầm nhìn địa - kinh tế khi được chúa Nguyễn cho phép định cư tại xứ Bàn Lân/ Biên Hòa.

Bởi nằm giữa hai nhánh sông nên cù lao hình thành nhiều bến đò đi lại, chuyên chở hàng hóa: bến đò Kho nối cù lao với làng Vĩnh Cửu xưa (nay là các phường Tam Hiệp, Tam Hòa, Bình Đa); bến đò An Hảo nối cù lao với P.An Bình để tới Long Bình, Bến Gỗ (nay là P.An Hòa); bến Tắm Ngựa và mé sông phía Tây từ làng Bình Kính tới Tân Mỹ, Hưng Phú - có cây cầu gỗ nối dinh Trấn Biên (địa phận nội đô Biên Hòa).

Chung quanh cù lao là những làng nghề, chợ và hệ thống đường bộ liên kết các vùng lân cận. Lâm sản từ vùng miền núi phía thượng nguồn và sản phẩm miệt hạ được tập trung buôn bán tại đây như một đầu mối.

Trong lịch sử phát triển của xứ Đồng Nai, Cù lao Phố là nơi phát triển nhiều ngành nghề như: dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, nghề gốm, đúc đồng, làm mộc, trồng mía, nấu đường… Sản phẩm ở Cù lao Phố được xuất bán cho nhiều nơi vào thế kỷ XVII, XVIII và các nguồn hàng từ vùng miền, nước ngoài được các nhà buôn đem buôn bán. Vì vậy, thương cảng này trở thành một “đô hội lớn” tập trung nhiều tàu buôn trong và ngoài nước.

Cảnh buôn bán nhộn nhịp được miêu tả trong Gia định thành thông chí: “Các thuyền ngoại quốc tới nơi này bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn này định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ đọng. Đến ngày trở buồm về, gọi là “hồi đường”, chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước nhờ mua dùm. Như thế, khách chủ đều được tiện lợi và sổ sách phân minh. Khách chỉ việc đàn hát vui chơi, đã có nước ngọt đầy đủ, lại khỏi lo ván thuyền bị hà ăn, khi về lại chở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi”.

Thế nhưng, thương cảng Cù lao Phố đã đánh mất vị thế của mình. Sự đi xuống của Cù lao Phố bị tác động bởi những sự kiện: năm 1747, thương nhân người Hoa là Lý Văn Quang nổi dậy, tấn công dinh Trấn Biên, xưng Giản Phố đại vương đã phá cầu, cắt đứt đường bộ, hùng cứ xứ cù lao cho đến khi bị nhà Nguyễn trấn áp. Nửa sau thế kỷ XVIII, sự xung đột, tranh chấp giữa phong trào Tây Sơn và lực lượng chúa Nguyễn làm cho Cù lao Phố bị triệt hạ về cơ sở hạ tầng cũng như những nhà buôn rời khỏi, chọn các vùng đất khác làm ăn...

Qua thời cuộc bể dâu, thời kỳ hoàng kim Cù lao Phố lui vào dĩ vãng, hoàn thành sứ mệnh của một đô thị cổ, một thương cảng sầm uất vào bậc nhất ở đất phương Nam cách nay mấy thế kỷ.

* Di sản ở cù lao

Trên vùng đất Cù lao Phố, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số dấu tích của người tiền sử, đặc biệt những chiếc rìu đồng thời đại kim khí. Vùng đất này được khởi sắc từ khi cư dân Việt, Hoa đến đây sinh sống và sự giao thương giữa các vùng miền.

Xứ cù lao hiện nay lưu tồn những di sản khá độc đáo, đặc biệt về những cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng. Tính chất của thương cảng tập trung đông người, cư dân đa dạng từ nhiều nguồn nên nhu cầu tâm linh rất lớn, thể hiện qua hơn 20 thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo (chùa, tịnh xá, đình, miếu, thánh thất…) được tạo dựng qua các thời kỳ.

Trên cù lao này, nhiều di tích gắn với với những câu chuyện mang tính nhân văn, hướng con người vào nhân nghĩa, thiện lành. Dẫu bao thay đổi, vẫn còn đó ngôi chùa Thủ Huồng (Chúc Thọ cổ tự) về một con người vốn tham lam đã ngộ lẽ đời sau sự mất mát của người vợ để thực hành nếp sống đầy tinh thần tương thân tương ái trên sông Nhà Bè. Mái chùa Hoàng Ân lưu truyền về sự phúc báo nhơn nghĩa của con người khi đối xử yêu thương trong cảnh khốn cùng, cơ cực. Chùa Đại Giác gắn với với mối thâm tình giữa nhà sư và công chúa cùng sự chọn lựa ứng xử giữa đường đạo và đời để giữ sự thanh bạch cửa thiền. Thất Phủ cổ miếu - nơi thờ Quan Thánh Đế Quân được xem là ngôi chùa Hoa cổ kính xứ Nam bộ với lối kiến trúc độc đáo và lễ hội đầy màu sắc…

Những ngôi đình làng vẫn soi bóng xuống dòng sông, mỗi năm với lệ Kỳ yên như nhắc nhớ con người về nguồn cội và lòng tri ân những tiền nhân có công tạo dựng xứ sở. Nhiều kiến trúc nhà cổ được bảo tồn trên cù lao qua nhiều thời kỳ mà những thế hệ đi trước tạo dựng để con cháu tiếp tục gìn giữ… Cù lao Phố gắn liền với lịch sử của xứ Biên Hòa, là địa bàn có phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong thế kỷ XX.

Từ lịch sử của vùng đất danh tiếng với tập thành tín ngưỡng phong phú, đa dạng văn hóa tộc người, Cù lao Phố xưa - P.Hiệp Hòa nay như đan xen, hòa quyện của một làng quê, phố thị giữa bốn bề sông nước. Ngày nay, trong dòng chảy của đời sống cư dân, di sản văn hóa của các lớp tiền nhân trên vùng đất Cù lao Phố cùng hòa vào trong nhịp sống hiện đại với nhiều thay đổi theo quy luật của cuộc sống. Cù lao Phố đã có những chuyển biến tích cực, được quy hoạch phát triển thành khu dân cư sinh thái hấp dẫn trong lòng đô thị công nghiệp Biên Hòa.

Nhà thơ Xuân Sách viết về nơi hai nhánh sông này với hình ảnh thật nhẹ nhàng với cung bậc của tình yêu: “Phải giận hờn mà sông chia hai ngả. Chưa đi xa nhung nhớ lại chung dòng. Rồi để lại hòn cù lao yên ả. Nằm xoải dài giữa hai cánh tay sông”. Như bao cù lao trên dòng chảy của sông từ phía thác Trị An đổ về, cù lao Phố xanh mượt giữa bốn bề sông nước.

Ghi chép của Phan Đình Dũng

Bài 6: Có một Sông Phố sâu lắng

Tin xem nhiều