UBND tỉnh vừa ban hành công văn số 11715/UBND-KGVX về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Công văn quy định cụ thể việc người lao động (NLĐ) "3 tại chỗ" về nhà cần khai báo với cơ quan y tế địa phương; tự theo dõi tại nhà 7 ngày, thực hiện nghiêm quy định 5K.
UBND tỉnh vừa ban hành công văn số 11715/UBND-KGVX về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Công văn quy định cụ thể việc người lao động (NLĐ) “3 tại chỗ” về nhà cần khai báo với cơ quan y tế địa phương; tự theo dõi tại nhà 7 ngày, thực hiện nghiêm quy định 5K.
Người lao động thực hiện “3 tại chỗ” trong môi trường sống khép kín ở khuôn viên nhà máy, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Ảnh minh họa: Công nhân Công ty TNHH Sanyo Việt Nam trong giờ ăn tại nhà máy. Ảnh: Mai Minh |
Quy định này nhận được sự đồng tình, phấn khởi của nhiều NLĐ đang làm việc “3 tại chỗ” vì tạo điều kiện cho NLĐ về nhà và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
* Mệt mỏi khi ở lại quá lâu trong nhà máy
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định trên góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho NLĐ muốn trở về nhà sau thời gian làm việc “3 tại chỗ”. Trước đó, nhiều địa phương trong tỉnh không đồng ý tiếp nhận, yêu cầu NLĐ trở về phải cách ly tập trung 14 ngày khiến không ít người lo lắng.
Làm quản lý bếp ăn cho một công ty cung ứng suất ăn công nghiệp, hơn 2 tháng nay, chị Trần Thị Kim (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) phải làm việc “3 tại chỗ” trong công ty R. (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). 75 ngày ở lại công ty làm việc, mỗi ngày chị làm việc từ 12-15 giờ để phục vụ 1,2 ngàn suất ăn cho công nhân đang làm việc tại đây.
Dù được trả tiền lương cao hơn trước nhưng việc ở lại nhà máy trong thời gian dài, điều kiện sinh hoạt hạn chế, xa gia đình, người thân khiến chị Kim thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng. Chị và nhiều NLĐ trong công ty muốn về nhà nhưng không muốn phải cách ly y tế 14 ngày nên chần chừ. Nay tỉnh có quy định NLĐ trở về từ nhà máy chỉ cần cách ly 7 ngày tại nhà, rất thuận tiện cho NLĐ.
Tương tự, anh Vũ Thành Thái, công nhân một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Amata cũng nhất trí với quy định cụ thể nêu trên của tỉnh, giúp NLĐ thực hiện “3 tại chỗ” về nhà dễ dàng hơn.
Anh Thái cho biết: “Thực tế, công ty tôi đang làm việc là “vùng xanh”, nhiều ngày không có ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Tôi đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, trước khi ra khỏi công ty cũng đã được xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính. Do vậy, việc cho tự cách ly tại nhà 7 ngày là rất phù hợp”.
Trong khi đó, anh Trần Văn Hưng, công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 chia sẻ, công ty anh làm có hơn 3,5 ngàn công nhân, nhưng chỉ có 980 người đăng ký làm việc “3 tại chỗ”.
Anh Hưng cho biết, đi làm “3 tại chỗ” trong đợt dịch được công ty phục vụ ăn chu đáo, thu nhập tăng gấp đôi ngày thường nên anh đăng ký ngay từ ngày đầu công ty triển khai “3 tại chỗ”. Song, từ khi trong công ty xuất hiện 28 ca F0, gia đình và bản thân anh Hưng rất lo lắng, anh đăng ký xin về. Anh cho rằng, việc NLĐ được cách ly 7 ngày tại nhà thì thuận lợi hơn cách ly y tế tập trung 14 ngày.
Dù quy định về nhà đã được “nới lỏng” nhưng nhiều công nhân còn băn khoăn trước quyết định về nhà hay ở lại làm việc “3 tại chỗ”.
Một công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Long Bình
(TP.Biên Hòa) chia sẻ, về nhà phải tự cách ly 7 ngày và khi muốn quay lại làm việc, dù chủ trương của tỉnh cho phép NLĐ di chuyển hằng ngày từ nơi cư trú đến nơi làm việc nhưng doanh nghiệp lại không đồng ý vì sợ lây lan dịch bệnh trong công ty. NLĐ lo lắng không được vào làm lại thì thu nhập giảm, đời sống sẽ khó khăn hơn.
* Kịp thời tháo gỡ vướng mắc
Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Lê Văn Danh cho biết, quy định cụ thể việc NLĐ thực hiện “3 tại chỗ” về nhà chỉ cần khai báo với cơ quan y tế địa phương; tự theo dõi tại nhà 7 ngày, thực hiện nghiêm quy định 5K là phù hợp thực tế và đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh
Đồng Nai hiện có hơn 1 ngàn lao động làm việc “3 tại chỗ” có nhu cầu về nhà sau thời gian dài làm việc trong các nhà máy. Nhiều công ty đã gửi danh sách lao động xin về và đã được Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai thông qua, nhưng do vướng thủ tục phức tạp, nhất là điều kiện tiếp nhận ở địa phương khá gắt nên không ít công nhân thực hiện “3 tại chỗ” chưa thể về nhà theo nguyện vọng.
Trong cuộc họp với UBND tỉnh ngày 22-9, ông Lê Văn Danh nêu một thực tế, do thiếu sự thống nhất giữa các địa phương trong tiếp nhận công nhân thực hiện “3 tại chỗ” trở về, thủ tục giải quyết chậm; không ít địa phương muốn bảo vệ “vùng xanh” nên có quy định NLĐ “3 tại chỗ” trở về phải vào khu cách ly 14 ngày... Những khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng của công nhân.
Theo ông Danh, điều này rất vô lý khi công nhân ở trong nhà máy là “vùng xanh”, trước khi rời công ty đều đã được xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính, bản thân họ cũng được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19... Như thế đã là an toàn thì nên tạo điều kiện để công nhân được trở về với gia đình.
Do đó, ông Danh cho rằng, sự chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời của lãnh đạo UBND tỉnh đã giúp thống nhất về mặt thủ tục, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan với các địa phương để giải quyết vấn đề NLĐ về địa phương, tránh được tình trạng nơi cho, nơi chặn, giúp ổn định tâm lý NLĐ. Mặt khác, quy định cụ thể này còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động hoán đổi NLĐ để duy trì và ổn định sản xuất trong tình hình phải sống chung với dịch bệnh.
Theo Công văn số 11715/UBND-KGVX hướng dẫn tạm thời thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 quy định, trên cơ sở danh sách NLĐ trở về địa phương do Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai hoặc Sở LĐ-TBXH, hoặc UBND cấp huyện gửi, các địa phương tổ chức giám sát NLĐ trở về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Riêng việc hoán đổi tùy theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp với nguyện vọng của NLĐ, số lượng do doanh nghiệp quyết định. |
Phương Liễu
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH New Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) TRẦN QUỐC TUẤN:
NLĐ có thể trở về nhà thuận lợi hơn
Với hơn 300 lao động đang thực hiện “3 tại chỗ”, những ngày qua, công ty đã giải quyết cho một số lao động trở về nhà sau thời gian dài làm việc.
Để tạo điều kiện cho NLĐ trở về, cứ 10 ngày/lần, công ty tổng hợp danh sách gửi Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, Sở LĐ-TBXH và chỉ sau 3 ngày các cơ quan có phản hồi. Trong thời gian này, những lao động có nguyện vọng trở về được ở riêng, được xét nghiệm PCR, khi đủ thủ tục và có kết quả xét nghiệm âm tính, công ty cho xe đưa công nhân về địa phương.
Giờ đây, NLĐ và doanh nghiệp phấn khởi và yên tâm khi lãnh đạo tỉnh đã rất kịp thời tháo gỡ những vướng mắc mà nhiều ngày qua NLĐ đã rất lo lắng là khi về nhà còn phải đi cách ly y tế tập trung 14 ngày.
Trưởng khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế (Bệnh viện Tâm thần trung ương 2) TRẦN THANH LIÊM:
Thực hiện “3 tại chỗ” dài ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của NLĐ
Thực hiện “3 tại chỗ” cũng là một hình thức giãn cách xã hội hay phong tỏa. Đây được xem là một những biện pháp trọng yếu và hiệu quả để phòng ngừa các dịch bệnh lây nhiễm từ bên ngoài vào nhà máy.
Tuy nhiên, đối với NLĐ phải ở tại công ty dài ngày với công việc lặp đi lặp lại, bị hạn chế trong không gian sống nhàm chán, mọi hoạt động bị tối giản hết mức, xa gia đình, người thân... sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của NLĐ. Do đó, việc luân phiên điều chuyển lao động, cho công nhân về nhà để thay đổi môi trường sống là cách tốt nhất để ngăn ngừa sự gia tăng tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.
An Nhiên (ghi)