Kiến trúc đô thị cần sự phát triển đa dạng nhưng không hỗn tạp, phong phú nhưng vẫn phải mang những yếu tố bản sắc đặc trưng riêng để không dẫn đến sự na ná nhau giữa các đô thị. Hơn hết, kiến trúc đô thị cần phải phù hợp với điều kiện sống và văn hóa của cư dân chính đô thị đó.
Kiến trúc đô thị cần sự phát triển đa dạng nhưng không hỗn tạp, phong phú nhưng vẫn phải mang những yếu tố bản sắc đặc trưng riêng để không dẫn đến sự na ná nhau giữa các đô thị. Hơn hết, kiến trúc đô thị cần phải phù hợp với điều kiện sống và văn hóa của cư dân chính đô thị đó.
Khu vực trung tâm Biên Hòa nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn An |
* Những đô thị thiếu “cá tính”
Mới đây, UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1246/QĐ-TTg (ngày 19-7-2021) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển kiến trúc Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với kiến trúc đô thị, UBND tỉnh đề ra định hướng mỗi đô thị trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo giữ được bản sắc, hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội… Đặc biệt, kiến trúc đô thị phải đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc. Kết hợp hài hòa giữa quá khứ với hiện tại và có dự báo hợp lý trong tương lai.
Thực tế, việc chưa cụ thể hóa được quy chế để xác định hình thức kiến trúc cho mỗi đô thị lâu nay đã dẫn đến tình trạng tự phát trong phát triển đô thị thời gian qua. Điều này dẫn đến việc phát triển các đô thị thiếu đi nét riêng.
Kiến trúc sư Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, quy chế quản lý kiến trúc đô thị là vấn đề không mới. Tuy nhiên, lâu nay vấn đề này chỉ mới dừng ở mức “đặt vấn đề” mà thiếu đi những văn bản, những quy định cụ thể để thực hiện. Điều này dẫn đến việc phát triển đô thị một cách thiếu định hướng, thiếu bản sắc riêng của từng đô thị.
“Có người cho rằng kiến trúc Pháp là đẹp, có người cho rằng kiến trúc hiện đại là đẹp, có người lại cho rằng kiến trúc Việt Nam là đẹp. Xét trên từng góc cạnh, những ý kiến này đều đúng chứ không sai. Tuy nhiên, nó chỉ đúng khi xác định được đâu là nơi phù hợp để hình thành nên kiến trúc đó, nó phải phù hợp với không gian chung, với điều kiện sống của cư dân” - kiến trúc sư Lý Thành Phương chia sẻ.
Cùng theo kiến trúc sư Lý Thành Phương, sự “phù hợp” trong định hướng kiến trúc phải được xác định bằng những cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, đây chính là điều còn thiếu trong việc phát triển kiến trúc đô thị bấy lâu nay. Chính điều này đã dẫn đến sự hỗn tạp trong kiến trúc đô thị khi các phong cách kiến trúc được phát triển một cách tự phát. Thực trạng này diễn ra ở hầu hết các đô thị trong cả nước cũng như ở trên địa bàn tỉnh. Hệ quả là hầu hết kiến trúc các đô thị ngoài việc phát triển tự phát còn thiếu đi “cá tính”, nét riêng của mỗi đô thị. Thay vào đó là “bộ mặt” na ná nhau giữa kiến trúc của các đô thị.
“Chính vì vậy, quy chế quản lý kiến trúc đô thị ra đời sẽ giúp chuẩn hóa công tác quản lý. Bởi muốn quản lý được thì phải xác định được hình thức kiến trúc và được cụ thể hóa bằng các quy chế, quy định” - kiến trúc sư Lý Thành Phương nhấn mạnh.
* Mỗi đô thị cần có đặc trưng
Theo kiến trúc sư Lý Thành Phương, để tránh tình trạng hỗn tạp trong phát triển đô thị, việc làm cấp thiết nhất chính là phải xác định được hình thức kiến trúc và cách thức phát triển phù hợp. Sự “phù hợp” phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của cư dân mỗi đô thị và mức độ thụ hưởng của cộng đồng dân cư tại đó. Bởi như đã nói, mỗi phong cách kiến trúc đều có nét đẹp riêng, nhưng để tạo ra một tổng thể hoàn chỉnh cần phải đặt vào không gian tổ chức đô thị chung.
Quy chế quản lý đô thị là công cụ cần thiết để thống nhất hình thức kiến trúc đô thị. Trong ảnh: Một góc đô thị Biên Hòa |
Ngoài ra, để có thể thực hiện được định hướng kiến trúc đã xác định cần phải có sự phổ cập đến tất cả mọi đối tượng để thực hiện. “Đối với dân trong nghề kiến trúc thì quy chế quản lý kiến trúc được thể hiện qua những bản vẽ, những tài liệu minh họa. Tuy nhiên, đối với người ngoài nghề nó phải được thể hiện bằng văn bản, bằng quy chế” - kiến trúc sư Lý Thành Phương chia sẻ.
Đặc biệt, để tạo được nét riêng, bản sắc riêng của từng đô thị, việc xác định hình thức kiến trúc, quy chế quản lý kiến trúc đô thị cần có sự tham gia sâu hơn của đội ngũ kiến trúc sư của mỗi địa phương. Bởi, từ trước đến nay có một thực trạng là việc xác định hình thức kiến trúc, quy chế quản lý kiến trúc đô thị thường do các đơn vị tư vấn ở Trung ương hoặc các địa phương khác thực hiện. Do đó, thiếu đi sự sâu sát và “hơi thở” của văn hóa, tập quán của cư dân địa phương. Chính điều này đã dẫn đến sự lặp lại và giống nhau về kiến trúc của các đô thị.
“Gần như là giống nhau, có hay chăng sự khác nhau chỉ ở mức độ vùng miền như miền Bắc, miền Nam hay miền Trung trong kiến trúc đô thị mà thiếu đi cái riêng của từng địa phương, của từng đô thị trong địa phương đó” - kiến trúc sư Lý Thành Phương cho biết.
Chính vì vậy, để tạo nên phong cách, bản sắc riêng của mỗi đô thị ở mỗi địa phương, những người làm nghề ở địa phương cần được tham gia sâu hơn việc xác định hình thức kiến trúc đô thị, có trách nhiệm nhiều hơn cùng với các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1246/QĐ-TTg (ngày 19-7-2021) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 các đô thị trên địa bàn tỉnh hoàn thành xây dựng quy chế quản lý kiến trúc.
Phạm Tùng