Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm giải pháp để đảm bảo cho nền kinh tế ''an toàn'' trong đại dịch

10:10, 01/10/2021

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến toàn bộ nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN), trong đó có các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Không nằm ngoài tình trạng chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cũng bị ảnh hưởng khi không có đủ nhân lực sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác.

Ông Ken-Ichiro Abe, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam. Ảnh: VĂN GIA
Ông Ken-Ichiro Abe, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam. Ảnh: VĂN GIA

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến toàn bộ nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN), trong đó có các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Không nằm ngoài tình trạng chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cũng bị ảnh hưởng khi không có đủ nhân lực sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác.

Theo ông KEN-ICHIRO ABE, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội DN Nhật Bản tại Đồng Nai, việc phục hồi kinh tế rất khó khăn song các nhà sản xuất vẫn kỳ vọng vào tiến độ hồi phục khi tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 từng bước được phủ đầy.

Gặp khó khăn vì dịch bệnh

* Thưa ông, Fujitsu đã có thời gian dài đầu tư tại Đồng Nai, cho tới hiện nay, ông nhận thấy việc đặt nhà máy ở đây có những lợi thế nào?

- Fujitsu Việt Nam đầu tư tại Đồng Nai đã hơn 25 năm nay. Công ty mẹ tại Nhật Bản rất yên tâm khi đặt nhà máy ở địa phương vì Đồng Nai có hệ thống hạ tầng giao thông khá hoàn thiện cũng như tập trung nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy sản xuất.

Những năm qua, các chính sách, công tác cải cách hành chính của tỉnh rất thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho DN hoạt động. Năm 2020 chúng tôi đã kỷ niệm 25 năm thành lập công ty tại Đồng Nai. Sản phẩm chính của công ty là các linh kiện điện tử dành cho xe hơi và công nghệ truyền thông như máy tính và điện thoại di động. Fujitsu cũng là thành viên của Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM, chi nhánh hiệp hội ở Đồng Nai. Đó là môi trường tốt để chúng tôi tiếp tục phát triển và mở rộng đầu tư.

 

Ban đầu, Fujitsu đầu tư vào Đồng Nai với số vốn gần 80 triệu USD, sau đó từng bước mở rộng quy mô sản xuất và hiện đã có thêm 2 nhà máy mới. Đến nay, tổng vốn đầu tư của công ty tại Đồng Nai đã tăng lên gần 200 triệu USD. Các sản phẩm linh kiện, điện tử của công ty được xuất khẩu đi khoảng 20 nước trên thế giới, trong đó chủ yếu xuất khẩu qua các nước châu Âu.

Fujitsu luôn nỗ lực để xây dựng môi trường lao động tốt cho công nhân yên tâm sản xuất. Công ty tuân thủ tốt các quy định của chính quyền, nhất là việc bảo vệ môi trường với việc đầu tư công nghệ xử lý, bảo vệ môi trường tiên tiến bậc nhất và hoạt động với hiệu quả cao.

 

* Đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công ty không, thưa ông?

- Thời gian vừa qua có lẽ là đợt biến động lớn nhất từ khi công ty đi vào hoạt động. Do đại dịch Covid-19, hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng nặng, sự giao thương giữa các nước với nhau bị ngưng trệ. Do vậy, DN bị ảnh hưởng theo. Hầu hết các hoạt động của công ty tạm ngưng, chỉ có một số ít lao động tiếp tục làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Doanh thu và sản lượng của công ty rất thấp so với trước đây.

* Cụ thể thì tác động nào là lớn nhất?

- Hiện nay, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là tiến độ giao hàng cho các đối tác. Đơn hàng thì chúng tôi nhận được sự tín nhiệm của đối tác và có nhiều đơn hàng nhưng các khách hàng luôn yêu cầu đáp ứng tiến độ giao hàng, song tình hình hiện nay là không thể. Điều này thực sự gây khó khăn cho công ty bởi có đơn hàng nhưng không sản xuất được.

Sản xuất “3 tại chỗ” ở Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam. Ảnh: Hương Giang
Sản xuất “3 tại chỗ” ở Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam. Ảnh: Hương Giang

* Đồng Nai đang từng bước nới lỏng giãn cách, phục hồi sản xuất. DN đã chuẩn bị cho việc này như thế nào?

- Chúng tôi đang dựa vào kế hoạch của tỉnh để chuẩn bị cho các hoạt động bình thường trở lại, lên tất cả các phương án để đón công nhân trở lại sản xuất. Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh là số lượng lao động của DN đang ở trong “vùng đỏ”, “vùng vàng” chiếm phần lớn, chúng tôi đang cân nhắc vấn đề này. Hy vọng lớn nhất của cộng đồng DN chúng tôi là được khôi phục lại sản xuất và mong đợi tỉnh có những biện pháp để sớm kiểm soát dịch bệnh.

Cùng nỗ lực để đảm bảo nền kinh tế “an toàn”

* Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Đồng Nai, theo ông xu hướng đầu tư tiếp theo của các DN là thế nào?

 - Các DN của Nhật Bản thường đầu tư dự án có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Thời gian qua, nhiều DN vẫn tiếp tục mở rộng nhà máy, nâng công suất và coi Đồng Nai là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn. Điều đó cho thấy sự nỗ lực của địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư cũng như sự đồng hành cùng DN.

Hiện xu thế dịch chuyển vốn trong khu vực đang diễn ra và Đồng Nai có thêm nhiều cơ hội thu hút dòng vốn đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các quốc gia và giữa các địa phương trong cả nước ngày càng gay gắt. Để tăng thêm sức hút trước các nhà đầu tư Nhật Bản, bên cạnh việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, thì đầu tư hiện đại hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật và đào tạo đội ngũ lao động có trình độ cao là những vấn đề mà tỉnh cần tiếp tục quan tâm, hoàn thiện.

* Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội DN Nhật Bản tại Đồng Nai, thời điểm này, các hội viên có mong muốn gì, thưa ông?

- Hiệp hội các DN Nhật Bản tại TP.HCM đang có 1.046 công ty thành viên, bao gồm 13 chi hội. Đồng Nai là một trong những chi hội mạnh với số lượng 135 công ty thành viên. Quá trình hoạt động của các DN Nhật tại Đồng Nai từ trước đến nay luôn nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ các lãnh đạo, ban, ngành của tỉnh. Sự ủng hộ này là điều kiện để chúng tôi tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển mối quan hệ hợp tác, làm ăn.

Các DN Nhật Bản đã đầu tư hơn 4,9 tỷ USD vào Đồng Nai, vốn đầu tư tập trung vào các lĩnh vực như máy móc sản xuất, trang thiết bị, linh kiện điện tử, máy tính… Hiện nay, chúng ta đang bị ảnh hưởng to lớn bởi dịch bệnh Covid-19, rất nhiều công ty đã phải tạm ngưng hoạt động dẫn tới đơn hàng sụt giảm, ảnh hưởng đến doanh thu trực tiếp của các công ty và đồng nghĩa tác động đến nền kinh tế nói chung.

Từ trước đến nay, Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng có môi trường kinh doanh rất thuận lợi cho DN FDI, tuy nhiên lợi thế này đang giảm sút đáng kể, vì vậy chúng ta cần phải thảo luận một cách sâu rộng hơn để phục hồi kinh tế một cách an toàn. Việt Nam và Nhật Bản đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài, vì thế chúng ta cần phải nỗ lực tìm ra các giải pháp tái thiết nền kinh tế. Chúng ta hãy cùng nhau tìm giải pháp tốt hơn dể đảm bảo cho nền kinh tế an toàn trước đại dịch.

* Ông có tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế sau những khó khăn vừa qua?

- Theo nhận định của tôi, việc phục hồi kinh tế là vấn đề rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng rằng từ tháng 10 trở đi, khi độ phủ vaccine ngừa Covid-19 được mở rộng thì triển vọng hồi phục sẽ tốt hơn. Chúng ta phần lớn đã được tiêm 1 mũi và tôi hy vọng nếu mũi 2 được hoàn thành sớm thì mật độ làm việc tăng lên và như vậy chung ta có thể vượt qua được đại dịch này. Chắc chắn là như vậy.

* Xin cảm ơn ông!

Nhiều cơ hội hợp tác giữa DN Đồng Nai và Nhật Bản

Tháng 4-2021, Đồng Nai và Cục Kinh tế - thương mại và công nghiệp vùng Kansai (METI - Kansai) đã ký kết hợp tác với các nội dung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đào tạo và cung cấp nhân lực, lĩnh vực môi trường, tiết kiệm năng lượng… Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM thực hiện khảo sát hội viên và có nhiều DN cần tìm nhà cung cấp nội địa với nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Từ nhu cầu nói trên, Tổ điều phối viên xúc tiến phát triển công nghiệp Đồng Nai đã lựa chọn 40 DN trong nước và 10 DN Nhật Bản để triển khai khảo sát từ tháng 7 đến tháng 9-2021. Thông qua khảo sát sẽ lựa chọn các DN nội có thể cung ứng linh kiện/sản phẩm cho đối tác Nhật Bản để mời tham gia Hội nghị giao thương DN Việt - Nhật được tổ chức dự kiến vào tháng 11 năm nay.

Văn Gia (thực hiện)

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích