Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người ở lại...

10:10, 15/10/2021

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người mất việc làm, không còn thu nhập. Bên cạnh những người chọn cách rời Đồng Nai về quê, có nhiều người vẫn quyết định bám trụ với mong muốn sớm được đi làm trở lại, vượt qua khó khăn, nhất là khi tỉnh nới lỏng giãn cách.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người mất việc làm, không còn thu nhập. Bên cạnh những người chọn cách rời Đồng Nai về quê, có nhiều người vẫn quyết định bám trụ với mong muốn sớm được đi làm trở lại, vượt qua khó khăn, nhất là khi tỉnh nới lỏng giãn cách.

Nhiều công ty đã hoạt động trở lại nên nhiều người đã chọn cách ở lại Đồng Nai làm việc. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) trong ngày đầu làm việc sau 3 tháng nghỉ dịch. Ảnh: B.Nhàn
Nhiều công ty đã hoạt động trở lại nên nhiều người đã chọn cách ở lại Đồng Nai làm việc. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) trong ngày đầu làm việc sau 3 tháng nghỉ dịch. Ảnh: B.Nhàn

* Cố gắng bám trụ

Trong căn phòng trọ 18m2 tại P.Hóa An (TP.Biên Hòa), 4 người trong gia đình chị Đào Thị Hiền vẫn đang từng ngày mong đợi được đi làm, đi học bình thường trở lại. Cả hai vợ chồng chị quê ở TP.Cần Thơ, lên Đồng Nai lập nghiệp từ khi con gái đầu mới 2 tuổi. Chị Hiền làm công nhân tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, còn chồng làm nghề thợ sơn. Suốt 8 năm ròng, họ đều ở trọ một nơi vì giá thuê khá rẻ, 1 triệu đồng/tháng.

“Khi còn được đi làm, thu nhập của 2 vợ chồng tôi cũng ổn nên giá nhà trọ không đáng ngại. Nhưng 3 tháng nay, chúng tôi đều thất nghiệp khiến cuộc sống gia đình đầy biến động. May mắn là tháng đầu tiên phường bị phong tỏa, chủ nhà trọ cũng bớt tiền nhà 1 tháng” - chị Hiền chia sẻ.

Tuy nhiên, “miệng ăn núi lở”, cả gia đình không đi làm suốt nhiều tháng liền, lại ở trọ nên gia đình chị Hiền rơi vào khó khăn. Theo chị Hiền, họ đã phải rút những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng để tiếp tục sinh sống và bám trụ lại Đồng Nai. Thời gian qua, nhiều lần vợ chồng chị Hiền đã tính đến chuyện về lại quê nhà ở Cần Thơ để giảm áp lực kinh tế.

Chị Hiền tâm sự: “Mình người lớn có thể chịu thiếu thốn, ăn uống kham khổ nhưng thấy con phải chịu cực theo thì không đành lòng. Cả hai vợ chồng tôi đều bàn tính và định đi đăng ký danh sách về quê. Nhưng chúng tôi cũng phân vân vì về quê lại phải cách ly tập trung nhiều ngày, hoặc lỡ mang theo dịch về lại khổ cho người thân và hàng xóm”.

Dù còn khó khăn nhưng nhiều người vẫn chọn ở lại chờ ngày đi làm
Dù còn khó khăn nhưng nhiều người vẫn chọn ở lại chờ ngày đi làm

Vợ quê ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chồng quê tận Sóc Trăng, nhưng nhiều năm nay, vợ chồng anh Đoàn Minh Tuấn đã lập nghiệp ở Đồng Nai. 3 người gồm 2 vợ chồng và con gái thuê trọ tại KP.2, P. Long Bình, TP.Biên Hòa để ở. Họ làm nghề tự do và đã thất nghiệp do dịch bệnh Covid-19.

“Trước dịch, cả hai vợ chồng đều buôn bán hàng rong nhưng thu nhập cũng đủ trang trải, nuôi con ăn học. Suốt 3 tháng giãn cách xã hội, lại sống trong vùng dịch phải phong tỏa nên gia đình cũng gặp nhiều khó khăn về kinh tế” - anh Tuấn chia sẻ.

Vừa lo dịch bệnh, vừa lo chi phí trang trải sinh hoạt gia đình, nhiều đêm vợ chồng anh Tuấn mất ngủ và nghĩ đến chuyện về lại quê nhà nương náu lúc khó khăn. Nhưng bàn tính nhiều lần, vợ chồng anh Tuấn vẫn quyết tâm bám trụ lại Đồng Nai.

Anh Tuấn cho hay: “Mình cũng đã cố bám trụ được vài tháng rồi, bữa đói bữa no nhưng còn sức khỏe là mừng. Hơn nữa, vài ngày nay, Đồng Nai đã nới lỏng giãn cách nên vợ chồng tôi hy vọng sẽ được bán hàng trở lại”.

Những ngày qua, nhìn dòng người ồ ạt về quê mang theo con nhỏ được chia sẻ trên mạng xã hội hay các bản tin, anh Nguyễn Huy Giang (tạm trú tại xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) không khỏi chạnh lòng. Lý do anh Giang không dám về là sợ tập trung đông người, lỡ như trong số đó có ca nhiễm thì rất nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng.

“Tôi nghĩ mình đã vượt qua lúc khó khăn nhất, vẫn trụ được và không bế tắc đến nỗi phải về quê bằng mọi giá. Khi các công ty đang bắt đầu hoạt động trở lại, tôi hy vọng rằng cuộc sống cũng sẽ dần đi vào quỹ đạo như trước” - anh Giang cho hay.

* “Mảnh đất này không bỏ rơi mình”

Trước dịch, anh Giang làm nghề sửa điện nước tự do, nhưng sau đợt dịch này, anh dự tính sẽ thay đổi công việc. Anh Giang định xin làm công nhân. Chỉ cần có công việc là làm, miễn sao có “đồng ra, đồng vào”. Hiện tại, anh đã được tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa Covid-19 và gửi đơn tìm việc vài nơi.

“Tiền tiết kiệm cũng đã cạn rồi nên phải cố tìm được việc để đi làm lại, vừa lo cho mình, vừa phụ giúp gia đình ở quê. Tôi tin mảnh đất này không bỏ rơi mình. Những ngày khó khăn sống trong vùng phong tỏa, ngoài hỗ trợ gạo của Nhà nước, nhiều mạnh thường quân cũng hỗ trợ thực phẩm như thịt, rau, trứng… cũng an ủi phần nào” - anh Giang cho hay.

Mới đây, vợ chồng anh Tuấn cũng vừa nhận được 1,5 triệu đồng/người tiền trợ cấp theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Dù số tiền không lớn nhưng trong thời điểm này, số tiền này lại rất quan trọng với họ. Hiện tại, Đồng Nai đã nới lỏng giãn cách, mở lại một số dịch vụ nhưng vợ chồng anh Tuấn vẫn chưa bán hàng trở lại. Theo anh Tuấn, Nhà nước nới lỏng giãn cách nhưng vợ chồng anh mới tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19 và số ca nhiễm vẫn còn cao nên họ vẫn lo ngại. “Chúng tôi ráng chờ thêm khoảng 1-2 tuần nữa khi tình hình dịch ổn hơn sẽ buôn bán trở lại” - anh Tuấn cho biết.

Trên địa bàn H.Vĩnh Cửu, ngày 11-10, tất cả người lao động của Công ty TNHH Changshin Việt Nam đã nhận thông báo đi làm trở lại. Theo yêu cầu của công ty, người lao động phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày hoặc đã được điều trị khỏi Covid-19 dưới 180 ngày. Trước khi vào làm, người lao động đều phải test Covid-19 và có kết quả âm tính. Chi phí test sẽ do công ty chi trả. Khi đầy đủ cả 2 điều kiện trên thì kể cả những người ở vùng đỏ vẫn được đi làm bình thường.

Nghỉ việc suốt 3 tháng vì dịch, không có thu nhập nên đời sống của nhiều công nhân cũng khó khăn hơn, nhất là người ở trọ. Do đó, khi nhận được thông tin đi làm trở lại, nhiều người đã rất vui mừng.

“Cả đêm qua tôi không ngủ được vì mừng. Trong suốt hơn 10 năm làm việc, đây là lần đầu tiên phải nghỉ việc lâu như vậy. Ở nhà nhiều vừa không có tiền lo chi phí sinh hoạt, tôi còn thấy mệt mỏi và tù túng trong căn phòng trọ” - chị Bùi Thị Dư, công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam bày tỏ.

Đại úy ĐINH ĐỨC DANH, Phó trưởng Công an xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu cho hay, trong đợt dịch này, gần 10 ngàn người sinh sống trên địa bàn xã về quê tránh dịch. Tuy nhiên, từ tuần trước, một số công ty đã bắt đầu hoạt động trở lại, nhiều người trong danh sách đăng ký về quê đã hủy.

“Những người về quê đa phần là ở trọ, khó khăn khi thất nghiệp nhiều tháng liền và không biết khi nào mới đi làm trở lại. Nhưng gần đây, chỉ thai phụ sắp sinh mới đăng ký về quê nghỉ thai sản và tránh dịch, còn lại người dân cũng đã quyết định ở lại để chờ ngày đi làm” - anh Danh nói.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều