Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghe gốm kể chuyện… đại dịch

09:10, 29/10/2021

Dù hoạt động có phần trầm lặng hơn so với các loại hình nghệ thuật như: âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh… song những người yêu gốm truyền thống đã tích cực sáng tạo nhiều tác phẩm về đề tài phòng, chống dịch Covid-19.

Dù hoạt động có phần trầm lặng hơn so với các loại hình nghệ thuật như: âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh… song những người yêu gốm truyền thống đã tích cực sáng tạo nhiều tác phẩm về đề tài phòng, chống dịch Covid-19.

Phố thời dịch trong gốm của gia đình chị Nguyễn Hoa, P.Hóa An, TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Na
Phố thời dịch trong gốm của gia đình chị Nguyễn Hoa, P.Hóa An, TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Na

Những câu chuyện về phố thời dịch, khẩu trang, khử khuẩn liên tiếp xuất hiện trên các sản phẩm gốm Biên Hòa, trong tác phẩm của các em thiếu nhi đã và đang tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng, cổ vũ toàn dân, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu chống dịch.

* Phố thời dịch lên gốm

Khoảng từ đầu tháng 7, khi TP.Biên Hòa thực hiện giãn cách xã hội và phong tỏa nhiều phường, xã, chị Nguyễn Hoa, ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch. Chị Hoa ở nhà, bắt tay thiết kế và sáng tạo các tác phẩm trên gốm truyền thống, chủ đề dịch Covid-19.

“Trong thời gian ở khu phong tỏa (3 tháng), gia đình tôi gồm chồng và 2 con đã lên kế hoạch để tự làm sản phẩm gốm ngay tại xưởng của gia đình. Chúng tôi làm theo sở thích cá nhân của mỗi người, đa số là các sản phẩm lấy chủ đề về dịch Covid-19, từ phố thời dịch, khẩu trang, khử khuẩn đến những con người, cảnh vật thiên nhiên mùa dịch… Hiện, cả gia đình đã làm được hàng chục tác phẩm. Các con rất hào hứng, thực hiện nhiều tác phẩm riêng của mình. Nhờ làm gốm mà chúng tôi thường xuyên chia sẻ ý tưởng, câu chuyện, gắn kết với nhau hơn” - chị Hoa bộc bạch.

Đến với nghề gốm hơn 15 năm và là cựu sinh viên Khoa Gốm, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, hiện chị Hoa đang làm việc tại Công ty CP Gốm Việt Thành (P.Hóa An). Hầu hết các sản phẩm gốm mỹ nghệ, gốm công nghiệp thường chị phải lên ý tưởng, thiết kế và ra bản vẽ, sau đó mới chuyển xuống xưởng để thợ gốm thực hiện. Riêng những sản phẩm gốm thủ công trong mùa dịch, chị chủ yếu làm thủ công, ý tưởng xuất hiện một cách tự phát.

“Khó khăn lớn nhất trong làm gốm thủ công mùa dịch chính là khâu nung sản phẩm. Mỗi một sản phẩm làm ra, chấm men xong phải đợi khô và xếp chúng vào một kho riêng, sau khi hết giãn cách chúng tôi mới vận chuyển đi nung. Rất mừng vì những sản phẩm gốm chủ đề về dịch Covid-19 sau khi giới thiệu trên mạng xã hội được nhiều người quan tâm, yêu thích” - chị Hoa nói.

Cũng theo chị Hoa, để kể chuyện dịch Covid-19 sống động trên gốm, giúp tác phẩm mềm mại, nhẹ nhàng đòi hỏi người thợ phải chịu khó, chạm khắc tỷ mẩn, cầu kỳ mới ra được đường nét có hồn. Đây cũng là điều làm nên sự khác biệt về độ tinh xảo, thần khí giữa mỗi tác phẩm sau khi ra lò. Làm gốm trong mùa dịch vừa mang ý nghĩa bảo tồn, phát huy giá trị của gốm vừa góp thêm tiếng nói ý nghĩa để chung tay phòng, chống dịch.

Là thành viên nhỏ nhất trong gia đình chị Nguyễn Hoa, em Hoàng Ngọc Hiến Nam (7 tuổi) học sinh Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu (TP.Biên Hòa) cho biết: “Mùa dịch, con ở nhà cùng chị gái học làm gốm bằng tay. Mẹ giúp con tạo hình thành những chiếc bình, những chiếc đĩa, sau đó con sẽ vẽ tranh nhà cửa, đường phố, những con vật yêu thích lên gốm và tô màu”. Hiện tại, Nam vừa học online vừa học vẽ trên gốm với cha, thi thoảng em cũng khoe một vài tranh gốm với bạn bè.

* Sẽ tổ chức triển lãm gốm cá nhân về đại dịch

Nghệ nhân gốm Hoàng Ngọc Hiến (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) cho biết, những ngày giãn cách xã hội anh sáng tác rất nhiều tác phẩm mỹ thuật trên gốm truyền thống. Anh dành 17 bộ gốm đóng góp để tham gia triển lãm và bán tác phẩm nghệ thuật ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai và Tỉnh đoàn phát động.

Những tác phẩm gốm đề tài phòng, chống dịch của gia đình chị Nguyễn Hoa trước khi đi nung
Những tác phẩm gốm đề tài phòng, chống dịch của gia đình chị Nguyễn Hoa trước khi đi nung

“Ngoài các tác phẩm đóng góp và triển lãm chung, hiện tôi đang tập hợp những tác phẩm gốm chủ đề dịch Covid-19 sáng tác thời gian qua để tổ chức triển lãm cá nhân. Dự kiến, triển lãm này sẽ được thực hiện vào cuối năm 2021 tại TP.Biên Hòa, khi đại dịch được kiểm soát hoàn toàn. Tôi hy vọng, những tác phẩm mỹ thuật được thực hiện trên gốm truyền thống Biên Hòa sẽ đến gần hơn với công chúng; lan tỏa được những câu chuyện, những thông điệp về phòng, chống dịch, nhất là với lực lượng tuyến đầu” - anh Hiến chia sẻ.

Cuộc sống của người dân đã trở lại trạng thái bình thường mới, hiện nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến đang thiết kế nhiều mẫu mã, tác phẩm nghệ thuật để làm quà tặng cho các gia đình đón Xuân Nhâm Dần 2022. Bên cạnh mẫu mã gốm về con hổ - linh vật  thứ 3 trong bộ 12 con giáp, anh Hiến còn thực hiện các bình bông trang trí, hũ kẹo, hũ mứt… đậm nét văn hóa của vùng đất và con người Đồng Nai nói riêng, Nam bộ nói chung. Qua đó, tiếp tục đưa sản phẩm gốm Biên Hòa đến với người yêu gốm truyền thống trong và ngoài nước.

Họa sĩ PHẠM CÔNG HOÀNG, Trưởng ban Mỹ thuật Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai: Nghệ sĩ quan tâm chủ đề phòng, chống Covid-19

Hưởng ứng phát động của Hội, nhiều họa sĩ, nghệ nhân Ban Mỹ thuật đã sáng tác các tác phẩm gốm đa dạng chủ đề, trong đó nổi bật là phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, nhiều nghệ sĩ cũng đóng góp các tác phẩm tâm huyết để bán đấu giá gây quỹ phòng, chống dịch. Những câu chuyện hay, ý nghĩa trong đại dịch bước ra từ tác phẩm nghệ thuật đã và đang tạo nên sự cộng hưởng, niềm hạnh phúc cho cả người sáng tác, người sưu tầm lẫn cộng đồng.

Ly Na

Tin xem nhiều
Gốm sứ bát tràng Việt NamCác mẫu Bình hút lộc vẽ vàng sang trọng