Ngữ văn vốn không phải là môn học khô khan nhưng nếu không biết cách liên hệ và kết nối với thực tiễn cuộc sống thì khó có thể thu hút được học sinh. Trăn trở trước thực tế này, nhiều năm liền, cô Đặng Thị Tuyết, giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) đã kiên trì, nỗ lực tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong môn Ngữ văn.
Ngữ văn vốn không phải là môn học khô khan nhưng nếu không biết cách liên hệ và kết nối với thực tiễn cuộc sống thì khó có thể thu hút được học sinh. Trăn trở trước thực tế này, nhiều năm liền, cô Đặng Thị Tuyết, giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) đã kiên trì, nỗ lực tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong môn Ngữ văn.
Cô Đặng Thị Tuyết, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) nhận giải nhì chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập của tỉnh năm 2020 với giải pháp Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong môn Ngữ văn |
Hiện nay, dù ở cương vị Phó hiệu trưởng nhà trường, cô Tuyết vẫn say mê với công việc giảng dạy và ấp ủ nhiều dự định, kế hoạch nhằm giúp học sinh yêu thích môn học này hơn.
* Theo đuổi dạy học dự án
Năm học 2017-2018, khi còn là Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, cô Tuyết đã bắt đầu tìm hiểu và thiết kế nội dung dạy học dự án. Chưa có kinh nghiệm, không có giáo trình tham khảo, bản thân cô phải tự mày mò tìm hiểu và bắt tay vào làm mọi việc.
Từ 3 văn bản trong chương trình Ngữ văn lớp 8 (gồm: Thông tin về Ngày trái đất năm 2000; ôn dịch, thuốc lá; bài toán dân số), cô Tuyết quyết định cho học sinh thực hiện dự án Phía sau khung cửa. Theo đó, học sinh đi khảo sát, tìm hiểu thực tế tại địa bàn P.Tân Biên sau đó đưa ra các giải pháp, nội dung và thiết kế cẩm nang tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, thay đổi hành vi của người dân, học sinh đối với các vấn đề được nêu trong bài học.
Dạy học sinh biết ước mơ Khi tiếp nhận một học trò mới hoặc dạy học một lớp mới, cô Đặng Thị Tuyết luôn hỏi các em về ước mơ nghề nghiệp trong tương lai. Rất nhiều em không biết ước mơ của chính mình là gì. Thông thường, cô sẽ khơi gợi để các em hiểu về thế mạnh, năng lực của bản thân rồi cho thời gian 1 tuần để các em suy nghĩ, sau đó sẽ chia sẻ về ước mơ của mình. Chính câu hỏi đơn giản ấy đã khiến các cô cậu học trò suy nghĩ về tương lai và dần có định hướng. Cũng từ sự gợi mở chân thành đó, rất nhiều học trò đã tin tưởng tìm đến cô khi cần lời khuyên cho bước đường tương lai và đều tìm được đáp án. |
“Tôi cho học sinh đi bộ dọc theo công viên 30-4 để các em tìm kiếm và phỏng vấn những người hút thuốc lá, đồng thời tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe. Không những vậy, các em còn vận động nhiều người bỏ thuốc để lấy tiền gây quỹ ủng hộ học sinh nghèo. Hoạt động này đã gây được sự chú ý của nhiều người và chỉ trong buổi sáng các em đã quyên góp được 1 triệu đồng từ những người hút thuốc lá…” - cô Tuyết nhớ lại.
Đồng hành với học sinh trong quá trình thực hiện dự án, cô Tuyết ngạc nhiên nhận thấy sức sáng tạo, tài năng và sự năng động của học trò. Các em có thể làm tròn vai mọi việc, vượt qua sự kỳ vọng và tưởng tượng của cô. Đó cũng chính là động lực để cô tiếp tục tin tưởng, trao cho học trò thêm nhiều cơ hội để các em được thể hiện bản thân.
Dạy học dự án chỉ là một trong nhiều hoạt động trải nghiệm, sáng tạo mà cô Tuyết áp dụng khi giảng dạy môn Ngữ văn. Những hoạt động này đều nhằm tạo nên sức hấp dẫn của môn học để học sinh hào hứng hơn, tiếp thu kiến thức tốt hơn. Những hoạt động mà cô Tuyết thường xuyên tổ chức trong các giờ học Ngữ văn là: tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, game hóa kiến thức; tham quan, dã ngoại; tổ chức các hội thi, cuộc thi; sân khấu hóa tác phẩm văn học…
Bằng việc tham gia các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo nêu trên, học sinh được giữ vai trò chủ động trong học tập, môn học trở nên mới lạ, hấp dẫn hơn. Thông qua quá trình làm việc, học sinh không chỉ tiếp thu tốt kiến thức mà còn phát triển nhiều kỹ năng mềm.
Đối với Nguyễn Ngọc Thanh Thi, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa), cô Tuyết chính là người đã giúp em yêu thích và dần có niềm đam mê với Văn học. Thanh Thi chia sẻ: “Năm lớp 8, em được học Văn với cô Tuyết. Đó là lần đầu tiên em được tham gia nhiều hoạt động bổ ích khi học văn. Các dự án học tập mà cô Tuyết thiết kế đã giúp em yêu thích môn văn hơn. Cũng nhờ đó, em mới nhận thức rõ mối liên hệ giữa văn học với thực tiễn, mới thấy được rằng học Văn cũng có thể áp dụng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống”.
* Ấp ủ nhiều dự định
Dự án thử nghiệm đầu tiên đã mang đến những chuyển biến tích cực trong dạy và học Ngữ văn ở nhà trường, trong đó, điều khiến cô Tuyết tâm đắc nhất chính là sự tiến bộ và hứng thú của học sinh. Từ thành công bước đầu này, cô cùng các đồng nghiệp tiếp tục vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nghiên cứu, tìm tòi, bổ sung các phương pháp dạy học tích cực; thiết kế thêm các dự án…
Trong 3 năm học liên tiếp sau đó, Tổ Ngữ văn Trường THCS Lý Tự Trọng tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh tham gia. Sau thời gian đầu học hỏi, cô Tuyết cho rằng việc dạy học trải nghiệm sáng tạo thực ra không vất vả đối với giáo viên. Vì với những hoạt động này, giáo viên chỉ là người xây dựng dự án, nội dung còn học sinh là người thực hiện chính. Trong quá trình đó, giáo viên phải đồng hành, theo dõi tiến trình thực hiện, khơi gợi ý tưởng, nhắc nhở học sinh…
Tuy không vất vả nhưng bù lại, giáo viên cần phải thực sự tâm huyết, năng nổ, nhiệt tình và có óc sáng tạo. Chỉ khi giáo viên có tâm huyết thì mới sẵn sàng dành hết thời gian, công sức và sát cánh cùng học sinh trong quá trình học tập.
Ở cương vị Phó hiệu trưởng, cô Tuyết mong muốn có thể lan tỏa đến đồng nghiệp ngọn lửa yêu nghề, sự say mê đổi mới sáng tạo. Hiện nay, dù trong điều kiện dạy học online, giáo viên của Trường THCS Lý Tự Trọng vẫn đang lên kế hoạch để tổ chức ngày càng nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo để học sinh tham gia.
Hải Yến