Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành động vì một hành tinh xanh

10:10, 29/10/2021

Từ một dự án nhỏ trong khuôn khổ chủ đề Văn nghị luận dành cho học sinh lớp 10 chuyên Văn (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh), dự án dạy học Tiếng nói của rừng đã lan tỏa đến nhiều trường học trong và ngoài tỉnh. Hiện dự án này đã phát triển thành dự án dạy học tích hợp xuyên môn dài hơi.

Từ một dự án nhỏ trong khuôn khổ chủ đề Văn nghị luận dành cho học sinh lớp 10 chuyên Văn (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh), dự án dạy học Tiếng nói của rừng đã lan tỏa đến nhiều trường học trong và ngoài tỉnh. Hiện dự án này đã phát triển thành dự án dạy học tích hợp xuyên môn dài hơi.

Giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh tham gia trồng cây trong khuôn viên trường. Ảnh: NVCC
Giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh tham gia trồng cây trong khuôn viên trường. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh chính là người đầu tiên khởi xướng và đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để phát triển dự án.

* Lan tỏa từ một dự án

Cô Thu Hà chia sẻ, ban đầu, ý tưởng dự án xuất phát từ thực trạng lũ lụt, sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng ở miền Trung nước ta vào tháng 9, 10-2020 mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Nhiệm vụ cơ bản của dự án là học sinh tạo lập những bài văn nghị luận xã hội về đề tài rừng trong cuộc sống của con người, từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân và cộng đồng đối với vấn đề bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng.

Các sản phẩm của dự án được đăng tải trên fanpage Tiếng nói của rừng, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều học sinh, giáo viên và cộng đồng. Không chỉ Tổ Ngữ văn mà giáo viên các bộ môn khác trong trường cũng rất ủng hộ. Vì vậy, ngay trong năm học trước, dự án đã phát triển cho toàn bộ học sinh khối 10 của trường. Hiện nay, dự án dạy học này đã lan tỏa đến 7 trường học khác ở trong và ngoài tỉnh. Trong đó, tại Đồng Nai  có các trường THPT: Tôn Đức Thắng, Tam Phước, Nguyễn Hữu Cảnh, Định Quán; TP.HCM có Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; tỉnh Bình Phước có Trường THPT Phước Bình và tỉnh Khánh Hòa có Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với 15 giáo viên tham gia vào Ban quản lý dự án.

Đặc biệt, Tiếng nói của rừng đã trở thành dự án dạy học tích hợp xuyên môn với các chủ đề học tập ở 3 bộ môn: Ngữ văn, Tin học, Sinh học, kết hợp giáo dục môi trường, giáo dục di sản thiên nhiên địa phương và giáo dục hướng nghiệp.

* Tác động tích cực

Thầy Hoàng Hà, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Định Quán (H.Định Quán) là thành viên mới trong Ban điều hành dự án. Thầy cho rằng đây là một dự án rất ý nghĩa, tác động đến ý thức bảo vệ môi trường của học sinh và cộng đồng.

Học sinh lớp 10 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (năm học 2020-2021) giới thiệu sản phẩm từ dự án Tiếng nói của rừng trong Ngày hội STEM do trường tổ chức. Ảnh: NVCC
Học sinh lớp 10 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (năm học 2020-2021) giới thiệu sản phẩm từ dự án Tiếng nói của rừng trong Ngày hội STEM do trường tổ chức. Ảnh: NVCC

“Dự án rất cần thiết đối với các em học sinh và sẽ tác động lâu dài đến các em chứ không chỉ “ngày một ngày hai”. Tôi tin tưởng vào hiệu quả của dự án bởi sự đón nhận của không chỉ học sinh mà cả cộng đồng. Tôi đã cầm kế hoạch của dự án đi làm việc tại các trạm kiểm lâm, họ rất đồng tình ủng hộ và cho biết sẵn sàng tặng giống cây để cho học sinh tham gia hoạt động trồng cây gây rừng” - thầy Hoàng Hà nói.

Điều khiến thầy Hoàng Hà hài lòng khi tham gia dự án là nhóm biên soạn đã thiết kế rất chi tiết, cụ thể, khúc chiết kế hoạch chung của dự án và kế hoạch dạy học cho từng chủ đề trong từng môn học thuộc dự án. Đặc biệt, nội dung, hoạt động của chủ để gần gũi, phù hợp với mọi đối tượng học sinh. Vì vậy, giáo viên của các trường chỉ cần áp dụng theo đúng kế hoạch thì đều có thể tự triển khai dự án trong điều kiện dạy học ở trường mình công tác.

“Dự án này đã được biên soạn rất rõ ràng, có trang truyền thông riêng nên khá thuận tiện cho những trường tham gia sau. Học sinh của tôi tham gia cũng rất tích cực. Sản phẩm các em làm ra rất phong phú, ý nghĩa, được Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao” - thầy Hoàng Hà vui mừng chia sẻ.

Em Hoàng Nhật Minh Anh, lớp 11 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh cho biết: “Tham gia dự án, chúng em đã có các hoạt động ý nghĩa, thiết thực để truyền thông về bảo vệ môi trường như: tham gia ngày hội STEM, trồng cây xanh trong khuôn viên trường, trồng cây xanh để bán gây quỹ hoạt động… Những hoạt động này không tốn nhiều thời gian, ngược lại còn là cơ hội để chúng em vừa giải trí, vừa hành động vì môi trường”.

Khó khăn là phải tự lần mò, dịch tài liệu và biên soạn

Để tổ chức dự án ở quy mô lớn, xuyên môn, liên trường, cô Thu Hà đã phải dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu lại tài liệu về dạy học tích hợp liên môn, lên ý tưởng và xây dựng kế hoạch.

Theo đó, dự án được tổ chức tích hợp theo hình thức xuyên môn - mô hình nối mạng. Trong đó, mỗi chủ đề dạy học được thực hiện độc lập nhưng cùng hướng đến thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu chung của dự án là: phát triển năng lực người học, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng đối với môi trường sinh thái, thúc đẩy mọi người có những hành động thiết thực vì màu xanh của những cánh rừng.

Hải Yến

 

 

 

Tin xem nhiều