Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đang rất khó khăn, chật vật sau nhiều tháng phải tạm ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19. Không có nguồn thu, nhiều cơ sở đã buộc phải ngừng trả lương giáo viên, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa...
Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đang rất khó khăn, chật vật sau nhiều tháng phải tạm ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19. Không có nguồn thu, nhiều cơ sở đã buộc phải ngừng trả lương giáo viên, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa...
Giáo viên nhiều trường mầm non tư thục đang mong chờ từng ngày được trở lại làm việc Trong ảnh: Giáo viên Trường mầm non tư thục Bé Ngoan (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chăm sóc trẻ khi dịch bệnh chưa bùng phát. Ảnh: Đặng Công |
Theo Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 346 trường mầm non, trong đó có trên 120 trường tư thục (chiếm tỷ lệ 35%). Ngoài ra, hiện còn tồn tại 1.300 nhà, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục thường nhận trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, chủ yếu là con công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài trong thời gian qua khiến rất nhiều cơ sở mầm non tư thục gặp khó khăn, người lao động bị thất nghiệp.
* Khó khăn chồng chất
Năm 2019, Trường mầm non tư thục Bé Ngoan (đóng trên địa bàn P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) được xây mới hoàn toàn với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay trường đã phải trải qua nhiều đợt hoạt động rồi lại dừng, dừng rồi lại hoạt động vì dịch Covid-19 bùng phát. Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ cuối tháng 4-2021 đến nay) trường phải đóng cửa 5 tháng liên tục. Trong khoảng thời gian này trường không có bất cứ nguồn thu nào, đội ngũ giáo viên của trường đành chấp nhận ở nhà nghỉ việc không lương, nhà trường chỉ có thể hỗ trợ vài trăm ngàn đồng mỗi đợt nghỉ dịch, kèm theo ít lương thực, thực phẩm.
Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Bé Ngoan Giang Thị Chuốt cho biết: “Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non nhưng đây là khoảng thời gian khó khăn nhất với chúng tôi. Trường dù không hoạt động trong nhiều tháng liền, không thể trả lương giáo viên nhưng vẫn phát sinh các khoản chi phí khác. Trong thời gian này trường cũng không thể tuyển sinh được trẻ cho năm học mới, thậm chí ngay cả chuyện “giữ chân” giáo viên cũng rất khó khăn. Nếu tiếp tục dừng hoạt động thêm thời gian nữa thì giáo viên cũng buộc phải đi tìm công việc khác để kiếm sống. Điều này khiến chúng tôi rất lo lắng vì tuyển được giáo viên mầm non không dễ dàng chút nào”.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài cũng đẩy chủ đầu tư Trường mầm non tư thục Đamri (thuộc P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) rơi vào tình cảnh khó khăn. Dù không thể hoạt động suốt nhiều tháng, không có nguồn thu nào nhưng hằng tháng trường vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, tiền bảo vệ và các hoạt động tối thiểu khác. Đời sống của hàng chục giáo viên trong thời gian phải nghỉ việc ở nhà, không có thu nhập cũng gặp nhiều khó khăn.
Tình cảnh khó khăn này cũng xảy ra với các nhóm trẻ. Chị Phạm Thị Ngọc Mai, chủ Nhóm trẻ Hoa Mặt Trời tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho hay, mỗi tháng chị phải trả trên 30 triệu đồng tiền thuê mặt bằng để làm cơ sở trông giữ trẻ cho công nhân, kèm theo tiền lãi vay đầu tư cơ sở vật chất. Thế nhưng đã gần 5 tháng nay cơ sở trông giữ trẻ của gia đình chị lâm vào cảnh “cửa đóng then cài”. Chia sẻ khó khăn với chị Mai, chủ cho thuê mặt bằng đã miễn 50% tiền thuê.
Chị Mai chia sẻ thêm: “Nếu dịch bệnh còn kéo dài, không có nguồn thu duy trì hoạt động thì tôi buộc phải trả lại mặt bằng, chuyển sang lĩnh vực khác để “cắt lỗ”, vì hiện tại đã có 8/10 bảo mẫu giữ trẻ đã về quê, hoặc đi tìm công việc khác để có thu nhập nuôi sống gia đình”.
* Hệ lụy kéo dài
Trong khi các trường mầm non công lập tạm dừng hoạt động kéo dài vì dịch Covid-19 không ảnh hưởng nhiều, vì vẫn được ngân sách nhà nước hỗ trợ, thì các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đang lao đao vì phải tự chủ hoàn toàn. Nếu tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài, thậm chí hết học kỳ 1 năm học 2021-2022, trẻ vẫn chưa thể đến trường vì chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19 thì nhiều cơ sở giáo dục mầm non có nguy cơ phá sản. Thậm chí nếu cơ sở giáo dục mầm non nào cố gắng “cầm cự” được qua đợt dịch này để hoạt động trở lại khi điều kiện cho phép thì cũng phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Nhiều phụ huynh đang mong sớm mở cửa lại các trường học để tiện cho việc gửi con. Trong ảnh: Giáo viên Trường mầm non Song ngữ Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) hướng dẫn trẻ vẽ tranh trước khi dịch bệnh bùng phát năm 2021. Ảnh: Đặng Công |
Ông Lê Văn Phúc, một người có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư nhóm trẻ tư thục tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho biết: “Cơ sở của chúng tôi chủ yếu nhận trông giữ trẻ là con của công nhân với mức học phí chỉ từ 1,2 triệu đồng/tháng. Sau nhiều tháng đóng cửa, thời gian tới nếu hoạt động trở lại chắc chắn cũng sẽ rất khó khăn. Chẳng hạn như nhiều công nhân về quê đã mang theo trẻ về gửi cho ông bà ở quê chăm sóc giúp, còn nhiều bảo mẫu sau nhiều tháng nghỉ việc không lương thì đến nay họ cũng đã tìm việc khác. Chúng tôi đặc biệt lo lắng là việc tuyển dụng bảo mẫu trông giữ trẻ không hề dễ dàng vì công việc áp lực nên không mấy người mặn mà”.
Chị Đinh Thị Cẩm Vân, bảo mẫu Nhóm trẻ tư thục Tuổi Ngọc (P.Tân Hòa. TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi đã phải nghỉ việc trông giữ trẻ ở nhà gần 5 tháng nay, đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của tôi. Thời gian qua tôi đã nhận được gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ nhưng cũng chỉ giảm bớt phần nào khó khăn. Tôi đã phải làm thêm công việc bán hàng trực tuyến để có thêm thu nhập nuôi sống gia đình. Hiện tại tôi đang cố gắng tìm một công việc mới ổn định hơn vì không biết khi nào hoạt động trông giữ trẻ mới được mở lại”.
Còn theo một chủ đầu tư cơ sở mầm non tư thục chất lượng cao tại P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa), dịch bệnh Covid-19 không chỉ khiến cơ sở gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, hiện tại mà còn có thể lâu dài. Thời gian qua tuy không có thu nhập, nhưng chủ đầu tư vẫn đang trả tiền thuê mặt bằng, lãi vay ngân hàng mỗi tháng cả trăm triệu đồng.
Chủ cơ sở này cho biết: “Chi phí hằng tháng trong thời gian qua đã “ăn hết” cả tiền lãi có được trước đây, thậm chí chúng tôi đã phải bù lỗ. Điều chúng tôi lo lắng nhất là dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng tới thu nhập của phụ huynh, chính vì vậy sau dịch phụ huynh có thể cân nhắc chuyện gửi con ở những trường có mức học phí phù hợp hơn. Nếu điều đó thực sự xảy ra thì quả là khó khăn chồng chất khó khăn. Còn nếu giảm học phí để giữ chân phụ huynh thì có thể chúng tôi sẽ phá sản vì không đủ chi phí”.
Bà Trương Thị Thủy Ngân, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT cho biết, cho đến nay mọi hoạt động của bậc giáo dục mầm non đã dừng được gần 5 tháng, khó khăn bậc học này đang gặp phải là rất lớn, đặc biệt là với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non thời gian qua không thể có nguồn trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên. Nếu các trường mầm non công lập hoạt động trở lại không gặp khó khăn gì thì các cơ giáo dục mầm non tư thục chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có cơ sở sẽ phải gầy dựng lại từ đầu từ công tác tuyển sinh trẻ đến tuyển bổ sung mới giáo viên thay thế cho giáo viên đã nghỉ việc.
Bà Ngân cho biết thêm: “Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục rà soát lại tình hình của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đó sẽ có đánh giá lại toàn bộ, đồng thời đưa ra các kiến nghị tháo gỡ cho các cơ sở này trong thời gian tới”.
Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ: Sẽ kiến nghị hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các trường mầm non tư thục Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục có vai trò quan trọng, chia sẻ áp lực với hệ thống trường mầm non công lập, đặc biệt là tại TP.Biên Hòa và các địa phương có nhiều khu công nghiệp tập trung đông công nhân. Trước mắt các cơ sở này cần chú ý làm thủ tục hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ cho giáo viên tạm thời phải dừng việc. Sắp tới, ngành sẽ kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các trường mầm non tư thục để sau dịch các cơ sở giáo dục này có thể hoạt động trở lại bình thường, không làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận trẻ. |
Đặng Công