Báo Đồng Nai điện tử
En

Hợp tác cùng doanh nghiệp để cung ứng nhân lực chất lượng cao

10:09, 03/09/2021

Được thành lập năm 2013 với 2 ngành chủ lực, trọng điểm và có nhu cầu nguồn nhân lực cao là Công nghệ chế biến lâm sản và Thiết kế nội thất, đến nay Khoa Công nghiệp và kiến trúc (FIA), Phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp tại Đồng Nai (TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) đã có vị trí, tầm ảnh hưởng nhất định trong đào tạo, nghiên cứu khoa học ở khu vực phía Nam.

PGS-TS Vũ Mạnh Tường giới thiệu sản phẩm gỗ trong suốt (thấu quang gỗ) vừa được khoa hướng dẫn sinh viên nghiên cứu thực hiện
PGS-TS Vũ Mạnh Tường giới thiệu sản phẩm gỗ trong suốt (thấu quang gỗ) vừa được khoa hướng dẫn sinh viên nghiên cứu thực hiện

Được thành lập năm 2013 với 2 ngành chủ lực, trọng điểm và có nhu cầu nguồn nhân lực cao là Công nghệ chế biến lâm sản và Thiết kế nội thất, đến nay Khoa Công nghiệp và kiến trúc (FIA), Phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp tại Đồng Nai (TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) đã có vị trí, tầm ảnh hưởng nhất định trong đào tạo, nghiên cứu khoa học ở khu vực phía Nam.

Ưu tiên đào tạo phát triển kỹ năng làm việc thực tế, FIA đã liên kết với nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và nội thất của Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), các DN tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và khu vực phía Nam để tổ chức Học kỳ doanh nghiệp cho sinh viên ngay cuối năm thứ nhất, từ đó sinh viên năm thứ 3 đã có thể nhận lương khi thực tập và làm việc tại DN.

Sinh viên là “sản phẩm” quan trọng trong chuỗi cung ứng nhà trường và doanh nghiệp

* Thưa PGS-TS Vũ Mạnh Tường, thế mạnh hiện nay trong đào tạo của đơn vị là gì?

- Chúng tôi có đội ngũ giảng viên chuyên ngành Công nghệ chế biến lâm sản và thiết kế nội thất hùng hậu, với trên 65% giảng viên có học hàm và học vị cao được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến như: Australia, Nhật, Đức, Canada và Trung Quốc... Chương trình đào tạo liên tục được rà soát dựa trên những chuẩn quốc tế và gắn chặt với thực tiễn tại Việt Nam.

Xét về lịch sử, Trường đại học Lâm nghiệp là đơn vị đi đầu trong hoạt động nghiên cứu khoa học trong nước về công nghệ chế biến gỗ và vật liệu gỗ từ năm 1964. Đồng thời, trường đã công bố và sở hữu nhiều bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích. Trường có mạng lưới cựu sinh viên trải khắp 1.600 DN chế biến gỗ tại Việt nam.

* Riêng đối với Khoa Công nghiệp và kiến trúc hiện đang định hướng đào tạo kiến thức và kỹ năng gì cho sinh viên để đáp ứng được yêu cầu công việc chuyên môn?

- Về quan điểm đào tạo, chúng tôi luôn coi các DN và các tổ chức xã hội trong lĩnh vực liên quan đến ngành đào tạo là khách hàng sử dụng sản phẩm đào tạo của khoa, vì vậy kỹ sư Chế biến lâm sản và Thiết kế nội thất của khoa chính là những “sản phẩm” trong chuỗi cung ứng này.

Để tạo ra những “sản phẩm” có thể được DN và xã hội chấp nhận thì sinh viên, kỹ sư ra trường phải có kiến thức nền tảng tốt và kỹ năng nghề thành thục, đặc biệt là kiến thức và kỹ năng làm việc thực tiễn. Trong thời đại mở cửa và công nghệ phát triển như hiện nay, để đáp ứng yêu cầu công việc, ngoài kiến thức chuyên môn, chúng tôi còn chú trọng đào tạo kỹ năng ngoại ngữ chuyên ngành như: tiếng Anh, tiếng Trung và kỹ năng sử dụng các phần mềm thiết kế chuyên dụng cho ngành gỗ.   

* Các DN phản ảnh hiện nay họ vẫn rất khát nguồn cung lao động chế biến gỗ chất lượng cao. Nhân lực nhiều nhưng thiếu đội ngũ thiết kế phải chăng là điểm yếu của ngành, thưa ông?

- Chúng tôi thường xuyên nhận được thông báo tuyển dụng từ các công ty ở Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM cho cả 2 ngành Công nghệ chế biến lâm sản và Thiết kế nội thất. Việc này cho thấy nhân lực chất lượng cao cho ngành chế biến gỗ đang cực kỳ khan hiếm ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Đa phần hiện nay, nhân lực cho ngành gỗ chủ yếu là lao động thủ công, để phát triển bền vững thì cần có đội ngũ lao động chất lượng, am hiểu kiến thức, vận hành được hệ thống máy và thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn của thế giới. Cái này thì thực tế cho thấy ngay cả các nhà trường và DN cũng đang gặp khó khăn.

Riêng với FIA, chúng tôi luôn nỗ lực để đào tạo sinh viên chất lượng cao, với năng lực hiện có của trường, mỗi năm có thể tiếp nhận tới 200 sinh viên, đáp ứng được một phần nhu cầu tuyển dụng như định hướng phát triển của Chính phủ cho ngành chế biến gỗ đến năm 2025. Sinh viên cơ bản hết năm học thứ 3 đã đi làm nhận lương với vị trí của kỹ sư chế biến lâm sản ở DN gỗ. Tuy nhiên số lượng hiện tại như vậy thì chưa đủ cho DN tuyển dụng.

Tổ chức Học kỳ doanh nghiệp để nâng chất lượng sinh viên

* Để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của DN thì nhà trường nói chung, Khoa nói riêng đã đặt ra những giải pháp gì?

- Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của DN chế biến gỗ thường có 2 yêu cầu chính đó là kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm. Ngoài những giải pháp chung, nhằm giảm bớt gánh nặng đào tạo lại mà nhiều DN sản xuất đồ gỗ đang gặp phải, 2 năm trở lại đây chúng tôi đã tập trung nghiên cứu các phương án giải quyết.

Cụ thể là đưa sinh viên đến DN thực tập trong thời gian dài từ cuối năm học thứ 2 theo hình thức học kỳ DN mà mọi người hay nhắc đến nhằm nâng cao kỹ năng nghề cho sinh viên. FIA kết hợp với các DN chế biến gỗ của Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) để xây dựng chương trình học kỳ DN, thực hiện việc đào tạo bám sát với những yêu cầu về kỹ năng của kỹ sư chế biến lâm sản mà DN cần. Kết hợp với DN chế biến gỗ tổ chức nhóm sinh viên thực hiện các dự án cải tiến kỹ thuật nhằm rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học, giao tiếp, làm việc nhóm và tự học.

Sinh viên tham gia Học kỳ trong doanh nghiệp
Sinh viên tham gia Học kỳ trong doanh nghiệp

* Hiệu quả của chương trình này cho tới nay ra sao, thưa  ông?

- Phải nói rằng kết quả thu được trong việc kết hợp với DN để đào tạo trong thời gian vừa qua đã vượt qua những mục tiêu chúng tôi đặt ra ban đầu. Một cách khách quan, sinh viên hoàn toàn có thể đáp ứng được kỹ năng nghề nghiệp bậc 5 trở lên và có những sinh viên đã đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng cấp tổ trưởng của nhà máy sản xuất. DN đánh giá với kiến thức và kỹ năng đã rèn luyện các sinh viên hoàn toàn có thể bắt tay ngay vào công việc sau khi ra trường và không cần đào tạo lại như trước nữa. Tất nhiên, về văn hóa DN và môi trường làm việc thì vẫn phải cần sinh viên tự tích lũy và rèn luyện.

* Là đơn vị đào tạo nhưng đồng thời cũng là nơi nghiên cứu, trong bối cảnh chất lượng nguồn nguyên liệu, vật tư cho sản xuất khan hiếm và có ảnh hưởng tới sản xuất và môi trường thì đơn vị có các giải pháp, kế hoạch gì để nghiên cứu, triển khai thương mại hóa các sản phẩm đã thực hiện?

- Trên cơ sở bối cảnh ngành công nghiệp gỗ hiện tại, đặc biệt trong khu vực phía Nam, FIA đang tập trung thực hiện các nghiên cứu nhằm giải quyết nhiều vấn đề trong quá trình sản xuất chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ từ khâu nguyên liệu cho đến hoàn thiện sản phẩm.

Chúng tôi đã cùng DN thực hiện rất nhiều dự án trong đó có thể kể đến như dự án keo dán gỗ hữu cơ, gỗ kỹ thuật sản xuất từ phế thải dư thừa từ quá trình sản xuất, hay gỗ biến tính sử dụng để làm nhà và công trình ngoài trời. Mục tiêu là giải quyết được bài toán thiếu nguyên liệu chất lượng cho DN, đồng thời cũng giúp giảm chi phí không cần thiết trong quá trình sản xuất.

Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ kết hợp với các DN và Dowa xin cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích như vật liệu gỗ biến tính thân thiện với môi trường, vật liệu gỗ kỹ thuật dùng cho xây dựng nhà ở, công trình ngoài trời và keo hữu cơ dùng cho sản xuất gỗ công nghiệp.

* Xin cảm ơn ông!

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Khoa Công nghiệp và kiến trúc Phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp tại Đồng Nai đã ký kết hợp tác với Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai và các DN ở Bình Dương, TP.HCM, tạo môi trường cho sinh viên tham gia thực tập, làm việc tại DN, đồng thời hỗ trợ, tạo môi trường thực tiễn cho giảng viên nghiên cứu khoa học, cập nhật nội dung bài giảng cũng như cấp học bổng cho sinh viên có thành tích xuất sắc.

Vương Thế (thực hiện)

 

Tin xem nhiều