Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều chợ online theo khu phố, phường, chung cư nổi lên và sầm uất nhờ lượng người mua, bán rau quả, đồ ăn và mặt hàng thiết yếu tăng. Không chỉ tiện lợi, chợ trực tuyến này còn góp phần giúp người dân yên tâm "ai ở đâu, ở yên đó", chia sẻ áp lực với các cửa hàng tiện lợi, siêu thị.
Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều chợ online theo khu phố, phường, chung cư nổi lên và sầm uất nhờ lượng người mua, bán rau quả, đồ ăn và mặt hàng thiết yếu tăng. Không chỉ tiện lợi, chợ trực tuyến này còn góp phần giúp người dân yên tâm “ai ở đâu, ở yên đó”, chia sẻ áp lực với các cửa hàng tiện lợi, siêu thị.
Bà Nguyễn Thị Hương (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) tìm mua thực phẩm trên chợ online |
Mô hình kinh doanh này hoàn toàn có thể duy trì và nhân rộng kể cả khi hết dịch.
Mua dễ, giao hàng nhanh
Gần tháng nay, chị Bùi Thị Nhi (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) không phải đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi mà vẫn có đủ lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho gia đình 4 người.
Chị Nhi cho biết, chị được một người hàng xóm mời vào nhóm Mua thực phẩm chung cư Hóa An và chị không khỏi ngạc nhiên. “Có cả trăm người bán, hàng hóa đa dạng chẳng khác nào chợ. Sáng nào người mua, người bán cũng tấp nập trao đổi. Từ thịt cá, rau củ, gạo mắm, sữa cho đến các loại đặc sản vùng miền như: mắm cá miền Tây, mắm tép miền Trung, chả cá Vũng Tàu, măng khô Tây Bắc…” - chị Nhi nói.
Hiện có khá nhiều chợ online theo khu phố, phường, chung cư được lập ra dành cho cả người bán hàng lẫn mua hàng. Người bán có thể tự mở gian hàng trên Facebook hoặc lập nhóm Zalo để giao dịch với khách hàng. Người mua cũng dễ dàng tìm được các quầy, gian hàng thực phẩm và đồ dùng thiết yếu gần khu vực sinh sống. Không chỉ là kênh mua bán hữu ích trong đại dịch, mô hình này hoàn toàn có thể duy trì và nhân rộng khi hết dịch. |
Cũng theo chị Nhi, mặc dù các mặt hàng đều được người bán đặt mua từ nơi khác về bán lại cho dân chung cư, giá cả khá mềm, có khi còn rẻ hơn tạp hóa và cửa hàng tiện lợi ở thời điểm hiện tại. Chẳng hạn măng khô 250 ngàn đồng/kg, bột lọc 40 ngàn đồng/kg, mắm tép 90 ngàn đồng/lít. Các loại rau củ quả khoảng 15-25 ngàn đồng/kg, thịt heo từ 100-150 ngàn đồng/kg, tôm sống 220-230 ngàn đồng/kg. Rau củ và đồ khô mua khi nào cũng có, nhắn tin 10-15 phút sau có người đưa đến tận cửa. Riêng thịt heo, thịt gà và thủy sản sống thì mỗi tuần có hàng 2 ngày, người mua cần dặn trước.
Sau nhiều ngày vất vả với việc đi chợ, đặt hàng online từ siêu thị lúc được lúc không, bà Nguyễn Thị Hương (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) quyết định chuyển sang “đi chợ” trên Facebook.
“Trước nay tôi dùng Facebook gọi điện cho con và giải trí. Đợt dịch nghỉ việc, tôi biết thêm tính năng đi chợ online rất tiện. Tôi tham gia nhóm Chợ Tam Phước - Lục Quân, mỗi ngày đều lướt thông tin trên nhóm và đặt rau củ, thực phẩm. Phần đông người bán đều sinh sống ở phường nên giao rất nhanh. Tôi còn mua được cả bột nếp Bắc, miến gạo Bắc” - bà Hương chia sẻ.
Chị Lê Thị Ngân (P.An Bình, TP.Biên Hòa) cũng hài lòng với chợ online. “Tôi toàn mua trên chợ online Tam Hiệp - Biên Hòa. Đợt dịch nhưng thịt cá, đồ hải sản tươi sống không thiếu, giá ổn. Mỗi lần mua hàng tôi lướt tìm hoặc gõ tên món hàng cần mua ở thanh tìm kiếm. Cũng có khi lười tôi đăng dòng trạng thái chẳng hạn: “mình cần mua 2kg cua đồng”, “ai ship gì ăn sáng”… lập tức có người đến chào hàng bằng cách bình luận, nhắn tin và giao hàng tận nơi ngay sau đó” - chị Ngân chia sẻ.
Hiện nay, hầu hết các khu dân cư, chung cư đều có chợ online trên ứng dụng Zalo hoặc Facebook. Để việc mua hàng trở nên thuận tiện, người dân chọn tham gia nhóm, lướt tìm hoặc đặt mua mặt hàng theo yêu cầu. Điểm tiện lợi của các chợ online theo khu vực đó là quy mô nhỏ gọn nên người mua được trả lời, chốt đơn và giao hàng nhanh, không tốn phí vận chuyển. Người mua cũng có thể thanh toán bằng chuyển khoản để giảm thời gian tiếp xúc trực tiếp.
Kênh bán hàng hiệu quả trong đại dịch
Thời gian qua, Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội, người dân bị hạn chế ra đường, các chợ và cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ không đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch phải tạm ngưng hoạt động nên nhu cầu mua sắm thực phẩm, hàng thiết yếu qua hình thức online tăng cao. Chính vì điều này, các nhóm mua bán theo khu vực hình thành và sầm uất hơn hẳn. Không chỉ là kênh mua hàng tiện lợi, nhanh chóng, đây còn là kênh bán hàng hiệu quả đối với tiểu thương, người buôn bán nhỏ lẻ.
Gian hàng chợ online với nhiều mặt hàng thiết yếu |
Nhận thấy nhu cầu thực phẩm tăng cao trong thời gian giãn cách xã hội, chị Nguyễn Thị Dung (P.Tam Phước) chủ động tìm thêm nguồn hàng là trứng, rau củ, hoa quả, bột làm bánh để bán. Nhờ vậy, công việc kinh doanh vẫn được duy trì, thậm chí còn đắt hàng hơn trước.
Chi Dung bày tỏ: “Tôi có cửa hàng, có bán hàng trên trang Facebook cá nhân nhưng quả thật không hiệu quả bằng bán hàng trên chợ online. Việc bán hàng trên các nhóm cộng đồng dân cư theo khu vực thuận lợi là tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng ngay gần khu nơi mình sinh sống, không phải gửi hàng đi xa. Có điều, phải chăm chỉ đăng bài vì nhóm có rất nhiều người bán. Thông tin của mình sẽ bị trôi mất nếu không đăng tin thường xuyên”.
Chị Nguyễn Thị Lệ (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) chia sẻ, những năm trước chị đều nhập bánh trung thu các loại về bán. Năm nay cũng vậy nhưng không phải bán bánh ở cửa hàng mà bán trên chợ Biên Hòa online mua, bán mặt hàng thiết yếu; nhóm chung cư Quang Vinh, nhóm chung cư đường Nguyễn Ái Quốc. “Năm nay tôi ưu tiên nhập các loại bánh “nhà làm” vì vị đa dạng, giá mềm. Tôi tìm người cung cấp, đăng tải thông tin, chốt đơn với khách còn giao, nhận hàng giao hàng cho shipper. Hiện chưa có nhiều người đặt mua bánh trung thu, nhưng các loại bánh handmade khác thì khá nhiều người đặt” - chị Lệ chia sẻ.
Có thể thấy, Facebook, Zalo của cá nhân và các nhóm cộng đồng dân cư theo khu phố, chung cư, xã/phường trên các ứng dụng này đang trở thành kênh mua bán hiệu quả trong thời điểm dịch bệnh. Tất nhiên, cũng có người phàn nàn có quá nhiều người bán, quá nhiều mặt hàng, nhiều loại giá. Bên cạnh đó là nỗi lo hàng hóa trôi nổi, cân thiếu, lừa đảo. Nhưng rõ ràng, đây là kênh mua bán đang được nhiều người dân, người buôn bán nhỏ lẻ ưa chuộng.
Chị Nguyễn Thị Hằng, Quản trị viên nhóm Mua bán Lục Quân 2 cho biết, để hạn chế rủi ro, phiền phức không đáng có, nhóm đã đề ra một số quy tắc. Đối với người bán hàng phải bán đúng, cân đủ, trường hợp bị phản ánh quá 2 lần sẽ bị loại ra khỏi nhóm, đồng thời đăng tải thông tin cảnh giác. Đối với người mua hàng cũng vậy, trường hợp đặt hàng xong không nhận (boom hàng) quá 2 lần bị đăng tin cảnh giác. Ngoài ra có các quy định chung như: không nói tục, nói xấu, chửi thề; bài viết không phải liên quan đến mua bán không được duyệt đăng.
Lê An