Đây là chủ đề của Ngày quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh năm 2021, nhấn mạnh những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng nhau hành động để giảm thiểu ô nhiễm không khí, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Đây là chủ đề của Ngày quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh năm 2021, nhấn mạnh những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng nhau hành động để giảm thiểu ô nhiễm không khí, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Việc giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 đã mang lại không khí sạch hơn cho nhiều thành phố. Trong ảnh: Một góc TP.Seoul, Hàn Quốc. Nguồn: news.un.org |
Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo điều kiện cho những hành động cải thiện chất lượng không khí, ngày 7-9 được LHQ chọn là Ngày quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh tại Kỳ họp thứ 74 của Đại hội đồng LHQ vào năm 2019 và Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) được yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho sự kiện này hằng năm. 2020 là năm đầu tiên kỷ niệm Ngày quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh với chủ đề Không khí sạch cho tất cả mọi người.
Bà Inger Andersen, Giám đốc Điều hành UNEP cho biết: “Ô nhiễm không khí là một vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, sức khỏe hành tinh và biến đổi khí hậu. Chúng ta cần đảm bảo rằng không khí sạch luôn sẵn có cho tất cả mọi người, bất kể vị trí địa lý hay tình hình kinh tế - xã hội của nước sở tại. Để làm được điều này, thế giới sẽ cần phải có những hành động quyết liệt, khẩn cấp”.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nhiều nhất đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu, ước tính 92% dân số tiếp xúc với không khí ô nhiễm thì có khoảng 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm. Không khí ô nhiễm đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em, phụ nữ và người già; làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: sa sút trí tuệ, tiểu đường, Covid-19, các bệnh tim mạch và thần kinh.
Các nước phát triển đã và đang cải thiện đáng kể chất lượng không khí trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn nhiều nước đang phát triển sử dụng gỗ và nhiên liệu rắn để đun nấu và sưởi ấm khiến người dễ bị tổn thương và yếu thế phải chịu chất lượng không khí tồi tệ nhất. Vấn đề này đã được quan tâm hàng đầu trong đại dịch Covid-19, ô nhiễm không khí có thể khiến mọi người có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Do việc đi lại bằng đường hàng không và ô tô giảm trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 nên dẫn đến giảm ô nhiễm và tăng chất lượng không khí.
Bà Inger Andersen cho biết thêm: “Khi thế giới bắt đầu xuất hiện dịch bệnh Covid-19, chúng ta có cơ hội đặt nền tảng cho sự phục hồi toàn diện, xanh để đảm bảo rằng chúng ta không đánh mất những lợi ích môi trường mà chúng ta đang đạt được”.
Minh Hồng
(biên dịch theo www.unep.org)