Mỗi năm các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai chi cả tỷ USD mua máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến từ nhiều nước để lắp ráp cho các nhà máy mới và thay dần những dây chuyền sản xuất cũ. Gần 2 năm nay, dù dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề nhưng nhiều DN vẫn nhập khẩu số lượng lớn máy móc.
Mỗi năm các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai chi cả tỷ USD mua máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến từ nhiều nước để lắp ráp cho các nhà máy mới và thay dần những dây chuyền sản xuất cũ. Gần 2 năm nay, dù dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề nhưng nhiều DN vẫn nhập khẩu số lượng lớn máy móc.
Nhiều khâu sản xuất tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 cần rất ít lao động vì được tự động hóa. Ảnh: Hương Giang |
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong gần 8 tháng của năm 2021, kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị của các DN trên địa bàn tỉnh đạt gần 1,14 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trung bình mỗi tháng các DN chi hơn 142 triệu USD mua máy móc mới để phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
* Mặt hàng nhập khẩu lớn
Khoảng 5 năm trở lại đây, máy móc thiết bị luôn là một trong 3 mặt hàng có kim ngạch nhập lớn nhất của Đồng Nai. Cụ thể năm 2018, các DN bỏ ra khoảng 1,86 tỷ USD để nhập máy móc và thiết bị, năm 2019 là 1,95 tỷ USD. Năm 2020, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh Covid-19, nhưng kim ngạch nhập máy móc thiết bị vẫn đạt trên 1,56 tỷ USD. Riêng trong tháng 7, 8-2021, tình hình dịch bệnh lây lan trên diện rộng, nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất hoặc giảm công suất, nhưng các DN vẫn không dừng mua máy móc, chuẩn bị sẵn để khi hết giãn cách xã hội sẽ tiến hành lắp đặt và đưa vào sản xuất.
Hiện trong các khu công nghiệp của tỉnh có gần 150 dự án đang xây dựng nhà xưởng và tiến hành nhập máy móc về chuẩn bị lắp đặt dây chuyền sản xuất. Máy móc, thiết bị được mua nhiều từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc)... Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 khiến cho tiến độ thi công của nhiều nhà máy bị chậm lại, không hoàn thành và đưa vào hoạt động theo đúng kế hoạch đề ra.
Một số DN cho rằng, nếu không có dịch bệnh nhiều nhà máy chỉ xây dựng, lắp đặt máy móc khoảng từ 6-12 tháng là có thể đưa vào vận hành khai thác. Ông Kim Byunggi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity (Khu công nghiệp Amata) cho biết: “Sau vài năm đầu tư vào Khu công nghiệp Amata thành công, đầu năm 2021, công ty đầu tư thêm 1 dự án tại Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom. Công ty dự tính đầu năm 2022 sẽ hoàn thành xây dựng nhà xưởng, lắp ráp dây chuyền máy móc để đưa vào sản xuất”.
Ông Kim Byunggi còn chia sẻ thêm, dự án mới của Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity sẽ được đầu tư máy móc ứng dụng công nghệ 4.0 để sản xuất các linh kiện điện tử. Sản phẩm làm ra sẽ cung ứng cho Tập đoàn Samsung và xuất khẩu.
* Đảm bảo phương án “3 tại chỗ”
Đợt dịch lần thứ 4 khiến 3 tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Rất nhiều nhà máy đã phải đóng cửa vì không đảm bảo được phương án “3 tại chỗ”. Riêng Đồng Nai vẫn có hơn 1,2 ngàn công ty đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất kinh doanh. Đồng Nai giữ được sản xuất công nghiệp nhiều là do các nhà máy ứng dụng công nghệ hiện đại, nhiều dây chuyền sản xuất đã được tự động hóa, cần ít lao động. Do đó, người lao động tiếp tục sản xuất vẫn đảm bảo 5K và hạn chế được dịch bệnh lây lan vào trong các nhà máy.
Mới đây, trong dịp thăm và làm việc với Đồng Nai, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá: “Đồng Nai đã có những phương án linh hoạt để hỗ trợ các DN vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa duy trì được sản xuất công nghiệp. Có được kết quả trên là do nhiều năm nay, tỉnh thu hút đầu tư có chọn lọc, DN ứng dụng công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất công nghiệp. Đây là một trong những giải pháp giúp DN phòng, chống dịch bệnh hiệu quả và giữ được sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, trước khi cho phép các DN thực hiện lưu trú lao động tại công ty để làm việc, tỉnh kiểm tra, rà soát rất kỹ nếu đảm bảo các yêu cầu trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nơi sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi mới cho hoạt động. Nhiều DN chỉ duy trì 20-40% lao động so với thời điểm đầu năm 2021 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch và tiếp tục sản xuất. Tỉnh cũng thành lập 121 tổ kiểm tra kịp thời nắm bắt, hỗ trợ DN đang sản xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để có thể thực hiện “mục tiêu kép”.
Những năm qua, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã thay đổi dây chuyền sản xuất, từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong quản lý, sản xuất nên trong đợt dịch lần thứ 4 này dù số lượng lao động giảm nhiều vẫn duy trì được sản xuất. Về lâu dài để sản xuất công nghiệp bền vững, hướng đến một nền kinh tế xanh thì ứng dụng các máy móc công nghệ hiện đại để tham gia vào chuyển đổi số sẽ giúp cho DN giảm thiểu được nhiều rủi ro, thiệt hại khi xảy ra dịch bệnh.
Hương Giang