Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần xung lực mới thúc đẩy chương trình khởi nghiệp

07:09, 11/09/2021

Kế hoạch Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023 hiện nay đã đi đến năm thứ 3.

Kế hoạch Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023 hiện nay đã đi đến năm thứ 3.

Đồng Nai là địa phương có tiềm năng để khởi nghiệp từ nông nghiệp. Ảnh tư liệu
Đồng Nai là địa phương có tiềm năng để khởi nghiệp từ nông nghiệp. Ảnh tư liệu

Bước đầu kế hoạch đã tạo hiệu ứng tích cực tại các địa phương song thực tế vẫn còn khiêm tốn. So với một số địa phương như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam… hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đồng Nai còn ở dạng tiềm năng, chưa hình thành rõ nét. Bên cạnh đó, việc thiếu sự kết nối các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp cũng là những vấn đề cần giải quyết để tạo xung lực mới.

* Hệ sinh thái chưa rõ nét

Giai đoạn 2016-2020 có thể xem là giai đoạn đầu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia với sự ra đời của đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 (đề án 844). Đây cũng là giai đoạn mà Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân tham gia khởi nghiệp ĐMST.

Tại Đồng Nai, nền tảng ban đầu là Quyết định số 1523/QĐ-UBND tỉnh ngày 7-5-2018 của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023. Từ quyết định này, Đồng Nai đã có những bước đi đầu tiên góp phần vào chiến lược khởi nghiệp quốc gia. Đó là hỗ trợ cho hơn 250 lượt doanh nghiệp (DN), tổ chức khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh về thủ tục, cơ chế chính sách và cách thức tham gia cuộc thi khởi nghiệp ĐMST tỉnh. Tổ chức được các khóa đào tạo, cuộc thi khởi nghiệp ĐMST và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.

Là đơn vị đầu mối trong chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, Sở KH-CN cho biết sẽ đẩy mạnh kết nối mạng lưới khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, trước mắt từ nay đến cuối năm sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo, đánh giá lại tiềm năng, giải pháp để đưa Đồng Nai trở thành tỉnh có phong trào khởi nghiệp mạnh.

Đánh giá về tiềm năng khởi nghiệp của tỉnh, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam Huỳnh Thanh Vạn cho rằng ít có địa phương nào mang những lợi thế mà Đồng Nai sẵn có. Trước hết, với dân số trên 3 triệu người, lại sát vách với thị trường TP.HCM 10 triệu dân nên sản phẩm cho DN nói chung và DN khởi nghiệp nói riêng có nhiều cơ hội đến được với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế phát triển sôi động nhất cả nước, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục ngàn DN hoạt động, hơn 30 khu công nghiệp có nhu cầu với những mặt hàng công nghiệp hỗ trợ, là điều kiện rất tốt để những ý tưởng khởi nghiệp mới, sáng tạo, đặc biệt là của người trẻ có “đất để dụng võ”.

Nói đến hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST là nói đến các cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp và các chủ thể hỗ trợ DN khởi nghiệp phát triển, trong đó có các chính sách và luật pháp của Nhà nước (về thành lập DN, thành lập tổ chức đầu tư mạo hiểm, thuế, cơ chế thoái vốn...), cơ sở hạ tầng dành cho khởi nghiệp (không gian làm việc chung, cơ sở vật chất; vốn và tài chính…); văn hóa khởi nghiệp và nhà tư vấn; các trường đại học; các khóa đào tạo, tập huấn cho cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp; nhà đầu tư khởi nghiệp và phát triển thị trường cho sản phẩm khởi nghiệp…

Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông thừa nhận chiếu theo khái niệm trên thì hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Đồng Nai còn thiếu nhiều mặt. Việc kiện toàn hệ sinh thái này được xác định là cấp bách, cần thiết. Do đó, Tổ Khởi nghiệp ĐMST được thành lập trong tháng 8-2021 để hình thành đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, làm nền tảng cho các chiến lược dài hơi. Bước tiếp theo là rà soát, đánh giá kết quả của giai đoạn trước từ đó tính toán, xây dựng kết quả cho giai đoạn tiếp theo, tập trung hơn nữa vào truyền thông, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái, rà soát nhu cầu của các trường đại học, cơ quan, DN trong tỉnh.

* Kết nối để tạo thêm xung lực mới

Theo Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông, từ thực tiễn chương trình khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa qua, vấn đề đặt ra hiện nay là bằng các giải pháp phải kết nối được các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp. Các tổ chức như: Hội Doanh nhân trẻ, các trường đại học trên địa bàn, DN lớn, các tổ chức đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia cũng như TP.HCM… khi được kết nối sẽ góp phần giúp địa phương từng bước định hình, xây dựng được hệ sinh thái cho khởi nghiệp.

Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tham quan, thẩm định sản phẩm chăn, drap gối nệm của Công ty CP SXTM Thidona, một trong 2 doanh nghiệp Đồng Nai lọt vào chung tuyển bình chọn doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc. Ảnh: Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai
Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tham quan, thẩm định sản phẩm chăn, drap gối nệm của Công ty CP SXTM Thidona, một trong 2 doanh nghiệp Đồng Nai lọt vào chung tuyển bình chọn doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc. Ảnh: Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai

Về nhiệm vụ trước mắt, trong những tháng cuối năm, Sở KH-CN dự kiến sẽ tổ chức hội nghị Định hướng xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đồng Nai giai đoạn 2021-2025. Hội nghị sẽ là nơi các doanh nhân, DN, nhà nghiên cứu, Nhà nước và những nhà đầu tư mạo hiểm gặp gỡ, trao đổi và hiến kế cho Đồng Nai phát triển hệ sinh thái.

Tiếp đó, Sở tiến hành Ngày hội khởi nghiệp ĐMST tỉnh Đồng Nai (TechFest Dong Nai 2021) nhằm tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao. Kết nối các chủ thể hệ sinh thái, giới thiệu, quảng bá, trưng bày các dự án, sản phẩm khởi nghiệp.

Song song với những nội dung trên, các yếu tố còn thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ được tiếp tục hoàn thiện như: xây dựng khu không gian làm việc chung tại sở; kết nối với các trường đại học để hình thành cơ sở - vật chất phục vụ thí nghiệm, thử nghiệm để xây dựng sản phẩm mẫu; hoàn thiện, hỗ trợ thúc đẩy hình thành các quỹ, tổ chức hoạt động tạo nguồn vốn và tài chính cho khởi nghiệp.

“Để hệ sinh thái hoạt động tốt, theo tôi, trọng tâm vẫn là tổ chức, cá nhân khởi nghiệp. Bởi tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sẽ dẫn dắt hệ sinh thái thông qua việc tạo ra hệ sinh thái và giữ cho nó phát triển. Tổ chức, cá nhân khởi nghiệp có thể đóng nhiều vai trò khác nhau trong hệ sinh thái như: các nhà đầu tư, các nhà tư vấn, giảng viên các khóa học khởi nghiệp… và họ sẽ là hình mẫu lý tưởng cho những ai muốn khởi nghiệp. Chúng tôi mong muốn các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp hãy tìm đến chúng tôi để cùng phát triển tốt hệ sinh thái này” - ông Lại Thế Thông kỳ vọng.

Ngoài những chính sách riêng về khởi nghiệp, Đồng Nai vừa ban hành đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025. Với nhiều giải pháp hỗ trợ căn cơ hơn, từ nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ và đào tọ thì hy vọng sẽ ngày càng có nhiều hơn các DN được thụ hưởng.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng 5 năm tới, cơ hội cho các DN nói riêng và Đồng Nai nói chung là rất rộng mở với những đề án, chiến lược phát triển lớn. Điều cần thiết là cộng đồng DN và địa phương xây dựng được các kênh liên lạc, mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để biến các cơ hội trở thành hiện thực.

Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông chia sẻ: “Sẽ không bao giờ là muộn để bắt đầu và thúc đẩy phát triển trên nền tảng có sẵn, nhất là hệ thống văn bản pháp luật đã có và triển khai bước đầu thành công. Một trong những nhiệm vụ quan trọng tới đây là chúng tôi sẽ khảo sát, phối hợp các đơn vị, DN để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy thành lập các trung tâm, vườn ươm khởi nghiệp, tạo động lực tập hợp, kết nối các mô hình khởi nghiệp giá trị cao của địa phương vào mái nhà chung”.

Vương Thế

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích