Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Đồng Nai đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới ngày càng tăng. Trong khi đó, ý thức phòng dịch của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như vô tư đi lại, tụ tập trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội…
Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Đồng Nai đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới ngày càng tăng. Trong khi đó, ý thức phòng dịch của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như vô tư đi lại, tụ tập trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội…
Tổ tuần tra, kiểm soát Công an TP.Biên Hòa lập biên bản xử phạt một trường hợp vi phạm quy định giãn cách xã hội trên đường Đặng Văn Trơn (TP.Biên Hòa). Ảnh: Danh Trường |
Chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần về thực trạng này, nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng, những hành vi nêu trên rất đáng phê phán, nếu không thay đổi sẽ tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh nhiều hơn.
* Xử phạt nghiêm để răn đe
Liên tiếp các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian vừa qua cho thấy nhiều người vẫn còn chủ quan với dịch bệnh. Cụ thể như cuối tháng 7 vừa qua, UBND H.Thống Nhất ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 người tụ tập ăn nhậu tại ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc với tổng số tiền 90 triệu đồng do không thực hiện quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng thời điểm trên, Công an P.Xuân An (TP.Long Khánh) phát hiện, xử lý một nhóm 8 người tụ tập ăn nhậu tại một phòng trọ trên địa bàn…
Chỉ riêng TP.Biên Hòa sau 1 tháng ra quân thực hiện kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 8-7 đến 9-8), các tổ tuần tra, kiểm soát giao thông đã phát hiện, xử lý gần 8 ngàn trường hợp vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là ra đường khi không thực sự cần thiết, tụ tập không đảm bảo khoảng cách an toàn, không đeo khẩu trang, không dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết để đảm bảo giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Chính phủ… Điển hình như ngày 4-8, ông H. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) ra đường sau 18 giờ nhưng không có lý do chính đáng và vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe ô tô nên bị đề nghị xử phạt hành chính với tổng số tiền 37 triệu đồng.
Từ những vụ việc vi phạm trên, nhiều ý kiến BĐ cho rằng, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa tốt. Các vi phạm trên rất đáng bị phê phán và cần phải xử lý nghiêm.
“Bây giờ có nhiều ca nhiễm Covid-19 ở cộng đồng, không ai có thể biết chắc những người mình tiếp xúc bên ngoài có nhiễm bệnh hay không. Vì vậy, việc hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc gần, không tụ tập trong thời gian này chính là bảo vệ chính bản thân mình, người thân và cả cộng đồng. Mọi người nên nâng cao ý thức phòng dịch, tố giác các hành vi vi phạm về phòng dịch để cơ quan chức năng xử lý” - bà Minh Thư (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đề xuất.
Phê phán các hành vi cố tình vi phạm việc thực hiện giãn cách xã hội, ông Nguyễn Khắc Phong (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bộc bạch, khi đọc tin tức trên Báo Đồng Nai về các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh bị xử phạt hành chính ông rất bức xúc, nhất là các trường hợp ra đường khi không có lý do chính đáng ngay trong vùng phong tỏa, cách ly y tế như P.Trảng Dài.
“Ngày 9-8, lực lượng chức năng P.Trảng Dài phát hiện và xử phạt hành chính 20 trường hợp ra đường tập thể dục trong thời điểm giãn cách xã hội, thì ngay ngày hôm sau lại có thêm 16 trường hợp vi phạm lỗi tương tự. Đáng nói không chỉ ra đường không có lý do chính đáng, trong số những người vi phạm còn không đeo khẩu trang cho đến khi thấy lực lượng chức năng đến gần mới chịu lấy khẩu trang từ trong túi ra đeo. Phải chăng mức xử phạt hành chính như thời gian vừa qua chưa đủ răn đe?” - ông Phong nói.
* Để cuộc sống sớm trở lại bình thường
Đồng tình với kiến nghị của ông Phong, một số BĐ cho rằng, ngoài tăng cường kiểm tra, cơ quan chức năng nên nâng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, chú ý nâng mức xử phạt đối với các trường hợp tụ tập trong thời gian giãn cách xã hội, chống đối lực lượng chức năng, quậy phá, đe dọa bác sĩ trong khu cách ly…
UBND P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) mời các trường hợp ra đường tập thể dục trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Ảnh: Khắc Thiết |
Ông Nguyễn Nhật Trường (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng, diễn biến tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng. Dẫu biết rằng xã hội vẫn phải vận hành, hàng hóa vẫn phải thông thương để phục vụ cuộc sống, nhưng mọi người đừng lợi dụng điều này để tự do đi lại khi không thực sự cần thiết. “Mỗi người phải nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch bệnh. Đừng chủ quan với dịch bệnh. Chính sự chủ quan này có thể vô tình bị nhiễm bệnh hoặc lây lan bệnh trong cộng đồng” - ông Trường bày tỏ lo lắng.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, sớm đưa cuộc sống trở lại như trước đây, theo bà Trần Ngọc Yến (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), mỗi người dân phải chấp hành tốt Chỉ thị 16 của Chính phủ, các khuyến cáo của ngành Y tế trong phòng, chống dịch bệnh. “Hiện nay, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp đều rất quan tâm, lo lắng và thường xuyên có các chỉ đạo quyết liệt nhằm nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Để góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thì mỗi người dân cần tin tưởng, nghiêm túc thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch bệnh” - bà Yến bộc bạch.
Kim Liễu
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân: Cần sự giám sát của người dân
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp rất cần sự chung tay, đồng hành của người dân trong công tác phòng, chống dịch. Trong thời điểm này, người dân cần thể hiện ý thức cộng đồng thông qua việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, cùng giám sát, hỗ trợ các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý các trường hợp không tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh. Song song đó, trong khả năng của mình người dân nên góp sức cho công tác phòng, chống dịch bệnh; chia sẻ khó khăn, giúp đỡ những trường hợp yếu thế, thiếu thốn trong cuộc sống hằng ngày do ảnh hưởng của dịch bệnh... Đó là những hành động đẹp, việc làm ý nghĩa thể hiện ý thức trách nhiệm với cộng đồng, cũng như sự đồng lòng, hợp sức của người dân cùng chính quyền vượt qua khó khăn và chiến thắng đại dịch Covid-19.
Bà Lê Thị Ngọc Hiền (KP.7, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa): Có bí bách cũng không nên ra đường, tụ tập
Khi muốn đi ra khỏi nhà mọi người nên nghĩ ngay đến thông điệp của các bác sĩ ở lực lượng tuyến đầu chống dịch: “Chúng tôi đi làm vì bạn, xin hãy ở nhà vì chúng ta”. Suốt hơn 1 năm nay, các nhân viên y tế, các cán bộ - chiến sĩ công an, quân đội… phải căng mình chống dịch. Họ là những người phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trong khi chúng ta được ung dung ở nhà cùng gia đình thì họ phải ở tại nơi làm việc. Trong khi chúng ta thong thả lướt Facebook ở phòng máy lạnh thì họ phải mướt mồ hôi dưới trời nắng để làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch, chốt phong tỏa… Vì vậy, mọi người ai ở đâu nên ở yên chỗ ấy, theo đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Chính phủ. Chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch bệnh cũng là cách bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Gia An (ghi)