Tại các buổi họp với Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh và các địa phương trong những ngày gần đây, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã có những chỉ đạo rất sát về công tác an sinh xã hội, được dư luận quan tâm, đồng tình.
Tại các buổi họp với Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh và các địa phương trong những ngày gần đây, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã có những chỉ đạo rất sát về công tác an sinh xã hội, được dư luận quan tâm, đồng tình.
Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hiền trao tặng vật tư y tế cho khu cách ly y tế tập trung tại Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai (TP.Biên Hòa) |
Nhiều ý kiến cho rằng, trước tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất cụ thể, sát thực tế, hợp lòng dân.
* Đồng hành với người dân
Cụ thể như tại cuộc họp của BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh và các địa phương ngày 23-8, đồng chí Bí thư tỉnh ủy đã yêu cầu các địa phương phải thiết lập các đường dây nóng để tiếp nhận thông tin của người dân, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Các địa phương chăm lo cho nhân dân, không để người dân nào thiếu ăn và ngành y tế không để người bệnh thiếu oxy.
Ông Võ Thành Phong (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) cho biết, qua thông tin từ báo chí, ông rất đồng tình với các chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, lãnh đạo địa phương, tập trung nguồn lực về cơ sở hiện nay là cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi chỉ có gần dân, sát dân thì mới nắm bắt được tình hình cuộc sống của người dân để có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, đúng đối tượng.
Tương tự ông Phạm Ngọc Tuấn (ngụ xã Trà Cổ, H.Tân Phú) cho rằng, BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh chỉ đạo rất cụ thể, sát sao về các phương án liên quan đến an sinh xã hội. Theo đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương vận động được bao nhiêu tiền, bao nhiêu gạo thì phải chuyển ngay về cho các huyện, thành phố và phân bổ ngay về cho các xã, phường. Mỗi xã, phường phải có một kho lương thực và có một quỹ để sẵn sàng giúp cho dân, để xuất ra ngay cho những người dân nào cần…
“Lãnh đạo tỉnh còn chỉ đạo tăng cường thêm đường dây nóng, có thể kết nối thêm cả Facebook để lấy thông tin, hỗ trợ kịp thời người dân khó khăn không để dân đói trong thời gian giãn cách… Ngay sau chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, nhiều ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương từ cấp tỉnh đến xã đã nhanh chóng công khai đường dây nóng hỗ trợ an sinh xã hội và y tế để hỗ trợ, giúp dân về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, y tế. Đây là một cách làm hay giúp người dân không lo thiếu lượng thực, thực phẩm, đảm bảo về chăm sóc y tế trong thời điểm giãn cách xã hội, yên tâm ở nhà chống dịch” - ông Tuấn cho biết.
* Nghiên cứu thành lập trung tâm an sinh xã hội
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mới nhiễm SARS-CoV-2 vẫn gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các đường dây nóng về an sinh xã hội từ cấp tỉnh đến cấp xã, Đồng Nai cần nghiên cứu thành lập trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng thiết yếu phục vụ người khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 (trung tâm an sinh) như ở TP.HCM.
Ông Bùi Ngọc Luân (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho rằng, ông thấy ý nghĩa mô hình trung tâm an sinh ở TP.HCM rất thiết thực. Trung tâm này có nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý các nguồn tài trợ hàng hóa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phối hợp rà soát nhu cầu, tổ chức phân phối nguồn hàng tài trợ; kiểm tra, giám sát việc điều phối, phân phối nguồn hàng tài trợ đến các đối tượng theo nguyên tắc “đúng đối tượng, đúng nhu cầu”.
“Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành đông dân nhất cả nước, trong đó có nhiều công nhân, lao động nhập cư phải sinh sống ở các khu nhà trọ, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đời sống của nhiều người lâm vào cảnh khó khăn. Nếu Đồng Nai cũng có một trung tâm như thế sẽ rất tiện lợi trong kết nối những tấm lòng thiện nguyện đến với những trường hợp khó khăn, thực sự cần hỗ trợ về lương thực, thực phẩm” - ông Luân chia sẻ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nếu phải thực hiện giãn cách xã hội thời gian dài thì số trường hợp khó khăn cần được hỗ trợ sẽ tăng. Vì vậy, cần có một đơn vị để huy động tổng lực, điều phối cùng thực hiện nhiệm vụ liên quan đến an sinh xã hội. Khi hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm được tập trung về một đầu mối thì việc điều phối đến nơi có nhu cầu sẽ nhanh hơn.
Song song đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị hệ thống giúp thống kê, dự báo khu vực cần hỗ trợ chính xác, kịp thời hơn. Qua đó giúp kết nối người có nhu cầu được hỗ trợ với người có nhu cầu tài trợ dễ dàng hơn, có thể truy xuất nhanh chóng về người đã được nhận hỗ trợ, tránh trường hợp người nhận nhiều, người không có…
Bên cạnh hỗ trợ kết nối về lương thực, thực phẩm, nhiều ý kiến cho rằng, Trung tâm an sinh này cũng cần có kênh kết nối những thắc mắc của người dân liên quan đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước với các ngành chức năng để có phản hồi nhanh chóng, kịp thời cho người dân.
Ông Trần Văn Toán làm nghề chạy xe ôm (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội nên ông phải nghỉ ở nhà, không có thu nhập, cuộc sống rất khó khăn. Biết tin những người mất việc được nhận khoản hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ ông rất mừng. Ông làm hồ sơ xin trợ cấp gửi khu phố nhưng chờ mãi gần cả tháng vẫn chưa được nhận tiền. Ông liên hệ người nhận hồ sơ nhiều lần vẫn không được giải quyết, trong khi những người chạy xe ôm khác thì đã được hưởng chế độ này.
“Tôi không biết liên hệ phản ảnh vấn đề của mình với ai. Nhiều khu phố ở P.Trảng Dài đang thực hiện phong tỏa, cách ly y tế nên không thể đến các cơ quan chức năng để phản ảnh trực tiếp. Phải chi có thêm đường dây nóng để ghi nhận, trả lời người dân thì hay quá. Bởi đây là khoản hỗ trợ rất cần được hỗ trợ kịp thời cho dân để giải quyết những khó khăn trong thời điểm dịch bệnh bùng phát”- ông Toán kiến nghị.
Kim Liễu
Bí thư Tỉnh đoàn Hồ Hồng Nguyên:
Tỉnh đoàn sẽ tăng cường kết nối hỗ trợ an sinh xã hội
Trong thời gian qua, ngoài tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, cán bộ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn đã tham gia nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Mới đây, Tỉnh đoàn đã đưa vào vận hành Cổng thông tin trực tuyến Tỉnh đoàn Đồng Nai trên nền tảng Zalo để tiếp nhận thông tin của đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân đang gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cần được hỗ trợ, tiếp sức để vượt qua đại dịch.
Thông qua Cổng thông tin trực tuyến, Tỉnh đoàn sẽ kết nối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu ủng hộ nguồn lực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Nếu cần hỗ trợ thì người dùng chỉ cần bấm vào nội dung Tổng đài hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 sẽ tiếp tục có các nội dung để lựa chọn như: hỗ trợ nhu yếu phẩm, tư vấn y tế và sức khỏe, đăng ký tiêm vaccine, hỗ trợ người lao động mất việc, thất nghiệp…
Các tình nguyện viên trực tổng đài 24/24 sẽ tiếp nhận và hỗ trợ trong thời gian sớm nhất có thể. Ngoài ra, nếu cá nhân muốn đăng ký hỗ trợ các nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh hoặc đăng ký tham gia tình nguyện viên hỗ trợ công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh cũng có thể đăng ký qua cổng thông tin này.
9d.jpg |
Bà Trần Thị Mỹ Liên (xã Lộc An, H.Long Thành):
Cần làm tốt kết nối cung cầu
Hiện nay, có rất nhiều nhà hảo tâm muốn giúp đỡ trực tiếp cho những người gặp khó khăn nhưng gặp khó trong việc xác minh thông tin các trường hợp cần giúp đỡ. Thực tế hiện nay, ngoài đường dây nóng của chính quyền, mặt trận và các đoàn thể hiện nay còn có rất nhiều mạng xã hội như ứng dụng Zalo Connect giúp người dùng có thể tìm được những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ ở gần vị trí của mình. Bên cạnh những tiện ích có thể truy cập, nắm thông tin nhanh thì vẫn có hạn chế là người dùng rất khó xác minh thông tin của người cần giúp đỡ có chính xác hay không, nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng lòng tốt bằng cách đưa ra lời kêu cứu trong khi họ không thực sự khó khăn.
Bên cạnh đó, khi có nhiều tổ chức đứng ra nhận tài trợ để phân phối mà không có sự đều phối tập trung sẽ rất dễ trùng lặp và việc bao phủ sẽ không rộng khắp. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác chăm lo cho người dân, theo tôi chính quyền nên xây dựng phương án kết nối giữa người có nhu cầu được hỗ trợ với người có nhu cầu tài trợ một cách hệ thống, khoa học hơn.
Gia An (ghi)