Tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic đã đặt chân đến Tokyo (Nhật Bản) ngày 21-7 để tranh tài bộ môn quần vợt tại Thế vận hội Olympic 2020. Mục tiêu của tay vợt vừa đăng quang Wimbledon rất rõ ràng: giành được Golden Slam trong năm nay.
Tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic đã đặt chân đến Tokyo (Nhật Bản) ngày 21-7 để tranh tài bộ môn quần vợt tại Thế vận hội Olympic 2020. Mục tiêu của tay vợt vừa đăng quang Wimbledon rất rõ ràng: giành được Golden Slam trong năm nay.
Djokovic đã đoạt 20 danh hiệu Grand Slam. Ảnh: The AELTC |
Nhiều ngôi sao đã thông báo không tham dự Olympic Tokyo như: Roger Federer, Rafael Nadal, Dominic Thiem hay Nick Kyrgios. Trong bối cảnh đó, việc Novak Djokovic đến Olympic là điều phấn khởi lớn cho ban tổ chức Thế vận hội vốn “vô cùng mệt mỏi” vì đối diện với dịch Covid-19. Tay vợt số 1 thế giới dĩ nhiên được chào đón và yêu thích mạnh mẽ tại Tokyo. Bộ môn quần vợt khởi tranh từ ngày 24-7.
* Hy vọng đoạt HCV Olympic
“Novak Djokovic đã đến Tokyo để duy trì giấc mơ giành Golden Slam” - trang chủ Olympics ngày 21-7 giật tít, đăng kèm bức ảnh tay vợt này ra sân tập luyện tại Ariake Tennis Park cùng đội tuyển quần vợt Serbia ngay sau khi đến Tokyo.
|
“Thế vận hội và US Open rõ ràng là mục tiêu lớn nhất của tôi trong phần còn lại của mùa giải và nó sẽ rất khắt nghiệt”, Djokovic tuyên bố. Tay vợt 34 tuổi này thừa hiểu anh phải vượt qua thử thách cao như thế nào tại đấu trường Olympic - nơi Djokovic chỉ từng đoạt huy chương đồng ở Olympic Bắc Kinh năm 2008 và từng bị loại ngay trận đầu ở Olympic Rio 2016.
“Nhưng tôi cũng tràn đầy tự tin và có động lực để đại diện cho đất nước Serbia theo cách tốt nhất có thể. Tôi khao khát một huy chương ở Tokyo, hy vọng là vàng, và sau đó tôi sẽ đến New York với mục tiêu hoàn thành tất cả (Golden Slam - PV)” - Djokovic nói thêm.
Tỷ lệ thắng thua của Djokovic năm 2021 này đang là 34-3, với ba chức vô địch Grand Slam tại Australian Open, Roland Garros, Wimbledon. Câu hỏi đặt ra: liệu tay vợt Serbia có tận dụng triệt để thời cơ thuận lợi để giành huy chương vàng Olympic đầu tiên trong sự nghiệp đầy vinh quang của mình?
Djokovic cho biết việc thi đấu không khán giả cũng như những quy tắc phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt tại Tokyo có thể gây ảnh hưởng đến phong độ thi đấu. Dù vậy, “tôi đã được truyền cảm hứng để chơi quần vợt với phong độ tốt nhất của mình, đồng thời tự tin rằng tôi có thể giành huy chương vàng sau một chặng đường dài ở mùa giải này tính đến nay” - trang Eurosport ngày 20-7 dẫn lời Djokovic.
* Bệ phóng quá tốt từ Wimbledon
Novak Djokovic đã giành Grand Slam thứ 20 trong sự nghiệp khi đánh bại tay vợt Italy Matteo Berretini trong trận chung kết Wimbledon ngày 11-7 ở London (Anh). Đây là danh hiệu thứ 6 của Djokovic tại Grand Slam sân cỏ, đồng thời cũng là danh hiệu thứ 3 liên tiếp anh đoạt được ở All England Club.
“Quyết định tới Olympic Tokyo xuất phát từ lòng yêu nước và tình cảm của tôi dành cho quê hương Serbia” - Novak Djokovic nói. |
Không nghi ngờ gì, cùng với Roger Federer và Rafael Nadal, Djokovic là một trong những tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử môn quần vợt. Trong bối cảnh Federer đã già còn Nadal đã xuống sức (bị Djokovic đánh bại ngay trên thánh địa sân đất nện Roland Garros 2021), các tay vợt Next Gen chưa thể sánh bề dày kinh nghiệm, Djokovic gần như chắc chắn sẽ vượt lên dẫn đầu cuộc đua giành Grand Slam nhiều nhất trong lịch sử.
Cái cách mà Djokovic lần lượt vô địch cả ba danh hiệu lớn trong năm 2021 cho thấy tay vợt này có lối đánh quá khó để hóa giải. Đồng thời, sức mạnh tinh thần, độ “lì lợm” trên sân đấu và bản lĩnh ở những thời khắc quyết định nhất của Djokovic hiện không ai có thể sánh được.
Ý chí phấn đấu của “Nole” minh chứng cho khát vọng vươn lên không chỉ trong thể thao mà còn trong đời thường. “Thật không thể tin được là một cậu bé năm lên 7 tuổi tạo ra chiếc cúp quần vợt Wimbledon từ những vật liệu ngẫu hứng mà tôi tìm thấy trong phòng của mình đến ngày hôm nay đã giành danh hiệu vô địch Wimbledon lần thứ sáu” - Djokovic tự hào nói ở Wimbledon 2021.
* Hướng tới giải Mỹ mở rộng
Ngay sau Olympic Tokyo, Djokovic sẽ có một giải đấu quan trọng là Mỹ Mở rộng (US Open) diễn ra từ ngày 30-8 đến 12-9.
Novak Djokovic vô địch Wimbledon 2021. Ảnh: The AELTC |
Không chỉ cần thắng để đoạt cả bốn chức vô địch Grand Slam trong năm 2021, đây còn là cơ hội để Djokovic “phục hận” sau khi năm ngoái bất ngờ bị truất quyền thi đấu ở vòng bốn US Open 2020 bởi một lý do phạm quy “trời ơi đất hỡi” là vô tình đánh trúng cổ họng một trọng tài dây.
“Tôi coi như đây là một bài học và một lần tự đánh giá lại bản thân” - Djokovic lúc bấy giờ chia sẻ. Và tay vợt Serbia đã vượt qua nỗi buồn để tiếp tục giành những chiến tích vẻ vang trong năm 2021. Anh vẫn sẽ đến US Open với tư thế hạt giống hàng đầu và có nhiều cơ hội vô địch nhất. Trong khi đó, Federer dính chấn thương đầu gối ở Wimbledon đồng thời gặp gánh nặng tuổi tác nên không chắc đạt phong độ cao. Còn Nadal bỏ Olympic để dành sức “phục thù” ở US Open sẽ là đối trọng nguy hiểm nhất cho mục tiêu vô địch của Djokovic tại Grand Slam cuối cùng trong năm. Như vậy giai đoạn cuối mùa giải này của làng quần vợt rất đáng để người hâm mộ banh nỉ chờ đợi.
Olympic Tokyo diễn ra từ ngày 23-7 đến 8-8 Lễ khai mạc Olympic Tokyo diễn ra đêm 23-7. Trước đó, môn bóng đá nữ tại Olympic Tokyo đã khởi tranh từ ngày 21-7. Đoàn thể thao Việt Nam đến Tokyo từ ngày 19-7 gồm 43 thành viên, trong đó có 18 VĐV của 11 môn thể thao và 25 cán bộ, HLV… do ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao làm trưởng đoàn. Mục tiêu của đoàn ở Olympic Tokyo là phấn đấu giành được huy chương. Tại Olympic Sydney 2000, Việt Nam giành được chiếc huy chương Olympic đầu tiên trong lịch sử do võ sĩ Trần Hiếu Ngân đoạt được. Đó là chiếc HCB ở môn taekwondo. Tại Olympic Bắc Kinh 2008, VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn đoạt HCB ở môn cử tạ hạng cân 56kg nam. Đến Olympic Rio năm 2016, đoàn Việt Nam có kỳ tham dự Olympic thành công nhất khi VĐV bắn súng Hoàng Xuân Vinh giành HCV Olympic đầu tiên ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam lẫn HCB ở nội dung 50m súng ngắn nam. |
Trung Nghĩa