Với mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Đồng Nai đang có những chính sách thu hút doanh nghiệp (DN) sản xuất và chế biến nông sản vào đầu tư.
Với mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Đồng Nai đang có những chính sách thu hút doanh nghiệp (DN) sản xuất và chế biến nông sản vào đầu tư. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các nông sản chủ lực gắn với chuỗi liên kết nhằm đưa ra những chính sách phù hợp, tạo bệ đỡ cho các nhóm cây trồng chủ lực phát triển toàn diện.
TS Nguyễn Vũ Hồng Hà trong một lần khảo sát chất lượng trái ca cao tại xã Phú Hòa, H.Định Quán |
Cùng với chủ trương của tỉnh, nông dân Đồng Nai cũng tìm tòi, áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất trong sản xuất. Hiện nay, ca cao đang là một trong những thế mạnh với mô hình liên kết sản xuất khá hoàn hảo từ nông dân đến DN sản xuất và thị trường tiêu thụ với những đối tác trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề người dân cũng như nhà sản xuất trăn trở nhất hiện nay là giải pháp tận dụng và xử lý những phụ phẩm trong quá trình sản xuất một cách hiệu quả. Chia sẻ về những trăn trở của người dân Đồng Nai, nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ của Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) đang cùng bà con thực hiện dự án nghiên cứu sản xuất nước uống từ phụ phẩm trái ca cao. TS NGUYỄN VŨ HỒNG HÀ, giảng viên Trường đại học Quốc tế, thành viên nhóm nghiên cứu đã có cuộc trao đổi với phóng viên Đồng Nai cuối tuần.
Thăm dò mong muốn của người tiêu dùng trước
Theo tiến sĩ, sản phẩm nước ép từ hạt ca cao có sự độc đáo gì để hấp dẫn người tiêu dùng?
TS NGUYỄN VŨ HỒNG Hà cho biết: “Hiện có nhiều địa phương mong muốn hợp tác với nhóm nghiên cứu công nghệ thực phẩm về xử lý phế phẩm nông nghiệp trong sản xuất, tuy nhiên do các địa phương chưa đủ điều kiện về hạ tầng cũng như quy mô sản xuất để có thể đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu như Đồng Nai nên chúng tôi đã chọn Đồng Nai để thực hiện nghiên cứu các sản phẩm cho nông dân. Sau khi dự án thành công, nhóm nghiên cứu sẽ chuyển giao công nghệ cho những vùng khác để họ có thể đầu tư theo khả năng của mình”. |
- Hiện nay, nước ép từ hạt ca cao chưa từng có trên thị trường do gặp trở ngại trong khâu xử lý thanh trùng và bảo quản. Lâu nay người dân chưa có phương pháp thích hợp để chiết xuất nước ép từ hạt ca cao nên khối lượng thu về rất ít và phải cất trữ trong tủ lạnh nên rất khó để đến tay người tiêu dùng. Khi vận chuyển một loại thực phẩm, luôn luôn đòi hỏi ở nhiệt độ lạnh sẽ làm tăng chi phí và khó khăn trong khâu bảo quản, phân phối.
Trong khi đó, với công nghệ của chúng tôi, sản phẩm nước ép từ hạt ca cao có thể bảo quản ở nhiệt độ bình thường và có thời gian lưu trữ dài. Như vậy sẽ giảm bớt rất nhiều sự bất tiện đã nêu trên, tạo cơ hội đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở khắp mọi nơi, thậm chí là xuất khẩu.
Một điểm nổi bật nữa trong công nghệ của chúng tôi là sẽ chiết xuất được nhiều nước từ trái ca cao, đồng thời vẫn bảo đảm sự lên men của hạt sau khi ép, màu sắc của hạt được cải thiện, rút ngắn thời gian phơi. Bình thường nếu làm theo phương pháp cũ, hạt ca cao phải phơi khoảng 1 tuần nhưng với công nghệ của chúng tôi, chỉ mất khoảng 3 ngày là đạt.
Tiến sĩ đánh giá thế nào về tính khả thi khi sản phẩm được đưa ra thị trường? Đến nay đã có những sản phẩm nào của nhóm nghiên cứu được đưa ra thị trường?
- Thú thật là hiện nay chúng tôi vẫn chưa đến bước thăm dò thị trường về sản phẩm này. Tuy nhiên, với những tính ưu việt như: dễ bảo quản, vận chuyển, dễ sử dụng, đặc biệt là mức độ an toàn và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm cùng hương vị thơm ngon sẽ đáp ứng nhu cầu nhiều người tiêu dùng.
Hơn nữa, là những nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao công nghệ theo nhu cầu hoặc theo đơn đặt hàng nên chúng tôi thiên về tiêu chí: chất lượng, giá thành và sự tiện ích. Sự thành công của sản phẩm còn phụ thuộc vào khâu xúc tiến thương mại của các DN sau khi được chuyển giao công nghệ để sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường.
Đến nay, chúng tôi đã nghiên cứu hoàn thiện thành công công nghệ trích ly nhiều sản phẩm như pectin, các hợp chất màu thiên nhiên, rượu vang, nước trái cây lên men và tinh dầu từ phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như: vỏ xoài, bã dứa, vỏ thanh long, vỏ ca cao… Một trong những công nghệ này được đối tác Nhật Bản đề nghị hợp tác chuyển giao.
An toàn phải là xu hướng bắt buộc
Người tiêu dùng hiện nay có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến những sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe, nhóm nghiên cứu của bà có dự định gì trong thời gian tới không?
- Từ lâu, chúng tôi đã hướng đến nghiên cứu sản xuất những sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Bản thân tôi đặc biệt thích thú với công việc nghiên cứu, trích ly những hợp chất tốt liên quan đến sức khỏe con người, đồng thời tìm phương pháp loại bỏ những hợp chất có hại tồn tại trong thực phẩm. Với rất nhiều sản phẩm chứa chất có hại cho sức khỏe trên thị trường như hiện nay, tôi mong muốn sẽ tìm ra được nhiều phương pháp khả thi, an toàn giúp loại bỏ bớt những độc tố trong thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều quan niệm dân gian trong bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm không còn đúng và thậm chí gây nguy hiểm đến sức khỏe. Ví dụ như, lâu nay nhiều người quan niệm mật ong để càng lâu càng tốt, đây là một quan niệm cực kỳ sai lầm. Bởi vì, do trong quá trình bảo quản mật ong, hợp chất HMF, một hợp chất không tốt cho sức khỏe, sẽ được sản sinh ra ngày càng nhiều. Nếu tiếp tục sử dụng loại mật ong để lâu, chuyển màu đen thì hàm lượng HMF rất cao, sẽ gây hại đến thận, thậm chí gây mất chức năng thận.
Một số người tiêu dùng hiện nay cho rằng, những thông tin về thành phần dinh dưỡng trong các loại nước uống chưa đủ để thuyết phục, tạo niềm tin cho khách hàng? Là người chuyên nghiên cứu về công nghệ thực phẩm, bà có ý kiến gì không?
- Vấn đề người tiêu dùng đang lo lắng hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng người tiêu dùng nên có những nhìn nhận thoáng hơn và có sự cập nhật kịp thời những quy định của pháp luật.
Đúng là thời điểm nhiều năm về trước, những thông tin trong sản phẩm có thể không đúng với thực tế sản phẩm. Nhưng ngày nay luật pháp rất nghiêm khắc trong chuyện này. Hiện nay chúng ta có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn thực phẩm quy định rất rõ và có sự quản lý chặt chẽ.
Do đó, tôi mong muốn mọi người hãy trở thành người tiêu dùng thông minh, chịu khó tìm hiểu những quy định về chỉ tiêu chất lượng đối với các sản phẩm thực phẩm, cũng như trang bị thêm kiến thức về các loại dưỡng chất, đơn giản như: phân biệt đâu là sản phẩm từ nguồn thiên nhiên hay tổng hợp… và nó có thực sự là dinh dưỡng như mình mong đợi hay không.
TS NGUYỄN VŨ HỒNG HÀ và nhóm nghiên cứu đang nghiên cứu hoàn thiện công thức chế biến nước uống từ phụ phẩm lên men hạt ca cao. Dự án này xuất phát từ những trăn trở của người dân cũng như nhà sản xuất các sản phẩm từ ca cao tại địa phương về phương pháp xử lý dịch chiết xuất từ trái tươi trong quá trình lên men và những phụ phẩm sau khi chế biến, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị cho trái ca cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Dịch chiết từ trái ca cao có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là chất khoáng và các acid hữu cơ, vitamin C… nên có thể tận dụng nguồn phế phẩm này để sản xuất ra loại nước uống an toàn, nhiều dưỡng chất, dễ bảo quản cho người tiêu dùng. |
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Ngọc Liên (thực hiện)