Báo Đồng Nai điện tử
En

Thổi hồn cho gỗ vụn

09:07, 09/07/2021

Với bàn tay khéo léo cộng với vốn kiến thức về kiến trúc nhà ở tích lũy được sau những chuyến trải nghiệm xuyên Việt và trí tưởng tượng phong phú, anh Trần Minh Tân (ngụ ấp Bình Thạch, xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) đã biến những mảnh gỗ vụn thành những ngôi nhà mini dùng để  trang trí.

Với bàn tay khéo léo cộng với vốn kiến thức về kiến trúc nhà ở tích lũy được sau những chuyến trải nghiệm xuyên Việt và trí tưởng tượng phong phú, anh Trần Minh Tân (ngụ ấp Bình Thạch, xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) đã biến những mảnh gỗ vụn thành những ngôi nhà mini dùng để  trang trí.

Anh Trần Minh Tân (xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) đang cắt tạo hình những miếng gỗ vụn. Ảnh: N.SƠN
Anh Trần Minh Tân (xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu) đang cắt tạo hình những miếng gỗ vụn. Ảnh: N.SƠN

Anh Minh Tân cho biết, những sản phẩm từ gỗ vụn không chỉ có giá trị về mặt trang trí, đem lại cho anh nguồn thu nhập mỗi tháng mà quan trọng hơn đó là cách để anh thỏa mãn niềm đam mê mỹ thuật của mình.

* Từ niềm đam mê mỹ thuật…

Theo chia sẻ của anh Tân, gia đình anh không ai làm về mỹ thuật hay có năng khiếu với mỹ thuật, hội họa. Thế nhưng từ nhỏ anh đã rất thích thú với những chiếc bút màu, tranh ảnh. Thấy anh có năng khiếu và niềm đam mê với mỹ thuật, hội họa, cha mẹ anh tôn trọng và tạo điều kiện để anh theo đuổi ước mơ của mình.

Anh TRẦN MINH Tân dự định tới đây sẽ làm những mô hình từ gỗ vụn thể hiện đặc trưng của 3 miền Bắc, Trung, Nam vừa để nhận biết, vừa tạo điều kiện để du khách khi đi du lịch đến vùng miền đó có thể mua về làm quà cho người thân, bạn bè.

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh chọn học ngành Thiết kế nội thất Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Thiết kế nội thất những năm gần đây đang trở thành một ngành học “hot” được nhiều bạn trẻ đam mê sáng tạo và năng khiếu về nghệ thuật quan tâm theo học. Bởi đây là ngành tổng hợp của nghệ thuật, mỹ thuật và khoa học kỹ thuật dựa trên sự phối hợp hài hòa giữa màu sắc, ánh sáng, thẩm mỹ kiến trúc, các vật trang trí để thiết kế không gian sống, không gian làm việc, không gian thư giãn… Đặc biệt là cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành học này vô cùng rộng mở…

Năm 2015, anh Tân tốt nghiệp và đi làm thiết kế tại một công ty chuyên về thiết kế nội thất. Tuy nhiên, công việc ở đây không mang tính chất sáng tạo mà chỉ vẽ lại các bản vẽ có sẵn nên chỉ một thời gian ngắn, anh Tân chuyển sang làm việc tại công ty thiết kế khác chuyên về gỗ và màu sắc. Anh Tân cho biết, công ty thứ 2 anh đầu quân là nơi có môi trường làm việc chuyên nghiệp, bản thân anh có cơ hội phát huy hết khả năng sáng tạo của mình và đặc biệt là cơ hội để anh học hỏi và nâng cao khả năng sáng tạo của mình.

Một sản phẩm do anh Trần Minh Tân làm
Một sản phẩm do anh Trần Minh Tân làm

Gắn bó được 3 năm, anh Tân xin nghỉ việc để kinh doanh quán cà phê của riêng mình. Nhờ có không gian đẹp, cách bài trí lạ mắt nên quán cà phê của anh Tân đã thu hút được sự chú ý của khách hàng. Sau khi công việc kinh doanh quán cà phê đi vào ổn định, anh Tân tiếp tục nhận trang trí quán cà phê, quán ăn cũng như làm các sản phẩm trang trí khác.

“Bước ra làm thiết kế tự do, kinh doanh quán cà phê, tôi gặp vô số áp lực và khó khăn, nhưng với suy nghĩ ngã ở đâu đứng lên ở đó, tôi đã từng bước vượt qua khó khăn và đến nay có thể nói mọi việc đã đi vào quỹ đạo” - anh Tân bộc bạch.

* Biến gỗ vụn thành những ngôi nhà

Anh Tân chia sẻ, nhiều năm gắn bó với nghề thiết kế nội thất, anh thấy những miếng gỗ vụn ở các xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất thường bị vứt qua một bên để làm củi đốt rất lãng phí. Vì vậy, anh đã trăn trở, tìm cách để tận dụng lại những mẩu gỗ vụn, biến chúng thành những vật dụng có giá trị; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường…

Giữa muôn vàn vật dụng trang trí có thể làm từ gỗ vụn, anh Tân đã chọn mô hình ngôi nhà để thực hiện, bởi trong suy nghĩ của anh, nhà là nơi để về, là nơi giải tỏa những mệt mỏi, nơi sum vầy, nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi… Với ý tưởng của mình, anh đi xin gỗ vụn ở các xưởng gỗ rồi dùng máy cưa cắt tạo hình theo hình dáng mà mình mong muốn. Tiếp đến, anh sử dụng keo dán sắt dán chúng lại với nhau tạo thành ngôi nhà sau đó mới dán vào đế gỗ.

Anh Tân cho hay, cũng giống như xây một ngôi nhà, phần thô thực hiện đơn giản và mất ít thời gian hơn là phần hoàn thiện. Để tác phẩm sinh động và chân thật nhất, ngoài việc sử dụng màu sơn, anh còn trau chuốt và thêm thắt vào những chi tiết nhỏ như: những chiếc khăn, quần áo phơi, tấm lưới đánh cá, bó củi, bến đỗ thuyền, giếng nước, con suối… Vì vậy, thời gian để anh cho ra đời một tác phẩm thường dao động từ 3-4 tiếng đến nửa ngày, thậm chí có những tác phẩm khó anh phải mất một ngày mới có thể hoàn thành. Vì vậy, nhiều sản phẩm sau khi làm xong anh không muốn bán mà chỉ muốn giữ lại cho riêng mình.

Vốn thích những hình ảnh giản dị nên những ngôi nhà mini mà anh Tân tạo ra từ gỗ vụn chủ yếu là những ngôi nhà cũ mộc mạc. Bởi điều anh mong muốn, ngôi nhà mini mà anh tạo ra từ gỗ vụn không chỉ có tác dụng trang trí, làm đẹp cho không gian sống, không gian làm việc mà còn giúp cho người sở hữu nó được thư thái, thoải mái khi ngắm nhìn.

Bên cạnh thực hiện các ngôi nhà giản dị, mộc mạc mang đặc trưng của Việt Nam, anh Tân còn cho ra đời các sản phẩm là những ngôi nhà hay con phố ở châu Âu theo đơn đặt hàng của khách. Anh Tân cho hay, những ngôi nhà gắn liền với biển được anh tạo ra là sự kết hợp giữa kiến trúc nhà ở và cảnh đẹp ở các vùng miền Việt Nam mà anh đã đi qua, còn châu Âu, anh chưa từng đặt chân tới. Vì vậy, để hoàn thành các đơn đặt hàng của khách, anh lên mạng tìm kiếm, tham khảo kiến trúc của những ngôi nhà, những con phố ở châu Âu để thực hiện.

Với giá bán từ 250-500 ngàn đồng/sản phẩm, những ngôi nhà mini được làm từ gỗ vụn đã đem lại cho anh Tân nguồn thu nhập thêm ổn định mỗi tháng, quan trọng hơn là giúp anh có thêm không gian để sáng tạo.

Nga Sơn

 

 

 

Hình ảnh một số

 

 

Tin xem nhiều