Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trong những ngày qua, nhiều người đã chuyển sang làm việc, học tập… tại nhà, chấp hành việc hạn chế ra ngoài để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trong những ngày qua, nhiều người đã chuyển sang làm việc, học tập… tại nhà, chấp hành việc hạn chế ra ngoài để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Chị Đinh Thị Thu Hà, ở P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) hướng dẫn 2 con trai tập yoga tại nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Rút kinh nghiệm từ lần giãn cách xã hội cách đây hơn 1 năm, nhiều người đã chủ động tạo cho mình thói quen tích cực, nhất là thói quen tự phục vụ tại nhà để thích nghi với tình hình dịch bệnh.
* Tạo thói quen tự phục vụ
Theo Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND tỉnh từ 0 giờ ngày 9-7, toàn tỉnh áp dụng các biện pháp cách ly xã hội theo Chủ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn tỉnh theo nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình, ấp cách ly với ấp, xã/phường cách ly với xã/phường, huyện/thành phố cách ly với huyện/thành phố. Theo đó, sẽ tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.
Mặc dù được xếp vào loại hình dịch vụ không thiết yếu nhưng các dịch vụ như: cắt tóc, gội đầu, phòng tập, quán ăn sáng… đóng cửa cũng gây khó khăn cho nhiều người.
Vợ chồng chị Phùng Thị Phương Thảo (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) sống chung cùng cha mẹ chồng. Anh, chị em gia đình bên chồng chị ở gần nhau nên những ngày nghỉ dịch ở nhà, các cháu thường tập trung ở bên nhà ông bà để cha mẹ đi làm. Ngoài con gái chị, còn có thêm 1 cháu gái và 2 cháu trai nên rút kinh nghiệm từ đợt giãn cách xã hội cách đây 1 năm, chị sắm kéo, tông đơ để tự cắt tóc tại nhà cho mọi người trong gia đình.
Những ngày bình thường không giãn cách, những dụng cụ cắt tóc dường như bị lãng quên. Nhưng những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện các Chỉ thị 15, 16 và 19/CT-TTg của Chính phủ, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu tạm đình chỉ hoạt động thì bộ dụng cụ cắt tóc của chị lại có cơ hội được phát huy tác dụng. Chỉ cần thấy tóc con gái và các cháu dài ra gây khó chịu là chị cắt.
Với tinh thần tự phục vụ, chị Hoàng Thị Yên (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) đã sắm ngay giường gội đầu, nguyên liệu đắp mặt nạ để phục vụ nhu cầu của bản thân và người thân trong gia đình.
Chị Yên chia sẻ, gần nhà chị có tiệm gội đầu, massage nên những ngày dịch chưa bùng phát, chị thường 2 lần/tuần ghé gội đầu, đắp mặt nạ, massage. Không chỉ chị, các thành viên trong gia đình từ mẹ, chị gái cũng có thói quen gội đầu ở tiệm. Vì vậy, từ đợt dịch sau Tết Nguyên đán vừa qua, chị đầu tư 1,2 triệu đồng để mua giường gội đầu đặt tại nhà.
Với những gì “học lỏm” được sau nhiều năm gội đầu ở tiệm, chị dành thời gian để gội đầu cho mọi người trong gia đình và ngược lại mẹ hoặc chị gái sẽ gội đầu cho chị. Không chỉ gội đầu, rút kinh nghiệm từ lần giãn cách trước để cơ thể mập lên, chị Yên đã đầu tư máy massage, máy quấn bụng và tự đánh mỡ bụng tại nhà.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng là dịp để nhiều người thay đổi thói quen tập thể dục nâng cao sức khỏe. Anh Trần Nguyễn Đăng Minh (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay, anh từng sở hữu thân hình khá tròn trịa nhưng nhờ mỗi ngày đến phòng tập gym và tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm ngặt mà trọng lượng cơ thể anh đã giảm từ 93kg xuống còn 72kg trong khoảng thời gian 2 năm.
Từ khi cơ thể đạt được trọng lượng như ý muốn, anh vẫn duy trì tập tại phòng gym vừa để duy trì vóc dáng, vừa giúp nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, dịch bệnh hoành hành, phòng tập lúc đóng lúc mở nên anh tự tìm cho mình những bài tập tại nhà không cần đến dụng cụ hỗ trợ để nâng cao sức khỏe vừa tuân thủ quy định giãn cách xã hội.
* Cơ hội làm điều mình thích
Dịch bệnh đã có những ảnh hưởng đến hoạt động thường nhật của con người, thói quen sinh hoạt của nhiều gia đình. Song dịch bệnh Covid-19 cũng đã mang đến cho con người cơ hội để “sống chậm”, giúp các thành viên trong gia đình có cơ hội gắn bó.
Anh Mai Ngọc Nhuần, ngụ P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) tranh thủ chăm sóc hoa lan mỗi khi hoàn thành công việc. Ảnh: Nga Sơn |
Theo anh Mai Ngọc Nhuần (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), so với việc đến cơ quan đi làm, làm việc ở nhà bận rộn hơn vì vừa làm, vừa phải trông nom, hướng dẫn con học bài, vừa phải làm công việc nhà… Tuy nhiên, chính khoảng thời gian này lại giúp gia đình anh có cơ hội gần nhau. Vợ chồng anh cũng có cơ hội hiểu nhau hơn; cha mẹ có cơ hội gần gũi con; đồng thời con cũng có cơ hội hiểu thêm về công việc của cha mẹ…
Anh Nhuần còn cho rằng, dịch bệnh còn là cơ hội để nhiều người thực hiện được những dự định mà bình thường chưa thể thực hiện được. Cá nhân anh rất mê hoa lan và luôn mong muốn có thể gầy dựng một vườn lan của riêng mình. Cách đây 2-3 năm, từ khoảnh đất nhỏ phía sau nhà anh đã đầu tư làm giàn, trang bị hệ thống tưới nước phun sương tự động, mua một số giống lan về trồng và nhân giống. Tuy nhiên, do công việc bận rộn nên anh chỉ tranh thủ chăm sóc hoa lan vào buổi tối sau khi đi làm về hoặc dịp cuối tuần. Vì vậy, mấy năm làm giàn hoa lan nhưng đến nay anh vẫn chưa có được vườn lan như ý muốn.
Từ khi dịch bệnh xuất hiện tại TP.HCM, công ty nơi anh làm việc cho phép nhân viên sắp xếp làm việc online tại nhà 3 buổi/tuần và hiện nay làm việc tại nhà 100%, anh mới có nhiều thời gian hơn cho vườn lan mà anh ấp ủ.
Có sở thích nấu ăn từ khi còn nhỏ nên cứ có cơ hội là chị Vũ Thị Hồng Vinh (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) lại thực hiện niềm đam mê của mình. Chị Vinh cho biết, bình thường cứ vào cuối tuần chị mới có thời gian để nấu cho chồng con những món ăn ngon hoặc làm những món ăn vặt mà các con thích. Để nấu được những món ăn, thức uống ngon, phù hợp với sở thích của các thành viên trong gia đình, chị Vinh thường tìm video hướng dẫn trên mạng rồi thử nghiệm và dần đúc kết cho mình kinh nghiệm để chế biến ngon hơn.
Cách đây hơn 1 tháng, nhận thấy dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, mọi người phải làm việc, học tập tại nhà nên ít có cơ hội ra quán thưởng thức đồ uống hoặc các món ăn vặt nên chị bắt đầu làm trà sữa, bánh flan và chụp hình đăng lên Facebook để quảng bá.
Từ những người quen đặt mua để thưởng thức, đến nay chị đã có lượng đơn hàng ổn định bình quân mỗi ngày từ 20-60 chai trà sữa (1 chai 2 ly) và 50 chiếc bánh flan. “Việc làm này không chỉ giúp thỏa mãn niềm đam mê với bếp mà còn giúp tôi có thêm thu nhập bình quân khoảng 300 ngàn đồng/ngày và quan trọng hơn giúp tôi với bớt âu lo, sợ hãi vì dịch bệnh và thay vào đó là tinh thần lạc quan để vượt qua đại dịch” - chị Vinh bộc bạch.
Anh Nguyễn Trần Đăng Minh (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng lên mỗi ngày. Mỗi người nên góp sức đẩy lùi dịch bệnh bằng những việc làm thiết thực. Bởi, ở thời điểm này, mỗi việc làm dù lớn hay nhỏ cũng đều thể hiện tình yêu nước. |
Nga Sơn