Báo Đồng Nai điện tử
En

Rau xanh, thực phẩm lên "sàn" Zalo, Facebook

10:07, 17/07/2021

Công nghệ phát triển giúp người tiêu dùng ngày càng linh hoạt và có thêm nhiều sự kết nối, lựa chọn hơn khi mua sắm trên mạng. Ngoài mua hàng trực tiếp, người tiêu dùng còn có thể đặt mua hàng online từ các cửa hàng, đơn vị, cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo...,

Công nghệ phát triển giúp người tiêu dùng ngày càng linh hoạt và có thêm nhiều sự kết nối, lựa chọn hơn khi mua sắm trên mạng. Ngoài mua hàng trực tiếp, người tiêu dùng còn có thể đặt mua hàng online từ các cửa hàng, đơn vị, cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo..., nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, các chợ truyền thống tạm thời đóng cửa, nhiều siêu thị bị quá tải vì lượng người mua quá đông.

Chị Diễm My (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đang soạn hàng theo đơn để giao cho khách hàng đã đặt trước qua Zalo, Facebook
Chị Diễm My (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đang soạn hàng theo đơn để giao cho khách hàng đã đặt trước qua Zalo, Facebook

Nhu cầu đặt hàng tăng mạnh

Chị Diễm My, chủ cửa hàng thực phẩm, trái cây ở P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa cho biết, trước đây cửa hàng chủ yếu bán các loại trái cây miền Tây, thực phẩm nhập khẩu các loại. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh ở TP.Biên Hòa diễn biến phức tạp đến nay, cửa hàng của chị còn nhập thêm một số mặt hàng nông sản sạch Đà Lạt về bán giá bình ổn hỗ trợ cho bà con.

Theo ghi nhận, khảo sát trên các kênh đặt hàng qua Zalo, Facebook, giá các loại nông sản phổ biến dao động ở mức như sau: cà chua khoảng 20-25 ngàn đồng/kg, bắp cải 22-35 ngàn đồng/kg, cà rốt 22-30 ngàn đồng/kg, bí đỏ - bí xanh khoảng 20-27 ngàn đồng/kg, khoai tây 25-27 ngàn đồng/kg, trứng gà - trứng vịt khoảng 35-50 ngàn đồng/chục, các loại thịt heo từ 100-170 ngàn đồng/kg tùy loại… Một số cửa hàng còn bán theo dạng combo 3-5kg rau các loại với giá 100-120 ngàn đồng/combo…

Hiện tại, nguồn hàng nông sản giảm vì vận chuyển khó, thêm các chợ ở khu vực nội ô thành phố đều đóng cửa, tạm ngưng hoạt động nên nhu cầu mua các loại mặt hàng nông sản của người dân rất cao. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng của chị nhập về hơn 1 tấn nông sản phổ biến các loại như: khoai tây, cà rốt, cà chua, dưa leo, bắp cải, bí đỏ, su su, đậu cô-ve... và các loại trứng gà, trứng vịt sạch.

“Thời điểm này, cửa hàng chỉ nhận đơn đặt trực tuyến qua số hotline, Zalo hoặc Facebook. Sau đó, nhân viên sẽ lên đơn, soạn hàng để khách ghé lấy hoặc chờ giao hàng tận nơi. Sức mua tăng cao trong khi nhân lực có hạn, có thời điểm cửa hàng quá tải nhưng vì cố gắng cung cấp các mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ bà con nên cửa hàng đều nỗ lực giao đủ, giao sớm, đảm bảo nông sản an toàn, chất lượng với mức giá ổn định để khách hàng an tâm đặt mua trong giai đoạn này” - chị Diễm My chia sẻ.

Trước nhu cầu tăng cao của thị trường, một số người dân đã kết nối với các đầu mối nông sản để bán các mặt hàng thực phẩm, nông sản thời vụ. Chị Ngọc Loan ở P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) chia sẻ, trước bối cảnh nhu cầu nông sản tăng cao cũng như mong muốn hỗ trợ người dân có kênh bán các loại thực phẩm, nông dân khi nhiều chợ tạm đóng cửa, khoảng vài ngày trở lại đây chị đã kết nối với một số nguồn hàng quen ở TP.Đà Lạt để đưa rau, củ, quả về TP.Biên Hòa tiêu thụ.

Tương tự, chị Quỳnh Như, nhân viên văn phòng ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) chia sẻ, chị đã kết nối với một đầu mối chuyên vận chuyển nông sản ở gần nhà để cung ứng các loại rau, củ, quả, cá khô, trứng vịt… cho những người quen đặt qua Zalo với giá cả bình ổn. Công việc này mang tính thời vụ, nguồn hàng về tùy bữa, đủ cung ứng số lượng rau, củ, quả với số lượng không nhiều… 

“Do nhu cầu lớn nên có những ngày này sạp hàng trên Zalo, Facebook của tôi cung ứng, nhận khoảng 100 đơn hàng. Lượng nông sản tiêu thụ vào dịp cao điểm từ 1-2 tấn/ngày. Tôi nhận ship các khu vực xung quanh nội thành Biên Hòa, riêng những phường, khu vực phong tỏa sẽ chỉ giao tới chốt kiểm soát để khách ra nhận và thanh toán tiền” - chị Ngọc Loan cho biết.

Bà Thiên Hương, ngụ ở P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho hay, thực tế hiện nay nhu cầu về thực phẩm tươi sống, rau củ quả tăng cao do các chợ truyền thống, chợ tự phát tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải xếp hàng chờ rất lâu mới tới lượt, đôi khi còn hết hàng, khan hàng tạm thời. Do đó, bà đã chuyển sang đi chợ online.

“Ban đầu, tôi có hơi lo lắng vì gia đình đông thành viên, lo sợ thiếu hụt thực phẩm trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, hiện tại công nghệ phát triển, thay vì đến mua trực tiếp tôi vẫn có thể mua được đủ loại thực phẩm như: rau xanh, thịt, cá, trái cây... của một số cửa hàng, cá nhân trên mạng xã hội ở khu vực gần nhà. Ở đó, tôi có thể lựa chọn các mặt hàng mình cần và được giao đến tận nhà ngay trong ngày. Mặc dù thực phẩm nào cũng có giá cao hơn bình thường đôi chút nhưng thời điểm này áp lực vận chuyển, chi phí vận tải đều tăng nên tôi thấy mức giá trên vẫn có thể chấp nhận được” - bà Thiên Hương bộc bạch.

Nhiều tạp hóa, nhà vườn chuyển sang bán hàng qua mạng

Trong bối cảnh Đồng Nai đang áp dụng cách ly xã hội, một số phường, khu vực còn phải phong tỏa để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch thì các sạp tạp hóa, tiểu thương tại các chợ tạm ngừng hoạt động, nhà vườn trồng rau ở TP.Biên Hòa và một số địa phương đang triển khai việc giao dịch hàng hóa thông qua một số hình thức như: gọi điện, đặt hàng qua Zalo…

Đa dạng các loại nông sản được đăng bán trên mạng xã hội Zalo, khách hàng chỉ cần chọn mua theo nhu cầu và nhắn tin để người bán “chốt” đơn
Đa dạng các loại nông sản được đăng bán trên mạng xã hội Zalo, khách hàng chỉ cần chọn mua theo nhu cầu và nhắn tin để người bán “chốt” đơn

Bà Hải Yến, chủ cửa hàng chuyên về các loại đặc sản địa phương ở P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa cho biết, khoảng 2 tuần trở lại đây, thay vì phân phối trực tiếp cho khách hàng, cửa hàng đã chuyển sang đặt hàng qua các kênh như: Zalo, Facebook. Cửa hàng cố gắng giữ giá sản phẩm bình ổn, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Lượng khách đặt qua Zalo, Facebook… tăng rất cao từ 8-10 lần so với ngày thường, nhiều thời điểm cửa hàng phải ngưng nhận đặt hàng vì cầu vượt quá cung.

Tương tự, ông Cao Tuấn, chủ một trang trại trồng rau thủy canh ở TP.Biên Hòa cho biết, do tình hình dịch bệnh phức tạp, thời gian qua, trang trại đã tạm ngừng cung ứng tới mối ngoại tỉnh trước đây mà chuyển sang tập trung phân phối nhiều ở khu vực Biên Hòa, trong đó có các hình thức đặt hàng trực tuyến qua Facebook, Zalo… Sản lượng mỗi ngày khoảng 300kg rau cung ứng. Giá cả vẫn được giữ bình ổn so với thời điểm trước khi dịch bệnh tái bùng phát, chỉ phụ thu thêm phí ship hàng tùy khu vực…

Giữa bối cảnh thị trường biến động, các loại thực phẩm đa dạng cả về chủng loại, giá cả thì cũng có một số khách hàng khá thận trọng khi giao dịch. Bà Ngọc Ánh  ngụ P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi chỉ dám mua hàng tươi sống, rau xanh và trái cây của người quen, nhà vườn uy tín thông qua tham khảo người thân, bạn bè hoặc các bình luận, đánh giá rõ ràng. Riêng đối với những mặt hàng thiết yếu không có nguồn sẵn bên ngoài, tôi sẽ trực tiếp đến mua tại các siêu thị để yên tâm về nguồn gốc, chất lượng”.

Hải Hà

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích