8 năm làm việc tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn), anh Võ Quang Trung đã có hàng ngàn chuyến đi rừng nhưng với anh, mỗi lần đến với rừng đều có cảm giác tươi mới. Khó có thể diễn tả được tình yêu của chàng trai này đối với các loài cây cỏ.
8 năm làm việc tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn), anh Võ Quang Trung đã có hàng ngàn chuyến đi rừng nhưng với anh, mỗi lần đến với rừng đều có cảm giác tươi mới. Khó có thể diễn tả được tình yêu của chàng trai này đối với các loài cây cỏ.
Anh Võ Quang Trung hướng dẫn sinh viên đi thực địa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai |
Anh Trung hiện đang là Phó trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (thuộc Khu bảo tồn).
Duyên nợ với… cỏ cây
Võ Quang Trung sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh. Như bao đứa trẻ vùng nông thôn khác, anh thường được giao “nhiệm vụ” đi chăn trâu. Những ngày như thế, anh thường lang thang trên ngọn đồi, tìm hái những bông hoa đẹp, các loại lá để vò ngửi hương thơm của chúng. Tốt nghiệp THPT, anh quyết định theo học ngành Sư phạm Sinh học tại Trường đại học Sư phạm Huế.
Phát hiện và công bố loài mới Với anh Võ Quang Trung, được đi vào rừng tìm kiếm các loài động, thực vật quý hiếm để bảo tồn là một niềm hạnh phúc. Với anh, mỗi lần đi là mỗi lần phát hiện nhiều điều thú vị. Hiện nay, dù bận bịu với công việc hành chính, mỗi tuần anh vẫn tranh thủ dành 1-2 ngày cuối tuần để đi rừng. Những chuyến “lang thang” trong rừng như thế không chỉ giúp anh phục vụ tốt cho công việc mà còn phát hiện được loài mới để công bố. Theo đó, anh cùng với cộng sự đã công bố được 2 loài: dẻ đá Đạ Hoai và dẻ Đồng Nai cùng một số loài phát hiện mới cho hệ thực vật Việt Nam và thế giới. |
Ngay từ năm nhất, Trung đã theo thầy giáo đi sưu tập các loài thực vật về cho sinh viên quan sát, học tập. Từ năm thứ 2, anh được thầy tin tưởng, giao hẳn cho 1 chiếc máy ảnh để rong ruổi đi tìm, sưu tập cây thay cho thầy. “Mỗi ngày, tôi đều rong ruổi trên chiếc xe đạp, đi khắp TP.Huế, ngang nhà nào có trồng nhiều cây hoặc phát hiện loài cây lạ là dừng lại chụp hình, xin một vài cây về làm mẫu. Mọi ngóc ngách của thành phố tôi đều nhớ. Bây giờ, xa Huế đã 8 năm nhưng thỉnh thoảng vẫn có người gọi điện cho tôi để hỏi cây này, cây kia ở chỗ nào để họ đến lấy mẫu” - anh Trung nhớ lại.
Sau 4 năm học đại học, ngọn lửa đam mê nghiên cứu các loài thực vật lớn dần trong anh. Vì vậy, tốt nghiệp đại học, anh quyết định học tiếp cao học ngành Thực vật học. Năm 2014, anh Trung nộp hồ sơ và được tuyển dụng vào làm việc tại Khu bảo tồn.
Là người năng động, nhiệt tình, làm việc hiệu quả, anh Trung đã được lãnh đạo tin tưởng, bổ nhiệm Phó trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác vào cuối năm 2019. Cụ thể, anh được giao phụ trách mảng thực vật, định danh các loại thực vật; xây dựng các đề tài, dự án để nghiên cứu, bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm.
Tính đến nay, anh Trung đã tham gia hỗ trợ, làm thành viên nghiên cứu của hàng chục đề tài, dự án khoa học. Một số đề tài, dự án tiêu biểu như: Nghiên cứu đánh giá diễn thế phục hồi hệ sinh thái rừng và đề xuất giải pháp bảo tồn tại Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai; Xây dựng dự án Vườn thực vật tại Khu bảo tồn; Kiểm soát, ngăn ngừa sự xâm lấn cây mai dương ở vùng bán ngập hồ Trị An; Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam…
Bảo tồn nguồn gen cây dược liệu quý hiếm
Hiện nay, anh Trung đang tham gia thực hiện đề tài Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam bộ tại Khu bảo tồn (đề tài cấp nhà nước, do Viện Dược liệu (Bộ Y tế) chủ trì thực hiện). Theo đó, đề tài thực hiện từ năm 2017 đến nay với mục tiêu xây dựng được khu vực bảo tồn cây dược liệu với 500 nguồn gen của khoảng 200 loài cây thuốc quý, hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế của vùng Đông Nam bộ. Đối với đề tài này, Khu bảo tồn vừa là đơn vị vừa phối hợp thực hiện vừa là đơn vị thừa hưởng thành quả.
Anh Võ Quang Trung (thứ 2 từ phải sang) chụp hình lưu niệm cùng các cộng sự trong một chuyến đi rừng . Ảnh: NVCC |
Anh Trung là người tham gia thu thập thông tin, nhu cầu sử dụng các loài thuốc nam, góp ý lựa chọn các nguồn gen, đi sưu tập, nhân giống, trồng, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Để thực hiện đề tài này, anh cùng các cộng sự đã phải đi khảo sát, tìm kiếm nguồn gen cây dược liệu ở nhiều khu rừng trong vùng như: Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước), Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh), Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (Bà Rịa - Vũng Tàu)...
“Chuyến đi đầu tiên cùng các anh em ở Viện Dược liệu, trời mưa suốt từ khi khởi hành đến lúc về. Mọi người trong đoàn đều thấm mệt nhưng hôm sau vẫn tiếp tục lên đường. Thông thường, mỗi chuyến đi khảo sát như vậy, chúng tôi phải đi trong rừng tầm 10km, ven theo các đường be nhỏ để tìm và thu cây. Có lần, do mải mê tìm cây thuốc, tôi và một cộng sự bị lạc trong rừng Bù Gia Mập. Tìm đường mãi đến 19 giờ mới đến được khu vực giáp ranh với Campuchia và bắt được sóng điện thoại để liên lạc nhờ đơn vị đến đón về. Hôm đó, chúng tôi đã lội bộ băng rừng được 30km” - anh Trung kể.
Những chuyến đi rừng vất vả chưa bao giờ làm anh nản lòng. Khó có thể diễn tả được niềm vui của người làm khoa học như anh khi tìm và sưu tập được một loại cây thuốc quý, hiếm. Anh Trung cho biết: “Nhiều loài rất hiếm gặp trong tự nhiên, có những loài thuộc khu vực phân bố rất đặc biệt. Mà không phải gặp cây nào là mình lấy cây đó. Mình phải tìm được nhiều cây, rồi chọn cây nhỏ nhất để đem về ươm tạo, bảo tồn, để lại cây lớn ở trong rừng cho chúng tiếp tục sinh trưởng, phát triển”.
Tìm được cây đã khó, làm sao để cây sống được, ươm tạo được còn khó hơn. Vì vậy, với các loài cây quý, hiếm, chính đội ngũ làm công tác nghiên cứu phải tự tay làm mọi việc: thu thập cây, xử lý, đóng bầu, trồng, chăm sóc. Những loài cây gieo hạt thì tương đối đơn giản, những loại cây dâm hom hoặc từ cây di thực về thì phải mất 1-1,5 năm chăm bẵm. Mỗi ngày đều phải chăm chút, nâng niu như vậy cho đến khi cây sống và phát triển ổn định rồi mới dám giao cho người khác chăm.
Hiện nay, đề tài Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam bộ tại Khu bảo tồn đã cơ bản hoàn thành. Trong khuôn khổ đề tài này, Khu bảo tồn hiện đã quy hoạch được vườn dược liệu với tổng diện tích 10ha, trong đó có 6ha bảo tồn các loại cây dược liệu tại chỗ với hơn 60 loài, 4ha còn lại là khu vực trồng, bảo tồn các cây dược liệu được thu thập ở những vùng địa lý, sinh thái khác nhau với hơn 300 nguồn gen của hơn 60 loài và rất nhiều nguồn gen của các loài đang được gieo ươm, theo dõi và chăm sóc trong vườn ươm.
Anh Trung hiện cũng là cá nhân cốt cán tham gia xây dựng dự án Vườn Bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia Nam bộ. Dự án rất được UBND tỉnh quan tâm và đang tiến hành các bước để phê duyệt thực hiện. Kỳ vọng của dự án này là bảo tồn 1,5-2 ngàn loài cây thuốc của vùng Nam bộ trên diện tích khoảng 200ha được dự kiến xây dựng tại Khu bảo tồn. Ngoài ra, anh cùng các cộng sự cũng đang hoàn thành hồ sơ để triển khai 2 đề tài nghiên cứu bảo tồn nguồn gen khác gồm: Bảo tồn nguồn gen các loài lan một lá; Bảo tồn nguồn gen loài thần xạ hương trong khuôn khổ đề án khung về quỹ gen cấp tỉnh.
Hải Yến