Báo Đồng Nai điện tử
En

Để thay đổi nguyện vọng dễ vào đại học

10:07, 31/07/2021

Ngày 26-7, Bộ GD-ĐT đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia đợt 1 năm 2021. Theo quy chế của bộ, sau khi biết điểm thi, thí sinh được thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức trực tuyến. Đây có thể nói là "cơ hội vàng" để học sinh chọn lựa ngành, trường đại học mà mình yêu thích, kỳ vọng.

Ngày 26-7, Bộ GD-ĐT đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia đợt 1 năm 2021. Theo quy chế của bộ, sau khi biết điểm thi, thí sinh được thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức trực tuyến. Đây có thể nói là “cơ hội vàng” để học sinh chọn lựa ngành, trường đại học mà mình yêu thích, kỳ vọng.

Bộ GD-ĐT quy định việc xét tuyển điểm tốt nghiệp năm 2021 theo nguyên tắc xét tuyển: “Thí sinh sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng và phải xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (ưu tiên 1 là nguyện vọng cao nhất). Đối với từng ngành, các thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký”. Vì vậy, khi thay đổi hay điều chỉnh nguyện vọng cần lưu ý thực hiện thật kỹ lưỡng việc chọn phương án tối ưu để tránh vuột mất cơ hội tốt nhất của mình.

Đầu tiên, ghi các ngành học, trường đại học mà mình đam mê và phù hợp với năng lực của bản thân. Viết ra tất cả các tổ hợp môn xét tuyển vào từng ngành học. Sau đó, viết tổng số điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã đạt được của mỗi tổ hợp môn. Ở đây chiến lược là áp dụng theo 3 nguyên tắc: ngành học ưng ý nhất, trường đại học tốt nhất và tổ hợp có kết quả điểm thi cao nhất.

Tiếp đến là tham khảo phổ điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp xét tuyển của 3 năm 2019, 2020, 2021, phân tích thật kỹ, so sánh độ chênh lệch giữa các năm. Phổ điểm thi là căn cứ để thí sinh thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng. Đó là điểm trung bình, điểm trung vị và điểm có số thí sinh đạt nhiều nhất. Sau đó, tham khảo điểm trúng tuyển các năm tuyển sinh trước. Đây cũng chính là một bước tham khảo quan trọng để thí sinh đưa ra sự lựa chọn tối ưu. Cần sắp xếp điểm trúng tuyển ngành học, trường đại học của 3 năm xét tuyển trước (năm 2018, 2019, 2020) mà mình muốn đăng ký, điều chỉnh theo thứ tự từ cao đến thấp dần.

Cuối cùng, sắp xếp thứ tự các nguyện vọng. Chọn thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng cao nhất, trường tốp đầu vì chỉ khi nguyện vọng 1 không đạt mới được xét nguyện vọng 2. Tránh trường hợp chọn sai nguyện vọng sẽ khiến thí sinh “rớt oan” vì chọn trường có điểm chuẩn quá cao. Và ngược lại chọn nguyện vọng 1 ở trường điểm chuẩn thấp mà đánh rơi mất những trường đại học tốt hơn.

Đào Khởi

Tin xem nhiều