Đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của nhiều người dân, doanh nghiệp (DN). Trước tình hình đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), DN gặp khó khăn do dịch Covid-19 (gọi tắt là Nghị quyết 68) với phương châm "không một ai bị bỏ lại phía sau"...
Đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của nhiều người dân, doanh nghiệp (DN). Trước tình hình đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), DN gặp khó khăn do dịch Covid-19 (gọi tắt là Nghị quyết 68) với phương châm “không một ai bị bỏ lại phía sau”...
Nhân viên Bưu điện tỉnh chi trả tiền hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở TP.Biên Hòa trong đợt dịch bệnh năm 2020 (Ảnh: Bưu điện tỉnh cung cấp) |
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc chăm lo, quan tâm đến nhiều người khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có NLĐ, nhất là những lao động tự do, hiện đang mất việc hoặc giảm thu nhập do dịch bệnh. Nhiều người mong muốn khoản hỗ trợ này cần được giải quyết nhanh chóng và đúng đối tượng...
* Người dân quan tâm, chờ đợi...
Theo Nghị quyết 68, có 12 chính sách và nhóm đối tượng được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 26 ngàn tỷ đồng. Cụ thể như các nhóm đối tượng: NLĐ bị mất việc, hộ kinh doanh, lao động tự do bị ảnh hưởng, trẻ em, người nhiễm SARS-CoV-2, người trong khu vực cách ly... sẽ được hỗ trợ từ 1-3,7 triệu đồng/người. Hiện các địa phương đang gấp rút hoàn thiện danh sách để hỗ trợ sớm đến được với dân.
Nhiều người dân thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách này rất phấn khởi, nhất là những lao động tự do. Anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ, anh làm nghề chạy xe ôm, vợ buôn bán vặt đủ sống qua ngày. Hơn 1 tháng nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đi lại hạn chế nên thu nhập từ nghề xe ôm của anh giảm hẳn. Anh Thanh quay qua phụ vợ bán rau ở chợ tự phát, nhưng rồi chợ cũng bị dẹp. Mất việc, để có tiền trang trải cuộc sống, anh nhận chạy giao hàng cho một shop kinh doanh thực phẩm chưa được bao lâu thì P.Trảng Dài bị phong tỏa, hạn chế đi lại. Anh Thanh cho biết: “Nghe nói trường hợp của gia đình tôi sẽ được Nhà nước hỗ trợ, tôi rất phấn khởi. Cầm cự được ngày nào hay ngày ấy”.
Trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp khiến không ít người dân, nhất là lao động nhập cư mất, giảm thu nhập, hằng ngày phải chật vật chống đỡ với khó khăn. Như trường hợp chị Ngô Kim Nhạn (quê tỉnh Thái Bình, tạm trú P.Long Bình, TP.Biên Hòa) những ngày qua phải nhờ người thân ngoài quê gửi tiền vào để cho chị mượn trả tiền nhà trọ, nuôi con nhỏ. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chị không có việc làm, không có thu nhập.
“Nghe tin trường hợp của mẹ con tôi là đối tượng được hỗ trợ trong đợt này, tôi rất mừng. Chỉ mong có tiền mua sữa cho con, còn mình có gì ăn nấy. Mong dịch qua đi để tìm việc mới” - chị Nhạn nói.
Theo ý kiến của nhiều người dân được thụ hưởng từ gói an sinh xã hội này, số tiền hỗ trợ tuy không nhiều, không đủ để trang trải cho tất cả nhu cầu tối thiểu, nhưng đó là sự động viên, chia sẻ rất lớn về mặt tinh thần đối với những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
* Đề xuất tập trung hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất
Các đối tượng thụ hưởng gói an sinh xã hội 26 ngàn tỷ đồng đợt này ngoài NLĐ bị mất việc, ngừng việc, lao động tự do, hộ kinh doanh phải đóng cửa do dịch bệnh, còn bổ sung đối tượng: NLĐ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; trẻ em đang điều trị SARS-CoV-2, người trong các khu vực cách ly y tế. Đặc biệt nhóm đạo diễn, diễn viên, họa sĩ trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn, hướng dẫn viên du lịch... cũng là đối tượng được nhận hỗ trợ.
Người dân trong khu phong tỏa ở KP3, P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) nhận thực phẩm hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân thiện nguyện |
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách hỗ trợ là kịp thời và nhân văn, không chỉ giúp NLĐ và DN có thêm nguồn lực vật chất, mà quan trọng hơn là sự chia sẻ, tạo động lực để mọi người chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch; tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, phục hồi nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Song, không ít ý kiến đề nghị nên hỗ trợ có chọn lọc hơn. Bởi thời điểm dịch bệnh bùng phát, ai cũng khó khăn, nhưng chắc chắn khó khăn của mỗi người, mỗi gia đình trong cùng nhóm đối tượng là không giống nhau.
Ông Nguyễn Sinh Long (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), một giáo viên về hưu phân tích, cùng là đối tượng NLĐ mất việc được hỗ trợ, nhưng so với NLĐ tại chỗ có nhà cửa, có gia đình thì NLĐ nhập cư ở nhà trọ, chắc chắn đời sống của họ khó khăn hơn rất nhiều. Hay hộ kinh doanh, không phải hộ nào ngừng buôn bán cũng là khó khăn; hoặc trẻ em dù trong khu cách ly nhưng có thể gia đình các em khá giả... thì hỗ trợ là không cần thiết.
Lần này, nhóm đối tượng là đạo diễn, diễn viên, họa sĩ hoạt động biểu diễn, nghệ thuật trong các đơn vị sự nghiệp công lập cũng trong diện được nhận hỗ trợ. Việc này đang gây ra những ý kiến trái chiều. Dịch bệnh khiến nhóm này không có show biểu diễn, nhưng nhiều người cho rằng, phần lớn đời sống kinh tế của các nghệ sĩ, diễn viên, người làm nghệ thuật không quá khó khăn như những đối tượng khác. Để các nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật trong các đơn vị sự nghiệp công lập gắn bó và “trụ” lại với nghề, cần có một chủ trương lớn, chứ không nên đưa vào gói hỗ trợ đợt này, khi còn biết bao gia đình bị ảnh hưởng nặng nề từ sức khỏe, tính mạng đến miếng cơm manh áo hằng ngày.
Do đó một số ý kiến đề nghị cần tập trung vào những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, đó không chỉ công bằng mà còn là nhân văn.
Phương Liễu
Giám đốc Sở LĐ-TBXH NGUYỄN THỊ THU HIỀN:
Sẽ vận động các đối tượng không quá khó khăn tự nguyện không nhận hỗ trợ
Thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, UBND tỉnh đã có Quyết định 2379/QĐ-UBND ngày 12-7-2021 về thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh với riêng đối tượng là lao động tự do. Tổng ngân sách địa phương chi hỗ trợ đợt này là 145 tỷ đồng.
Để các đối tượng sớm nhận được hỗ trợ, các địa phương đang tiến hành lên danh sách các đối tượng, đồng thời vận động người thuộc diện được hỗ trợ nhưng hoàn cảnh không quá khó khăn tự nguyện không nhận hỗ trợ, để dành cho người khó khăn hơn hoặc dành kinh phí cho công tác chống dịch Covid-19 của tỉnh.
Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai ĐỒNG THỊ QUẾ ANH:
Nên lựa chọn những đối tượng thực sự khó khăn để hỗ trợ
Đưa các nghệ sĩ trong các đơn vị sự nghiệp công lập vào diện hỗ trợ là sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ đối với giới nghệ thuật. Không biểu diễn thì các nghệ sĩ, diễn viên không được hưởng phụ cấp tập luyện hoặc bồi dưỡng biểu diễn, nhưng là viên chức nên các nghệ sĩ vẫn có lương tháng, đời sống tạm ổn.
Ngoài ra, trong thời gian nghỉ dịch, nhiều anh em nghệ sĩ tự xoay xở kiếm thêm thu nhập nên chỉ một số ít người khó khăn. Tôi cũng đồng thuận với quan điểm nên lựa chọn những đối tượng thực sự khó khăn để hỗ trợ, chứ không hỗ trợ đại trà, dù họ thuộc nhóm được hỗ trợ theo Nghị quyết 68.
An Nhiên (ghi)