Lớp trưởng Cúc vừa bước tới cửa lớp thì nghe nhóm con trai đang sôi nổi bàn tán chuyện gì đó. Thấy lớp trưởng, cả bọn bỗng im bặt.
Lớp trưởng Cúc vừa bước tới cửa lớp thì nghe nhóm con trai đang sôi nổi bàn tán chuyện gì đó. Thấy lớp trưởng, cả bọn bỗng im bặt. Cúc chỉ kịp nghe hai câu cuối của hai “ông tướng” Sinh và Bảo: “Tụi nó cãi nhau là cơ hội của tụi mình” và “Tụi mình sẽ làm cho trường mình nổi tiếng”. Hai “ông tướng” này vốn là đầu trò của không biết bao nhiêu vụ quậy phá trong lớp, trong trường rồi. Nhóm con trai đang nghe hai đứa này bày trò gì đây?
Minh họa: Phạm Công Hoàng |
- Nè! Mấy trò toan tính chuyện gì đó? Sắp phá lớp phá trường phải không?
- Hì hì... Làm gì có chuyện đó - Bảo vừa nói vừa nhấc cặp kính cận bị trễ xuống sống mũi - Tụi tui đang... là tụi tui đang... bàn chuyện... chuyện học nhóm ấy mà...
- Có thiệt không đó?
Ðến lượt Sinh nhún vai liên tục:
- Lớp trưởng mà không tin thì trò đúng là một “con cút cụt đuôi” rồi...
Cúc bực tức lên giọng:
- Không có kêu tui là “Cút cụt đuôi” nghe chưa! Tui tên là Cúc! Bông Cúc!
- Biết rồi... tui xin lỗi... Tại tui quen miệng chớ bộ!
Ngồi học mà Cúc cứ bị “lo ra” vì nghĩ tới “âm mưu” nào đó của đám con trai. Bàn chuyện học nhóm ư? Ai mà tin được! Vậy thì là chuyện gì mà “tụi nó cãi nhau...”, mà “... làm cho trường mình nổi tiếng”?
Giờ ra chơi, Cúc có dịp tự giải đáp được ý nghĩa cụm từ “Tụi nó cãi nhau”. Thì ra là nhỏ Nhung bị một nhóm nữ cầm đầu là nhỏ Như ngồi kế bên tẩy chay vì không cho nó cóp-pi vào giờ làm bài tại lớp tuần trước.
- Cho tao coi cái đáp số thôi mà cũng không cho! Mày là đồ ích kỷ!
- Vậy nếu hai đáp số không giống nhau thì sao?
- Ờ... thì tao sẽ “tham khảo” bài làm của mày...
Một nhỏ chen vô:
- Nè Như! Mày muốn cóp-pi nó thì nói thẳng ra luôn, việc gì phải vòng vo như vậy. Kiểu nào thì con Nhung cũng là đứa ích kỷ, tụi mình nghỉ chơi nó ra...
Một nhỏ khác:
- Phải trừng trị nó vì tội... không đoàn kết với bạn bè!
- Nè... - Giọng Nhung có vẻ mất bình tĩnh - Tụi bây không được làm bậy đó... Tao mách thầy chủ nhiệm...
- Hu hu... nó mà mách thầy thì tụi mình bị kỷ luật hết ráo, bây ơi! Thương tụi mình quá đi...
Cúc tiến tới can thiệp:
- Tui nghe hết rồi. Các trò không được trả thù trò Nhung vì trò Nhung làm đúng mà! Chuyện này tui đã biết, coi như thầy chủ nhiệm cũng biết. Các trò coi chừng đó...
- Dạ... Tụi em biết rồi chị “cút cụt đuôi”... Ý quên, lớp trưởng Bông Cúc thân yêu quý mến của tụi em...
Ðám trò nữ giải tán. Nhung nói với lớp trưởng:
- Tui cảm ơn lớp trưởng đã can thiệp...
- Trò cứ yên tâm. Tui biết chuyện này rồi thì tụi nó không dám làm gì trò đâu...
*
Bữa cơm, Cúc nghe má kể:
- Mấy bà tập dưỡng sinh buổi sáng với má kể là học sinh trường nọ ở tỉnh B đánh nhau. Mấy đứa con trai xúm lại đánh một đứa rồi quay clip đưa lên mạng. Má coi rồi. Thấy sợ lắm! Tụi nó đánh thằng nhỏ tơi tả như cái mền rách, đổ cả máu mũi luôn... Học sinh thời nay sao lại có những đứa hung hãn như vậy cơ chứ!
- Má chỉ đường link để con tìm vô coi...
- Thôi đi. Mấy cái clip bạo lực học đường đó, con coi làm chi. Rồi lại bị ảnh hưởng việc học... Mà con là lớp trưởng, con phải hết sức lưu ý coi bạn bè trong lớp có những đứa nào xích mích với nhau hay không. Ông bà mình nói “Ngừa bệnh vẫn tốt hơn trị bệnh” con à...
- Dạ! Con sẽ nghe lời má...
Cúc nhớ lại hôm trước có ông luật sư về trường nói chuyện bạo lực học đường đã trả lời một câu hỏi gay go là nếu gặp bạn bè đánh nhau thì có can thiệp không? Ông luật sư đã giải thích cặn kẽ, rằng nên can thiệp, vấn đề là can thiệp bằng cách nào cho hợp lý, hợp hoàn cảnh và có hiệu quả. Cách tốt nhất là báo ngay cho thầy cô hoặc những người lớn ở nơi xảy ra đám đánh nhau để họ can thiệp.
Buổi chiều ở nhà ngồi học bài, có mấy lúc Cúc lo ra. Chẳng lẽ hai “ông tướng” Sinh và Bảo nói “tụi nó cãi nhau” là để chỉ vụ xích mích giữa nhỏ Nhung và nhỏ Như? Và “cơ hội của tụi mình” là chuyện tụi nó sẽ xúi giục nhỏ Như cùng bạn bè “trị tội” nhỏ Nhung? Rồi mấy đứa con trai sẽ quay clip tung lên mạng để “trường mình nổi tiếng”? Có lý lắm chứ! Vậy mình phải “ngừa bệnh” như lời má nói bằng cách nào đây?
*
Cúc trình bày sự việc với thầy chủ nhiệm. Thầy dặn nó khoan hành động gì mà cần theo dõi nhóm Sinh, Bảo cùng nhóm Như xem có động tịnh gì thì báo cho thầy biết, thầy sẽ có cách giải quyết. “Má em nói đúng. Tốt nhất là mình ngăn không để xảy ra tình huống xấu”. Hiềm một nỗi là khi học về, Cúc lại không đi chung đường với Nhung vì nhà hai đứa ở hai phía đường khác nhau. Mà nếu có chuyện đánh nhau thì thế nào cũng xảy ra vào lúc tan trường. Ðường về nhà Nhung lại đi qua một công viên, buổi trưa thường vắng vẻ, đó là nơi tiện nhất cho nhỏ Như sinh sự... Chẳng lẽ mỗi buổi học về, Cúc phải chạy xe đạp theo Nhung cho tới khi nó về đến nhà rồi mới quay lại nhà mình?
Cúc không thể để bạn gặp nguy hiểm. Nó xin má được làm theo suy nghĩ của mình là đi theo bảo vệ Nhung mỗi lần học về. Má nó đồng ý ngay, còn đưa cái điện thoại “cùi bắp” dư của bà cho nó để khi có chuyện thì gọi điện cho thầy chủ nhiệm biết.
Cúc đã thực hiện việc đi theo Nhung để ngầm bảo vệ. Nó đi cách Nhung một đoạn để Nhung không biết mà nhóm Như hay nhóm Sinh, Bảo cũng không để ý. Mấy ngày trôi qua, không có việc gì xảy ra. Như là “đối tượng” cần theo dõi thường đi trước Nhung. Nhóm con trai thì chỉ có Bảo là về đường này, nó cũng đi một mình...
Nhưng đến ngày thứ bảy thì không còn bình thường nữa. Cúc thấy cả nhóm con trai do Sinh, Bảo dẫn đầu cùng đạp xe về hướng nhà Nhung. Lạ là không thấy hai trò Như và Nhung đạp xe phía trước. Ngoái lại đằng sau cũng không thấy hai nhỏ này. Hai “ông tướng” Sinh, Bảo sắp bày trò gì đây? Hay là tụi nó biết Cúc đi theo bảo vệ Nhung nên bày ra “kế” gì độc đáo? Chưa đoán ra tình huống gì nên Cúc quyết định cứ đi theo sau nhóm con trai cái đã...
Kia rồi, nhóm con trai đã rẽ xe vào công viên. Cúc rẽ vào theo. Nhìn phía sau vẫn không thấy Như và Nhung. Cúc dừng xe, lấy điện thoại gọi thầy chủ nhiệm:
- Thầy ơi, chắc là sắp xảy ra chuyện rồi. Thầy tới công viên gấp đi thầy...
Trong lúc chờ thầy chủ nhiệm, Cúc dắt xe đi bộ vào công viên, theo hướng nhóm Sinh, Bảo. Nó chỉ đứng từ xa để theo dõi. Nó đã thấy nhóm con trai dừng lại, để xe đạp sát nhau rồi đi bộ về phía hai đứa con trai đang chuẩn bị đánh nhau thì phải. Cúc nghe tiếng trò Sinh:
- Ðợi tao chuẩn bị máy ảnh đã. Tao dám bảo đảm đây sẽ là clip quay đẹp nhất thế giới...
Không phải đám đánh nhau giữa Như và Nhung. Hú hồn hú vía! Nhưng Cúc báo tin cho thầy chủ nhiệm đến cũng vẫn đúng. Hai đứa đánh nhau chắc chắn là học sinh trong trường, thầy hoàn toàn có quyền can thiệp. Lại nữa, cổ vũ, quay clip lại là nhóm Sinh, Bảo là học trò của thầy...
Hai đứa đã xông vào nhau đấm đá sau một lúc cung tay vờn nhau như hai võ sĩ bắt đầu lên sàn đấu... Ðám đông hò reo:
- Hay lắm! Ðánh nhau đi...
- Hạ nốc ao nó đi...
Vừa lúc ấy thầy chủ nhiệm lớp Cúc chạy xe máy tới. Thầy có vẻ ngạc nhiên một chút khi thấy hai đứa đánh nhau không phải là hai trò nữ của lớp mình. Dù sao thầy cũng đã nhận ra đám thằng Sinh, Bảo nên thầy vừa bước vội tới, vừa la lớn:
- Hai em kia dừng tay lại!
Nhóm Sinh, Bảo thấy thầy chủ nhiệm thì hoảng hốt lấy xe thót lên đạp vội ra khỏi công viên như bị ma đuổi. Hai trò đánh nhau thì bị thầy “tóm cổ” tại trận. Thầy chủ nhiệm vốn to con, nghe nói còn có võ, mỗi tay thầy tóm một trò gọn bâng, khỏi giãy giụa! Thầy hỏi:
- Hai trò là học sinh lớp nào? Nói ngay!
*
Sáng thứ hai đầu tuần đi học, Cúc chưa kịp hỏi chuyện ai thì nhỏ Như đã tới bên nó trách:
- Lúc tan học trưa thứ bảy, lớp trưởng có việc gì mà về trước, tui với trò Nhung đi kiếm quanh trong trường không thấy, ra ngoài cổng cũng không thấy...
- Nhưng... hai trò kiếm tui có việc gì?
Nhung đáp:
- Trò Như xin lỗi tui rồi rủ tui và lớp trưởng đi ăn chè...
- Mà lớp trưởng biết gì chưa? - Như tiếp - Mấy ông tướng lớp mình đi coi hai trò lớp trên đánh nhau ở công viên, còn bày đặt quay clip, bị thầy chủ nhiệm lớp mình bắt gặp tại trận luôn. Thế nào buổi học sáng nay mấy “ổng” cũng bị gọi lên phòng hiệu trưởng...
Cúc đã hiểu ra. Nó thoáng ân hận vì đã nghĩ xấu về Như. Bạn gái lớp nó cũng biết phục thiện chớ đâu phải là đứa ham đánh nhau...
“Trưa thứ bảy tuần này, mình sẽ rủ hai trò Nhung, Như đi ăn chè vậy!”..
Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải