"Mỗi ngày rau xanh lại nhích giá, cỡ 500-1.000 đồng/kg. Chúng tôi thà bán rẻ mà được nhiều còn hơn bán giá đắt mà ế" - tiểu thương Lê Thị Tuyết, quầy rau xanh số 29, chợ Biên Hòa chia sẻ.
“Mỗi ngày rau xanh lại nhích giá, cỡ 500-1.000 đồng/kg. Chúng tôi thà bán rẻ mà được nhiều còn hơn bán giá đắt mà ế” - tiểu thương Lê Thị Tuyết, quầy rau xanh số 29, chợ Biên Hòa chia sẻ.
Khách hàng mua thịt tại chợ Biên Hòa. Ảnh: B.Mai |
Không chỉ rau xanh, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như: thịt, cá; đồ dùng hằng ngày: gas, dầu ăn, gia vị cũng ghi nhận tăng giá từ đầu tháng 5 vừa qua. Sự biến động về giá của các mặt hàng thiết yếu đang tác động trực tiếp đến chi tiêu của nhiều gia đình, nhất là những gia đình có thu nhập thấp, công nhân lao động.
* Nhiều mặt hàng tăng giá
Tiểu thương Lê Thị Tuyết cho rằng, khoảng 2 tuần nay giá rau xanh liên tục biến động theo chiều tăng, trung bình tăng 500-1.000 đồng/kg/ngày. Nguyên nhân theo bà Tuyết, thời tiết mưa nắng thất thường khiến lượng rau hư hỏng nhiều, chi phí vận chuyển tăng, trong khi sức mua giảm. Ghi nhận sáng 8-6, tại quầy rau xanh của bà Tuyết, một số loại rau có mức giá khá cao là: xà lách cuộn 40 ngàn đồng/kg; rau thơm các loại 40 ngàn đồng/kg; cải ngọt, cải xanh 25 ngàn đồng/kg; bông cải xanh 55 ngàn đồng/kg; bầu, bí, mướp 20-25 ngàn đồng/kg.
Cũng tại chợ Biên Hòa, chủ quầy thịt heo số 17 cho biết, thời gian gần đây giá heo hơi liên tục tăng, giá thịt heo lấy từ các lò mổ cũng tăng nên tiểu thương phải tăng giá, nhưng mức tăng không đáng kể, khoảng 5-10 ngàn đồng/kg so với đầu tháng 5.
Nhiều hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có chỉ số giá tăng Theo Cục Thống kê Đồng Nai, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5-2021 trên địa bàn tỉnh tăng 0,14% so với tháng trước. Trong đó, có 6 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có chỉ số giá tăng so với tháng trước gồm: nhóm may mặc, nón, giày dép (tăng 0,09%); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 0,34%); nhóm thiết bị đồ dùng và gia đình (tăng 0,14%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,03%); nhóm giáo dục (tăng 0,03%) và nhóm giao thông (tăng 0,74%). |
Cụ thể, thịt đùi hiện có giá 120 ngàn đồng/kg, ba rọi 150 ngàn đồng/kg, sườn non 170 ngàn đồng/kg, giò chả 170 ngàn đồng/kg. “Dịch Covid-19 người tiêu dùng đi chợ ít hơn, sức mua giảm khoảng 30%. Chúng tôi không bán tăng giá nhiều vì như vậy vừa không bán được hàng, vừa mất khách” - chủ quầy thịt heo số 17 chia sẻ.
Phó trưởng ban quản lý chợ Biên Hòa Nguyễn Văn Cương cho biết, 2 ngày cuối tuần trước (ngày 4 và 5-6), giá cả các mặt hàng rau xanh, thịt, hải sản tại chợ Biên Hòa ghi nhận tăng đột biến. Từ ngày 8-6, giá các mặt hàng đã dần ổn định lại. Theo ông Cương, nếu so với đầu tháng 5, hầu hết các mặt hàng đều ghi nhận tăng giá. Không phải do nguồn cung thiếu, tiểu thương tự động nâng giá mà dịch bệnh Covid-19 nhiều phương tiện vận tải tạm ngừng hoạt động. Thời tiết mưa nắng bất thường cũng tác động nhiều đến giá các mặt hàng rau xanh, thủy hải sản. “Mỗi khu vực chúng tôi đều có bảng thông báo giá. Giá các mặt hàng được cập nhật hằng ngày để người tiêu dùng, tiểu thương được biết. Không có chuyện tự động nâng giá” - ông Cương cho hay.
Tại các cửa hàng tạp hóa, bán lẻ, nhiều mặt hàng thiết yếu như: dầu ăn, gia vị các loại, đồ gia dụng cũng ghi nhận tăng giá từ 5% đến hơn 10%. Bà Nguyễn Thị Lan, chủ tiệm tạp hóa Lan Quân, P.Tam Phước chia sẻ, từ tháng 4 đến nay, các nhà sản xuất: bánh kẹo, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, sữa đồng loạt thông báo tăng giá, mức tăng từ 2% trở lên. Ví dụ, thùng sữa 12 lốc tăng từ 290 ngàn đồng lên 305 ngàn đồng, can dầu ăn loại 5 lít tăng từ 180 ngàn đồng lên 190 ngàn đồng, một số loại bột giặt tăng giá khoảng 5%. Theo bà Lan, nguồn hàng không thiếu nhưng chi phí sản xuất và vận chuyển tăng nên giá tăng.
Ghi nhận sáng 8-6 tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh, nhiều loại rau ăn lá có giá trên 25 ngàn đồng/kg. Một số loại có giá hơn 50 ngàn đồng/kg là: bông cải xanh, xà lách cuộn, rau ngót. Phía cửa hàng cho biết, 2 ngày cuối tuần sẽ có chương trình giảm giá. Theo đó, rau xanh giảm 20-30%, các loại trái cây giảm khoảng 30%, một số loại phẩm và đồ gia dụng cũng có giá khuyến mại.
* “Thắt” chi tiêu
Sự biến động về giá của các mặt hàng thiết yếu có nhiều nguyên nhân. Đó là thời tiết không thuận lợi cho đánh bắt thủy hải sản và chăm sóc rau xanh; giá heo hơi ở cả 3 miền biến động hằng ngày; nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, chi phí sản xuất và vận chuyển tăng đã tác động đến giá thành và giá bán. Sự biến động về giá đang tác động trực tiếp đến tâm lý, chi tiêu của nhiều gia đình, nhất là những gia đình có thu nhập thấp, công nhân lao động.
Khách hàng chọn sản phẩm tại một cửa hàng tiện lợi |
Chị Lương Thị Hoài, nhân viên văn phòng thuê nhà tại chung cư A1 (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) chia sẻ, lúc trước, để nấu một nồi canh, chị thường mua 8-10 ngàn đồng tiền rau ở cửa hàng tiện lợi trong tòa nhà. Nay cũng nồi canh ấy, cũng tại cửa hàng đó nhưng chị phải bỏ ra gấp đôi, thậm chí hơn. “Nhà tôi có 2 con nhỏ. Chỉ tính riêng tiền sữa đã hơn 1 triệu đồng. Một số khoản cố định khác là tiền thuê nhà, điện, nước, internet cũng ngốn hết hơn 3 triệu đồng nữa nên mọi chi tiêu phải tính toán rất kỹ nếu không sẽ thiếu trước hụt sau” - chị Hoài cho hay.
Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ Biên Hòa |
Trước đây, bà Nguyệt (P.Hòa Bình) có thói quen đi chợ Biên Hòa mỗi sáng để mua rau và thực phẩm. Vài tuần trở lại đây, 3-4 ngày bà mới đi chợ và chỉ mua những thứ cần thiết. Theo bà Nguyệt, việc giảm số lần đi chợ vừa tiết kiệm tiền vừa góp phần phòng, chống dịch bệnh. Chia sẻ về câu chuyện giá cả thị trường, bà Nguyệt cho rằng, từ mớ rau, con cá, cho đến những mặt hàng vốn khá bình ổn như: gói muối, bọc đường chai dầu ăn đều tăng trong khi thu nhập không tăng. Do đó, để thích ứng với điều kiện hiện tại, bà Nguyệt buộc phải thắt chặt các khoản chi tiêu bằng cách giảm số lần ăn thịt trong tuần và chuyển sang ăn cá, tự nấu bữa ăn sáng cho cả gia đình, hạn chế ăn trái cây, không mua những món đồ gia dụng chưa thật cần.
Lo ngại tình trạng “bão giá” các loại mặt hàng, đặc biệt là rau xanh, chị Lê Kim Hương, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 chuyển sang đi chợ đầu mối Tân Biên. “Tôi thấy mua rau ở chợ đầu mối rẻ hơn được một nửa so với mua chợ, các sạp bán lẻ. Tôi thường đi chợ vào chủ nhật, mua thức ăn cho cả tuần. Mỗi tháng tiết kiệm được vài trăm ngàn đồng chứ không ít” - chị Hương cho hay.
Nhiều người cho rằng, đây là giai đoạn “tác động kép” đối với chi tiêu của các gia đình. Bởi không chỉ giá cả các mặt hàng tiêu dùng đồng loạt tăng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc làm và thu nhập của nhiều người bị giảm. Để thích ứng với điều kiện hiện tại, đa phần các bà nội trợ chọn cách giảm chi tiêu, giảm mua sắm. Thay đổi thói quen đi chợ, đi siêu thị mỗi ngày.
Ban Mai