Cách Tokyo 132km có con đường lớn lên núi Phú Sĩ (Fuji). Đây là một núi lửa còn hoạt động và là ngọn núi cao nhất của Nhật Bản với độ cao 3.776m. Trên đỉnh Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ, tạo nên một vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ.
Cách Tokyo 132km có con đường lớn lên núi Phú Sĩ (Fuji). Đây là một núi lửa còn hoạt động và là ngọn núi cao nhất của Nhật Bản với độ cao 3.776m. Trên đỉnh Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ, tạo nên một vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ.
Đoàn du khách chụp hình trên núi Phú Sĩ tại trạm số 5, cao 2.305m so với mực nước biển |
Với người dân Nhật, núi Phú Sĩ trở thành “ngọn núi thiêng”, “ngọn núi thần” che chở cho nước Nhật, đem đến sự tốt lành, may mắn, may mắn nhất là những người nằm mơ thấy núi Phú Sĩ vào đêm mùng 1 Tết.
Việc leo lên ngọn núi được coi là công việc thiêng liêng, vì vậy với người Nhật ai cũng cố gắng làm được làm một lần trong đời. Những người leo núi thường bắt đầu cuộc hành trình từ buổi chiều, xuyên qua đêm để rồi sáng hôm sau được ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc ở trên núi.
Ngọn núi này thường là đề tài trong các bức họa, nhiếp ảnh nghệ thuật cũng như trong văn chương và âm nhạc. Đây là một trong “Ba núi Thánh” của Nhật Bản, cùng với núi Tate và núi Haku, là danh lam thắng cảnh đặc biệt, di tích đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Với du khách lớn tuổi như chúng tôi, việc ngồi xe lên được núi Phú Sĩ, được chụp những tấm hình lưu niệm ở nơi này, quả là điều vượt quá sự mong ước trong đời thường. |
Người Nhật xưa quan niệm rằng: Khi núi phun lửa là thần linh đang nổi giận không có ai dám đến gần. Tuy vậy, trước thời đại Meiji, có một thiền sư (khuyết danh) chủ trương nhập thế đi tìm khó khăn gian khổ trong cuộc đời. Ông nghĩ rằng: nếu không tìm đến gian khổ thì sao biết căn nguyên. Thiền sư cùng đoàn tu sĩ của mình đi tìm căn nguyên của núi lửa, điểm xuất phát từ chân núi Phú Sĩ để leo đến đỉnh núi mất 10 ngày. Sau mỗi ngày dừng chân để nghỉ đêm, người ta đánh dấu thành một chặng, cứ như vậy các chặng dừng chân được hình thành. Trong đó, chặng thứ 5 là điểm dừng chân ngày thứ 5 của thiền sư trên độ cao 2.305m.
Với khách du lịch, vào những ngày đẹp trời, không giá lạnh, không có tuyết rơi nhiều, ô tô sẽ đưa khách lên trạm số 5 chụp hình và khám phá những điều lý thú trên núi Phú Sĩ.
Hướng dẫn viên người Nhật nói với chúng tôi: ai có duyên mới lên được đến trạm số 5, được chụp hình cùng núi Phú Sĩ. Và người rất có duyên mới ngắm được hoa anh đào nở trên núi, bởi lẽ con đường lên núi Phú Sĩ phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Không biết đoàn của chúng tôi có duyên đến mức nào, nhưng những ngày ở Nhật Bản, thời tiết thật lý tưởng, nhiệt độ trong ngày chỉ từ 10-250C, bầu trời quang đãng không có mưa lạnh, xe chạy trên đường cao tốc cách núi Phú Sĩ vài chục cây số đã nhìn thấy ngọn Phú Sĩ sừng sững giữa trời xanh như một bức tranh đẹp trước mắt mọi người.
Đến chân núi Phú Sĩ, xe bắt đầu theo con đường quanh co lên núi. Hai bên đường là những cánh rừng bao quanh vách núi giống như con đường lên Đà Lạt ở Việt Nam, nhưng đường lên Phú Sĩ xe chạy rất êm và không có những đoạn cua gấp, không nhìn thấy vực thẳm, khách ngồi trên xe rất tự tin vì lái xe quá thành thục, nhuần nhuyễn với con đường này.
Tác giả chụp ảnh lưu niệm trên núi Phú Sĩ |
Xe ngang qua một cánh rừng rậm dưới chân núi Phú Sĩ, hoang vắng không có một bóng người. Cánh rừng này có tên gọi là Aokigahara, trong rừng có những hang động đóng băng quanh năm...
Nhờ thời tiết đẹp, chúng tôi được ô tô đưa thẳng đến trạm dừng chân số 5. Từ trạm dừng chân này lên đỉnh núi cần vượt thêm cao độ 1.550m nữa bằng cách đi bộ nếu bạn cảm thấy có đủ thời gian, sức khỏe, tự tin đi trên băng tuyết.
Cảnh quan trên trạm dừng chân số 5 núi Phú Sĩ được thiết kế chỉn chu, có nhà hàng, khách sạn và những cửa hàng bán đồ lưu niệm… Sau khi giao hẹn thời gian và địa điểm tập trung trước khi xuống núi, chúng tôi từng nhóm tỏa ra nhiều hướng cố gắng chọn cho mình những góc máy ăn ý nhất và tranh thủ chụp hình. Thật tuyệt vời, thật vô giá, thật đẹp với những bức ảnh ghi được từ trên núi Phú Sĩ...
Hoàng Đình Nguyễn