Với bề dày hơn 320 năm hình thành và phát triển, Biên Hòa là vùng đất vẫn còn giữ được những nét xưa của mình từ thời khai hoang mở cõi. Những nếp nhà xưa, những đình, chùa vẫn đều đặn tổ chức lễ hội truyền thống hằng năm. Và một điều khá đặc biệt khiến khách thập phương thú vị khi đến Biên Hòa là được thưởng thức những món ăn có từ thời xa xưa được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Với bề dày hơn 320 năm hình thành và phát triển, Biên Hòa là vùng đất vẫn còn giữ được những nét xưa của mình từ thời khai hoang mở cõi. Những nếp nhà xưa, những đình, chùa vẫn đều đặn tổ chức lễ hội truyền thống hằng năm. Và một điều khá đặc biệt khiến khách thập phương thú vị khi đến Biên Hòa là được thưởng thức những món ăn có từ thời xa xưa được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Quán phở Tạo Thành đã qua 3 đời phát triển tại P.Bình Đa. Ảnh: Thủy Mộc |
Biên Hòa nổi danh với những làng nghề truyền thống như: nghề làm bánh tét (P.Hiệp Hòa), nghề làm bánh gai (P.Tân Mai, Hố Nai), rượu Bến Gỗ (P.An Hòa)… và các quán ăn lâu năm mang đậm hương vị miền Nam.
* Hoài niệm món xưa
Phở là một trong những món ăn có mặt ở hầu hết các nơi trên đất nước Việt Nam. Đối với người dân Việt Nam, phở được xem là món ăn quốc dân, đặc sản ẩm thực của Việt Nam trên thế giới. Món phở ở vùng miền nào sẽ mang phong vị riêng của vùng miền đó.
Và ít ai biết rằng, tại TP.Biên Hòa có một quán đã trở thành hoài niệm của nhiều thế hệ với cái tên quán phở Tạo Thành. Quán phở Tạo Thành nằm trên đường Trần Quốc Toản (P.Bình Đa) có từ những năm 1960 do ông Hoàng Đình Tạo gầy dựng nên. Bà Hoàng Thị Nương, con gái của ông Hoàng Đình Tạo, người nối nghiệp quán phở Tạo Thành hiện tại cho biết, từ những năm 1955, cha của bà từ Sài Gòn về đất Biên Hòa làm nghề bán phở bằng gánh hàng rong, sau vài năm, cha của bà dành dụm được vốn và mở quán phở lấy tên là Tạo Thành với ý nghĩa quán do ông Tạo tự tay tạo thành.
Trước năm 1975, quán phở Tạo Thành nằm ngay bến xe lam ở ngã ba Tam Hiệp, do đó, ngày nay quán không chỉ đơn thuần là quán ăn lâu năm tại Biên Hòa mà nó còn là kỷ niệm thời trẻ, tuổi thơ của rất nhiều người, nhất là những người đã xa xứ. Bà Nương chia sẻ, những năm trước, quán phở thi thoảng lại đón những thực khách lớn tuổi từ nước ngoài về ghé tiệm ăn sáng và kể chuyện về thời xa xưa đã từng ăn phở Tạo Thành.
Giờ đây, thế hệ xưa đã lớn tuổi, thi thoảng quán Tạo Thành lại đón tiếp vài người trẻ là thế hệ con cháu mỗi lần có dịp về thăm quê đều tìm đến quán để thưởng thức vị quê và chụp hình gửi về cho ông bà, cha mẹ già yếu đang sinh sống tại nước ngoài.
Bà Nương chia sẻ: “Tôi năm nay đã 70 tuổi, quán phở này sẽ tiếp tục được duy trì bởi người cháu. Cháu tôi trước đây làm giáo viên nhưng vì muốn giữ nghề ông bà để lại nên đã quyết định tiếp nối quán phở do ông bà để lại, bởi quán đã gắn đó quá nhiều kỷ niệm không chỉ của gia đình mà còn của nhiều thế hệ từ hàng chục năm nay”.
Bánh tét Cù lao Phố với hương vị đặc trưng của nếp miền Nam. Ảnh: Thủy Mộc |
Đến Biên Hòa, rất nhiều người được nghe và tìm mua bánh tét, bánh ú được làm từ chính đôi tay của những nghệ nhân làm bánh tại P.Hiệp Hòa (còn được gọi là Cù lao Phố). Cù lao Phố được rất nhiều người biết đến với những món ăn dân dã như chính những con người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Hiện nay, khu vực P.Hiệp Hòa có khoảng 10 hộ làm bánh có thâm niên từ hàng chục năm. Mỗi dịp Tết đến, những cơ sở làm bánh lại rộn ràng thợ gói và khách ra vào đặt bánh.
Bà Trần Cúc Lang có hơn 30 năm theo nghề làm bánh được nối truyền từ thế hệ cha mẹ. Bà Lang cho biết, hiện nay cơ sở làm bánh của bà mỗi ngày cần khoảng 50kg gạo nếp để gói các loại bánh tét, bánh ú vừa bán lẻ vừa giao cho các mối sỉ. Vào mỗi buổi chiều, quầy bánh nhỏ của bà Lang nằm ngay trên đường Hà Huy Giáp (P.Quyết Thắng) từ gần 20 năm nay đã trở thành điểm đến của người dân thành phố sau giờ tan ca. Hầu hết những người mua bánh đã quen vị nên không cần hỏi từng món hay giá bán.
* Những món ngon khó quên
Nói về những món ngon Biên Hòa, rất nhiều người còn biết đến các món ăn nổi tiếng như: gỏi cá Tân Mai, lẩu tôm Năm Ri, các quán ăn bình dân len lỏi trong các khu dân cư có bề dày hàng chục năm nay.
Với lợi thế có dòng sông Đồng Nai giữa lòng thành phố, người dân Biên Hòa tận dụng môi trường thiên nhiên hình thành một khu vực nuôi cá bè trên sông. Nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có, người dân khu vực làng cá bè đã tạo ra món ăn đặc sản từ cá, trong đó món gỏi cá Tân Mai được nhiều người biết đến với vị ngon đậm đà rất riêng.
Gỏi cá Tân Mai được làm từ cá diêu hồng, cá chép hoặc cá tai tượng. Nguyên liệu từ cá diêu hồng được các đầu bếp sử dụng phổ biến nhất cho món gỏi cá vì đây là loài nhiều thịt. Cá tươi sau khi làm sạch được các đầu bếp lấy xương và xắt thành từng miếng cá mỏng, vừa ăn và trộn chung với gia vị.
Món gỏi cá Tân Mai khi ăn không thể thiếu nước sốt để chấm được làm từ thịt, gan và mỡ của con cá đun sôi chung với hành, sả, riềng, hạt mè rang. Hương vị của món nước sốt chính là yếu tố để khẳng định món gỏi cá đó có ngon hay không.
Cùng với nước sốt, rau rừng để ăn kèm gỏi cá với nhiều loại như đinh lăng, lá lốt, lá mơ, lá sung đến húng quế, ngò gai, tía tô, diếp cá…
Lẩu tôm Năm Ri nổi tiếng nhiều năm tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Thủy Mộc |
Là người mới đến sinh sống tại P.Tân Mai được hơn 10 năm, anh Trần Hoàng cho biết, trước kia anh rất ngại ăn món cá sống. Tuy nhiên, sau lần đầu tiên được ăn thử, anh Hoàng đã không còn e ngại khi dùng cá sống. Mỗi khi có bạn bè, người thân tới chơi, anh Hoàng thường đãi khách bằng món cá sống đặc sắc này, ai ăn cũng khen ngon bởi hương vị đậm đà và độc đáo.
Đến Biên Hòa, nếu có chút thời gian để lang thang trong các con hẻm tại các khu dân cư của người dân địa phương ở các phường như: Hiệp Hòa, Tân Vạn, Bửu Hòa, Tân Mai… khách phương xa sẽ bắt gặp những quán ăn nho nhỏ lâu năm với hương vị của miền đất Nam bộ.
Ngày nay, trước nhu cầu hội nhập và phát triển, TP.Biên Hòa không chỉ còn giữ được những món ăn bình dân truyền thống mà còn là nơi hội tụ rất nhiều phong cách ẩm thực từ các nước trên thế giới như: ẩm thực Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước châu Âu… Do đó, việc lưu giữ những giá trị ẩm thực địa phương là vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Bởi trong quá trình hội nhập, cơ hội giao lưu giữa các nước được đẩy mạnh, du lịch có điều kiện phát triển thì ẩm thực sẽ là một tiềm năng cần được quan tâm đầu tư và phát huy tác dụng một cách hiệu quả nhất qua việc quảng bá hình ảnh, sự phong phú, đặc sắc về ẩm thực cũng văn hóa của người dân địa phương. |
Thủy Mộc