BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhấn mạnh, tất cả người lao động đang làm việc trong khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhất là những người thường xuyên đi - về giữa Đồng Nai và TP.HCM cần hết sức lưu ý, cẩn trọng, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch...
Thông tin về ca F1 là người lao động ngụ tại TP.HCM, làm việc tại một công ty trong Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) có nguy cơ nhiễm Covid-19 rất cao khiến nhiều người lao động trong tỉnh lo lắng.
BS CKII Bạch Thái Bình đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.Biên Hòa và các doanh nghiệp, khu công nghiệp khi xuất hiện ca F1 nguy cơ cao. Ảnh: H.DUNG |
BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhấn mạnh, tất cả người lao động đang làm việc trong khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhất là những người thường xuyên đi - về giữa Đồng Nai và TP.HCM cần hết sức lưu ý, cẩn trọng, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho chính bản thân, những người xung quanh và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Liên tiếp ghi nhận ca Covid-19 là người ở TP.HCM đến Đồng Nai làm việc
* Thưa bác sĩ, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh ghi nhận bao nhiêu trường hợp người lao động ngụ ở TP.HCM nhưng làm việc ở Đồng Nai bị nhiễm Covid-19?
- Tính đến thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đã lan ra hầu hết các quận, huyện của TP.HCM. Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 mới tập trung chủ yếu trong các khu vực phong tỏa, những đối tượng nguy cơ cao đã được cách ly tập trung nhưng vẫn còn nhiều ca nhiễm mới nằm rải rác ở các phường, xã, nhà máy, chung cư.
Như vậy có nghĩa là TP.HCM vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn những ca nhiễm Covid-19 mới. Vì thế mà những người lao động đến/về Đồng Nai từ TP.HCM có thể đã là F1, thậm chí là F0. Cụ thể, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở TP.HCM đến nay, đã có 6 trường hợp F0 là người ngụ tại TP.HCM đến Đồng Nai để làm việc hoặc thăm viếng, ghé các điểm trên đường đi tại Đồng Nai. Ngoài ra, có khá nhiều trường hợp F1, F2 khác đã đến/về Đồng Nai từ TP.HCM.
* Với những trường hợp F0 của TP.HCM làm việc tại Đồng Nai, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai các biện pháp gì để ngăn chặn dịch bệnh lây lan?
- Ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM về các trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 đang làm việc tại Đồng Nai, các ngành chức năng của tỉnh, đặc biệt là các địa phương nơi ca nhiễm Covid-19 làm việc đã khẩn trương bắt tay ngay vào công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng, đưa những người tiếp xúc gần với các ca Covid-19 đi cách ly tập trung; tuyên truyền, khuyến cáo những trường hợp F2 và những người có liên quan cách ly tại nhà, nơi lưu trú, tự theo dõi sức khỏe; phun thuốc khử trùng nơi làm việc của các ca nhiễm bệnh; tạm thời đóng cửa, ngưng hoạt động và kiểm soát chặt việc ra - vào cơ sở làm việc của ca bệnh Covid-19; lấy mẫu xét nghiệm những người có liên quan; thông tin rộng rãi để toàn thể người dân được biết, khai báo y tế và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Tất cả các biện pháp phòng dịch được triển khai thần tốc trên tinh thần chạy đua với thời gian, nhằm hạn chế mức thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động của các doanh nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai |
Kết quả đến nay, tất cả F1, F2 tiếp xúc gần của ca F0 làm việc ở sân golf Long Thành và trường hợp ở H.Định Quán đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 và lần 2 với SARS-CoV-2. Mặc dù thế, các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng “trực chiến”, không để bỏ sót bất kỳ trường hợp nào liên quan.
Tự giác chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch
* Tỉnh Đồng Nai có mức độ giao thương rất lớn với TP.HCM. Việc lãnh đạo tỉnh mới đây ra các văn bản liên quan đến việc quản lý chuyên gia, người lao động ở TP.HCM làm việc ở Đồng Nai có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Đồng Nai là tỉnh có mối quan hệ mật thiết, gắn kết với TP.HCM không chỉ về vấn đề kinh tế - xã hội mà còn nhiều lĩnh vực khác. Mục đích của việc UBND tỉnh ra các văn bản về phòng, chống dịch mới đây nhằm kiểm soát người đến/về từ TP.HCM để hạn chế mức thấp nhất dịch bệnh có thể lây lan từ TP.HCM đến Đồng Nai.
Từ những văn bản đó để những người dân không có công việc đến mức thực sự cấp bách, cần thiết như mua sắm hay thăm viếng… sẽ tự giác không di chuyển từ TP.HCM đến Đồng Nai trong thời điểm này. Những ai đã đến/về từ TP.HCM thì phải thực hiện cách ly theo quy định.
Đối với chuyên gia, người lao động có nhà/nơi lưu trú ở một nơi và làm việc ở một nơi sẽ lựa chọn giải pháp tối ưu nhất là ở lại Đồng Nai trong thời gian dịch bệnh đang “nóng” để làm việc, chờ dịch bệnh lắng xuống rồi tiếp tục đi - về giữa TP.HCM và Đồng Nai. Đây cũng là mô hình đang được thực hiện tại tỉnh Bắc Giang để ngăn chặn dịch bệnh có thể lây lan từ vùng đang có dịch sang vùng chưa có dịch.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp không bố trí được nhà ở, nơi lưu trú cho người lao động ở lại tại Đồng Nai thì bố trí xe đưa đón đi - về giữa Đồng Nai và TP.HCM nhưng phải có phương án cụ thể trình với chính quyền địa phương để chính quyền địa phương kiểm soát tình hình.
Nhóm chuyên gia, người lao động tự đi xe cá nhân thì yêu cầu thực hiện quy định 5K, khai báo y tế, xét nghiệm…
* Bác sĩ đánh giá thế nào về tầm quan trọng của khai báo y tế trung thực trong thời điểm này đối với những lao động ở TP.HCM làm việc tại Đồng Nai?
- Đây là vấn đề rất quan trọng trong thời điểm này. Chuyên gia, người lao động nếu đến/đi từ vùng đang có dịch, có liên quan đến các ca nhiễm Covid-19 cần phải khai báo y tế trung thực tại các chốt kiểm dịch để cách ly y tế theo đúng quy định. Nếu chẳng may có trường hợp F0 “lọt sổ” mà không khai báo y tế trung thực, thì nguy cơ lây lan dịch bệnh trong doanh nghiệp, khu công nghiệp rất lớn. Khi đó, việc dập dịch sẽ rất khó khăn.
* Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều lời rao bán các bộ kit test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2. Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với người dân, doanh nghiệp khi mua và sử dụng các bộ test này?
- Hiện nay, Bộ Y tế đã cho phép các doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện việc test nhanh kháng nguyên cho người lao động trong doanh nghiệp. Điều đó không có nghĩa là các đơn vị, doanh nghiệp được tự ra ngoài thị trường mua các bộ kit test nhanh để về tự làm xét nghiệm. Việc thực hiện xét nghiệm dù là test nhanh phải được lực lượng y tế huấn luyện, giám sát. Bộ Y tế đã thông báo các loại test nhanh của những hãng đã được Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế cấp phép. Do đó, doanh nghiệp, đơn vị và các cơ sở y tế phải mua đúng các loại test nhanh trong danh mục mà Bộ Y tế cho phép.
Quá trình thực hiện test nhanh, đơn vị, doanh nghiệp phải có sự tư vấn, hướng dẫn của cơ quan y tế, từ việc lấy mẫu bệnh phẩm làm sao cho đúng, cho đạt yêu cầu đến khi xử lý các rác thải liên quan đảm bảo không để lây nhiễm ra môi trường bên ngoài.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Với trách nhiệm là người tham mưu công tác tổ chức phòng, chống dịch Covid-19 cho lãnh đạo Sở Y tế; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cho các đơn vị tuyến dưới thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 xuất hiện từ trước đến nay, BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh mong muốn tất cả người dân trong tỉnh sẽ cùng tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Qua đó có thể nhanh chóng khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, trả cuộc sống bình thường cho tất cả mọi người như khi chưa có dịch bệnh Covid-19. |
Hạnh Dung (thực hiện)