Gỗ là một trong những ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với thủ phủ sản xuất gỗ là Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Dù có giá trị sản xuất lớn song trên thực tế, so với các DN ngoại thì các công ty sản xuất nội địa bất lợi về trang bị công nghệ, nhân lực cho sản xuất. Muốn cạnh tranh và xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường cần phải đầu tư mạnh vào công nghệ, chuẩn hóa quy trình, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Ông Lê Phước Vân |
Gỗ là một trong những ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với thủ phủ sản xuất gỗ là Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Dù có giá trị sản xuất lớn song trên thực tế, so với các DN ngoại thì các công ty sản xuất nội địa bất lợi về trang bị công nghệ, nhân lực cho sản xuất. Muốn cạnh tranh và xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường cần phải đầu tư mạnh vào công nghệ, chuẩn hóa quy trình, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn quản trị sản xuất cho các DN gỗ với hơn 170 đối tác, ông Lê Phước Vân, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn quản lý Hạnh Gia, Chủ nhiệm CLB Sản xuất tinh gọn ngành Gỗ Bình Dương đã có những chia sẻ về vấn đề này.
* Tiềm năng lớn nhưng cần thay đổi công nghệ sản xuất
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của ngành sản xuất Gỗ hiện nay?
- Gỗ là ngành sản xuất lớn, được Chính phủ thúc đẩy phát triển. Đặc biệt, năm vừa qua ngành Gỗ trải qua nhiều biến động, đặc biệt diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn tăng trưởng rất mạnh cả về sản lượng và doanh thu. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt gần 12,4 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2019. Dự tính năm 2021, ngành Gỗ tiếp tục đạt mức tăng trưởng 15% so với năm 2020.
Tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu tốt nên các xưởng sản xuất, nhà máy mới ra đời, nhiều nhà máy tổ chức lại sản xuất và cải tiến dây chuyền công nghệ. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam. Trong bối cảnh ngành Gỗ đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, việc đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại và tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực cao là rất quan trọng.
Như ông vừa nói, ngành Gỗ đang đứng trước nhiều cơ hội song cũng lắm thách thức, một trong số đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh như vậy, DN cần giải pháp gì để tăng năng suất lao động?
- Sản xuất trong ngành Gỗ hiện nay rất khác nhau ở các DN, qua khảo sát có những DN đạt năng suất 30-50 USD/công lao động nhưng cũng có đơn vị đạt 70 USD, thậm chí nhiều hơn. Điều này cho thấy chưa có sự đồng đều từ các DN, việc đầu tư để nâng cao năng suất là không giống nhau.
Muốn tăng năng suất, các DN cần phải trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên là đầu tư vào thiết bị, dùng ngoại lực để gia tăng năng suất, thứ hai là quy chuẩn hóa sản xuất, chuẩn hóa các nguồn lực và cuối cùng mới tới đổi mới sáng tạo. Hiện nay, hầu hết các DN thường tập trung vào phần thiết bị công nghệ mà chưa chú trọng đúng mức các yếu tố còn lại. Nghĩa là DN đã quá chú trọng ngoại lực mà bỏ quên phần nội lực, tự bản thân có thể chủ động điều chỉnh, thay đổi. Xu thế sản xuất mới thì chính nội lực mới là phần căn cơ nhất hiện nay đối với sản xuất gỗ.
Như vậy thì có máy móc, công nghệ cũng chưa chắc đã giúp DN có thể cải tiến năng suất ngay, thưa ông?
- Khi DN đầu tư thiết bị thì nhân tố con người vẫn là quan trọng nhất, con người sẽ lựa chọn thiết bị như thế nào cho phù hợp, quy trình vận hành, sản xuất ra sao để tối ưu hóa chi phí. Nếu lựa chọn sai sẽ là con dao hai lưỡi, thậm chí năng suất lại giảm. Như thế thà đầu tư thiết bị nhỏ, linh hoạt, năng suất cao thay vì đầu tư lớn lại kém linh hoạt. Điều quan trọng, như đã nói vẫn là chỉ số đo về năng suất sản xuất sau cùng của DN.
* Đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức
Trong bất cứ một ngành sản xuất nào, sáng tạo ra cái mới, đi tiên phong luôn mang lại cho DN lợi thế cạnh tranh. Vậy ông nhận xét gì về thực trạng đổi mới, sáng tạo trong DN gỗ hiện nay?
- Thực tế, DN Việt chưa nhiều đơn vị phát triển qua giai đoạn này. Hầu hết đang sản xuất theo kiểu gia công là chính mà rất ít thiết kế sản phẩm. Trong khi đó, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lại tận dụng và thực hiện tốt hơn vì họ có công nghệ, nhân lực và giải pháp. Để đổi mới, chúng ta phải thay đổi về phương thức sản xuất, tôi muốn nói đến phương pháp sản xuất theo Lean.
Phương pháp đó như thế nào, thưa ông?
- Lean Production là một hệ thống sản xuất, nó xuất phát từ Tập đoàn Sản xuất xe hơi Toyota của Nhật Bản. Mục tiêu của nó là tránh lãng phí, với triết lý làm sao đạt hiệu quả sản xuất nhưng đầu tư ít nguồn lực, mặt bằng, nhân lực hơn. Với hệ thống Lean Production, việc loại bỏ lãng phí là loại bỏ tất cả các hoạt động không đem lại giá trị gia tăng cho khách hàng. Đây là cách hữu hiệu để DN có được sự thành công trong sản xuất và kinh doanh.
Doanh nghiệp, hội viên Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai tham quan các hệ thống máy móc phục vụ cho việc tăng năng suất chất lượng sản xuất gỗ |
Đơn cử như nhà kho hàng hóa áp dụng kệ tầng lưu trữ để tăng sức chứa 3-4 lần trên cùng đơn vị diện tích, từ đó tận dụng được tối đa mặt bằng nhà kho và nâng cao chất lượng lưu trữ sản phẩm. Trong vận hành nhà máy, một số DN đã có được những cải tiến và ứng dụng 5S để sản xuất sạch hơn. Nhà máy đã sử dụng triệt để bàn lắp ráp sản phẩm, nhịp phối hợp giữa cụm sản phẩm treo và cụm sản phẩm bàn. Những giải pháp này giúp cho tỷ lệ vận hành nhà máy nhanh lên hẳn, hiệu quả sản xuất được cải thiện đáng kể.
Như vậy cũng có nghĩa là trên mặt bằng chung, việc sản xuất hiện đang có sự lãng phí?
- Ước lượng có đến 80% các hoạt động sản xuất và chi phí sản xuất không tạo ra giá trị gia tăng, hoặc là lãng phí. Các lãng phí có sự liên kết khá chặt chẽ. Lãng phí bao gồm sản xuất thừa, lãng phí tồn kho, vận chuyển rồi sai hỏng, khuyết tật sản phẩm… Ngoài ra, trong sản xuất, còn những vấn đề lãng phí khác như sự chờ đợi, lãng phí thao tác hay sai lệch quá trình… DN buộc phải tinh gọn để hạn chế thấp nhất những lãng phí ấy.
Nhưng muốn làm được điều này, DN phải thật sự thay đổi từ tầm nhìn?
- Tôi luôn khuyến khích DN phải thay đổi suy nghĩ về hệ thống sản xuất. Nếu chúng ta sử dụng mãi hệ thống sản xuất cũ với việc bố trí máy cách máy rất xa thì hiệu quả sẽ không cao. Hiện nay người ta bố trí máy móc gần nhau theo phương thức sản xuất dây chuyền. Hãy thử áp dụng từng bước để tăng năng suất, từ đó đầu tư vào các giai đoạn cao hơn. DN cũng cần phải đo lường mức độ tinh gọn trong sản xuất của mình hiện nay là bao nhiêu để thực hiện các giải pháp loại bỏ lãng phí một cách hợp lý.
Xin cảm ơn ông!
Chuẩn bị nhân sự và chiến lược cho ngành Gỗ là một trong những vấn đề trọng tâm mà Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) đang thực hiện. Là địa phương có giá trị sản xuất gỗ lớn thứ 2 cả nước sau Bình Dương, các DN gỗ trên địa bàn tỉnh, nhất là khối DN nhỏ và vừa đang liên kết với nhau để tạo thành chuỗi sản xuất từ cung ứng nguyên liệu, nhập khẩu gỗ, máy móc thiết bị tới hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, Dowa sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy DN, hội viên của mình nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường, tiếp tục giữ vị thế là một trong những ngành sản xuất chủ lực của địa phương. |
Đào Lê (thực hiện)