"Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì của sử gia Alexander Dyukov là một kho tàng tư liệu quý báu cho bất kỳ ai quan tâm tới lịch sử thế chiến thứ hai" - nhà báo, dịch giả Phan Xuân Loan, người đồng biên dịch tác phẩm sang tiếng Việt (NXB Trẻ) đánh giá.
“Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì của sử gia Alexander Dyukov là một kho tàng tư liệu quý báu cho bất kỳ ai quan tâm tới lịch sử thế chiến thứ hai” - nhà báo, dịch giả Phan Xuân Loan, người đồng biên dịch tác phẩm sang tiếng Việt (NXB Trẻ) đánh giá.
Dịch giả Phan Xuân Loan. Ảnh: Lê Đức Trung |
“Những diễn biến chiến sự ở mặt trận phía Đông, những sự kiện diệt chủng… được soi chiếu từ những tư liệu và góc nhìn khác nhau để đạt được tối đa tính khách quan của sự kiện, và từ đó là sự chân thực của lịch sử” - dịch giả Phan Xuân Loan nói.
* Soi chiếu tìm sự chân thực của lịch sử
* Thưa chị, giá trị của cuốn sách hẳn nằm ở nguồn sử liệu đa chiều từ nhiều phía cũng như lối viết hấp dẫn của tác giả?
- Có vài điều tôi muốn chia sẻ khi dịch cuốn sách này: cuốn sách là tư liệu lịch sử nhưng được viết với một văn phong kể chuyện lôi cuốn và thu hút. Những cuộc đột kích đầu tiên ở mặt trận phía Đông được kể từ tư liệu của các sĩ quan, quân nhân Đức, từ những tâm tình và sự chuẩn bị của họ và cho họ, trước khi bước vào trận chiến.
Không chỉ từ chiến trường, cuộc chiến còn được khắc họa từ suy nghĩ của các nhà ngoại giao và chính khách Đức sâu trong hậu phương Đức, của các nhà báo, nhà văn Nga. Đi cùng với đó mới là những con số, sự kiện. Nhờ đó mà cuốn sách tư liệu lịch sử bớt khô khan, nếu không nói là lay động.
Cuốn sách, đúng như blogger sở hữu nút vàng YouTube Nga Goblin nói, giúp tôi hiểu hơn cuộc chiến tranh mà người Liên Xô, và nay là người Nga, gọi đó là Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Hồi còn học ở Nga, tôi nhận thấy Lễ Chiến thắng 9-5 là ngày lễ không chỉ lớn, mà rất thiêng liêng. Mùa xuân, hoa trong tất cả các công viên nở rộ, đầy người dạo chơi. Những cựu binh ngực lấp lánh huy chương hãnh diện dạo bước cùng người thân, và đâu đó vang lên bản nhạc Đàn sếu với những câu hát không thể nào quên trên lời thơ của Gamzatov về “những chiến binh không trở về từ những chiến trường đẫm máu, đã biến thành sếu trắng trên cao”, và những cựu binh sống sót thấy một chỗ khuyết trên đàn sếu đó “lẽ ra phải là chỗ của mình”…
Bạn dạo chơi cùng họ trong công viên, giữa hương thơm tử đinh hương và rực rỡ tulip của tháng Năm, trong nhịp điệu hùng hồn của bài ca Ngày chiến thắng… Ấn tượng thiêng liêng của ngày lễ 9-5 đầu tiên mà tôi bắt gặp trên đất Minsk (thủ đô Belarus - đất nước hứng chịu những cuộc tấn công đầu tiên của phát xít Đức vào Liên Xô trong Thế chiến thứ hai) khi đó tôi tiếp tục tìm thấy sau này ,vào những ngày lễ 9-5 khác trên đất Nga, Ukraine... Vì sao một ký ức lịch sử có sức lan tỏa thiêng liêng và mạnh mẽ như thế? Tôi hiểu thêm được nhiều khi đọc cuốn sách của Dyukov.
Phần lớn sự thuyết phục của cuốn sách, đúng, như bạn nói, nằm ở khâu tư liệu. Phải nói là khi dịch, khó khăn nhất cho các dịch giả không hẳn là nội dung cuốn sách, mà còn ở phần tư liệu này. Đã có nhiều trao đổi qua lại với dịch giả, NXB để phần chuyển ngữ những tư liệu này bảo đảm chính xác và thống nhất.
* Không nên lãng quên
* Những vấn đề mà tác phẩm góp phần làm sáng tỏ về đất nước Liên Xô trước đây ở thời điểm tiến hành cuộc chiến Vệ quốc vĩ đại trong Thế chiến hai có giá trị gì đối với bạn đọc ngày nay, thưa chị?
- Blogger Goblin đã nói khá hình tượng trong phần giới thiệu cuốn sách, “Người Xô viết đã chiến đấu vì điều gì”, cuốn sách đã giúp ông “thanh tẩy đầu óc khỏi đủ loại rác rưởi cận lịch sử”.
Với tôi, cuốn sách giúp tôi hiểu thêm từ đâu xuất hiện những xu hướng quyền lực hiện nay trong không gian hậu Xô Viết. Thật khó để hiểu tại sao, gần như cùng một nguồn gốc Slav, nhưng ở Ukraine hiện nay tiếng Nga không còn được sử dụng trong trường học, và vì sao có cuộc chiến ở Donbass ở các nước ly khai tự xưng. Nhưng nếu đọc cuốn sách của sử gia Dyukov, bạn sẽ nhận ra từ đâu mầm mống của những hiện trạng này.
Bạn cũng sẽ hiểu những thiếu sót của chế độ Xô Viết trong việc lưu lại những tư liệu lịch sử trên những vùng đất Liên Xô bị chiếm đóng thời Chiến tranh Vệ quốc, mà theo Dyukov, cuộc chiến vệ quốc ấy là “điểm tập hợp” của lịch sử giữ nước (Liên Xô, Nga) thế kỷ XX cũng như của xã hội Nga hiện đại.
Chính sự đứt đoạn phần nào ký ức lịch sử này đã tạo điều kiện cho những diễn giải khác đang phổ biến hiện nay về cuộc chiến tranh mà chính các sử gia Đức đã gọi đó là “chiến tranh hủy diệt” của Đức trên các lãnh thổ Liên Xô bị chiếm đóng.
Một phần quan trọng của cuốn sách, theo tôi, nằm ở lời kết của tác giả và những hướng nghiên cứu cho các sử gia. Nếu những hướng nghiên cứu này được nghiêm túc thực hiện, tôi tin chúng ta sẽ có nhiều tư liệu hơn để mỗi người tự đưa ra nhận định của mình về một mảng lịch sử đau buồn của thế giới, không nên bị lãng quên này.
* Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi.
Cẩm Thúy (thực hiện)