Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguyễn Đức Thọ - nhà văn đổi mới

08:05, 21/05/2021

Cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, Hội Văn nghệ Đồng Nai "lọt" vào một anh chàng xứ Nghệ. Nhìn mặt biết anh rất tếu. Mà anh tếu thật, cái gì đang nghiêm túc nghiêm trang qua anh đều biến thành chuyện cười, chuyện quê anh có khẩu hiệu "dân vô rú", một số bài hát anh chế biến nghe rất vui.

Cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, Hội Văn nghệ Đồng Nai "lọt" vào một anh chàng xứ Nghệ. Nhìn mặt biết anh rất tếu. Mà anh tếu thật, cái gì đang nghiêm túc nghiêm trang qua anh đều biến thành chuyện cười, chuyện quê anh có khẩu hiệu “dân vô rú”, một số bài hát anh chế biến nghe rất vui. Có lần tôi có món tiền gì đó mời anh em cơ quan Hội sang phở Quyền lai rai. Một dĩa gà luộc đầy tú hụ, lại thêm mỗi người một tô phở, vài lon bia, đang ăn anh chàng xứ Nghệ xuất khẩu chuyện nhà thơ Thu Bồn, mọi người cười nghiêng ngả. Cái anh chàng tếu táo đó là nhà văn Nguyễn Đức Thọ.

Từ trái sang: Nhà văn Nguyễn Đức Thọ, Bùi Phương Lan, nhà thơ Trần Ngọc Tuấn, nhà thơ Đàm Chu Văn
Từ trái sang: Nhà văn Nguyễn Đức Thọ, Bùi Phương Lan, nhà thơ Trần Ngọc Tuấn, nhà thơ Đàm Chu Văn

Thọ là thầy giáo dạy Văn, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh ra. Nghề văn đã chọn Thọ. Thọ hăm hở bước vào nghề văn. Thọ dũng khí và đam mê văn chương hơn tôi nhiều.

Sau cái cú Ở huyện mới - bút ký đăng trên Báo Văn nghệ năm 1984 Thọ đã "lọt vào mắt xanh" các nhà tuyển trạch - nhà văn đàn anh. Bài ký đã nêu lên một nghịch lý của ngành giáo dục: người có trình độ thấp lại lãnh đạo người có trình độ cao, ông trưởng phòng giáo dục chỉ có trình độ lớp 6 bổ túc lại lãnh đạo các thầy cô giáo tốt nghiệp đại học.

Năm 1989, Thọ lại bồi tiếp cái Hồi ức làng Che - Giải nhất truyện ngắn Báo Tuổi trẻ năm 1989. Bằng lối kể chuyện dí dỏm, hấp dẫn, truyện ngắn đã phê phán một số sai lầm của một thời đã qua: Cải cách ruộng đất, HTX nông nghiệp, chủ nghĩa lý lịch, giáo điều. Tài năng của Thọ đã phát lộ. Anh có con mắt tinh tường để khám phá ra những nghịch lý, ấu trĩ, những chiều sâu trong tâm hồn con người.

Càng về sau này, cây bút trẻ Nguyễn Đức Thọ càng xông xáo, lăn xả vào các khía cạnh đời sống. Với vốn sống từ vùng quê Nghệ An, mảnh đất Đồng Nai và những năm tháng bộ đội, dạy học, đi Campuchia, Thọ sáng tác khá đa dạng về thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, thơ nhưng thành công hơn cả là truyện ngắn, bút ký. Có những truyện anh viết rất gai góc phản ánh cái ấu trĩ, giáo điều của một thời  (Thung lũng xưa).

Có truyện thể hiện sự xót xa đến tận cùng về số phận một người lính: khi trong quân ngũ là một sĩ quan rất nghiêm khắc, mẫu mực trở về va đập với cuộc sống bon chen, phức tạp của đời thường khiến họ không chịu đựng nổi phải tìm đến cái chết (Ốc mượn hồn).

Những câu chuyện nhân văn và éo le trong chiến tranh cũng được anh xử lý một cách thấu đáo, nhẹ nhàng. Chất - một phụ nữ xinh đẹp làm tới chức phó bí thư Huyện ủy có chồng tên là Hùng - chiến sĩ đặc công hy sinh ở chiến trường miền Nam. Sau chiến tranh Chất vào Nam tìm chồng. Chị lặn lội tới nhà bà Ba Cỏn - má nuôi của Hùng thì biết tin bà đã mất. Nhà chỉ còn cô Út Mai và một đứa con trai. Dọc đường đi, Chất đã nghe ông tài xế kể chuyện phong phanh là Hùng chính là cha của con trai Út Mai. Đến khi hai người phụ nữ gặp nhau trong miệt vườn, nhìn thấy đứa bé có nét hao hao giống Hùng, trong lòng Chất bỗng trào lên một ước ao đó chính là đứa con của Hùng thật (Mùa trái cây).

Nguyễn Đức Thọ còn viết về những mối tình thoảng qua trong chiến tranh với một bút pháp lãng mạn (Người của ngày xưa).

Truyện ngắn Người cùng làng, tác giả lại vẽ nên một số phận trong thời kỳ mở cửa. Đó là sự thay đổi đột ngột của một người bạn cùng làng - tên tục là anh cu Chày, tính tình ngổ ngáo. Anh đi bộ đội, có giấy báo tử, nhưng thực ra không chết. Sau đó anh đi vượt biên, được một người đàn bà giàu có nâng đỡ, bà ta trở thành vợ anh cu Chày - cu Chày bây giờ có tên là Ly. Và Ly trở về làng làm từ thiện cho cái làng quê nghèo khổ của mình.

Lý Văn Sâm - nhà văn cách mạng và kháng chiến. Hoàng Văn Bổn - nhà văn kháng chiến. Nguyễn Đức Thọ - nhà văn đổi mới. Chẳng ai hẹn ai 3 nhà văn của xứ sở Đồng Nai đã làm một cuộc chạy tiếp sức hết sức ngoạn mục từ trước năm 1945 của thế kỷ XX chớm sang thế kỷ XXI. Văn chương của họ là văn chương giàu khát vọng, sang trọng, đan bện với cuộc đời, là một phần trong đời sống tâm hồn của người Đồng Nai, giúp cho cuộc đời này có ý nghĩa hơn, phong phú hơn. Cả 3 nhà văn đã trở thành người thiên cổ nhưng họ vẫn tỏa bóng xuống lớp văn nghệ sĩ Đồng Nai sau này.

Đọc truyện của Nguyễn Đức Thọ ta nhận ra ngay anh là một cây bút viết truyện ngắn có tài. Nhân vật nào ra nhân vật ấy, cốt truyện có khi giàu kịch tính, có lúc lại chuyển biến theo tâm lý nhân vật. Đặc biệt anh có những chi tiết rất đắt - vừa thực vừa phóng đại để tạo sự hấp dẫn cho người đọc. Ngôn ngữ của Thọ rất linh hoạt. Anh đã mất 17 năm nay nhưng truyện ngắn đọc lại vẫn không hề xưa cũ, mới mẻ như những câu chuyện của ngày hôm nay.

Ngoài truyện ngắn Thọ còn viết ký. Trước hết là viết về những nhân vật mà anh quen biết, quý trọng. Nhà thơ, đại tá Bảy Ước (Lê Bá Ước) mà gia đình và cuộc đời “như cái tivi nhiều kênh”, nhiều chiến công và đau thương mất mát. Nhà thơ Thu Bồn “Ông hoàng của trường ca”. Nhà văn Lý Văn Sâm “Người thổi sáo ở bến Xuân”. Nhà văn Hoàng Văn Bổn “Người kể chuyện ven sông”. Anh tới nhiều vùng đất để viết về đất và con người nơi đó: Sông Ray, cửa biển Lộc An, gặp gỡ những nhân vật độc đáo như Hai Rưng, Tư Trồi để viết “Nhân chứng của thiên nhiên”. Anh còn lặn lội đến Rừng Sác viết về những chiến sĩ đặc công nơi đây. Ký của Thọ chân thực, giàu cảm xúc với lối văn uyển chuyển, trữ tình.

Sinh thời người ta thường thấy một người đàn ông tóc chớm bạc, mặc áo thun, quần sọoc chạy chiếc xe Magic từ khu A42 (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) và có mặt ở sân tennis. Người ta ngỡ Thọ là nhà văn quý tộc, viết văn tiền vào như nước. Thực ra khi chuyển sang viết một vài kịch bản anh có kiếm được chút đỉnh nhưng cũng chẳng nhằm nhò gì. Cái nghèo túng vẫn bủa vây. Chẳng qua anh chơi banh nỉ để giữ sức khỏe, hành nghề văn được lâu dài. Hồi anh còn dạy trường bổ túc văn hóa dưới Long Thành, có lần tôi ghé chơi, Thọ nói: “Bác ngồi đây một lúc”. Và Thọ ra ruộng móc cua, hái rau muống về nấu canh cua, có thêm xị rượu đế nữa để tiếp khách. Chuyển về Hội Văn nghệ, để cải thiện đời sống, Thọ nhờ Tạ Quốc Hạnh lên TP.HCM mua được cái tủ lạnh Xa-ra tốp, Lan - vợ Thọ cũng là giáo viên - ép chuối, rắc đậu phộng, dừa nạo làm kem chuối và nấu chè đậu xanh bán cho bà con trong xóm.

Thế nhưng cuộc sống của Thọ không bao giờ thiếu vắng tiếng cười. Anh là một hoạt náo viên, khi hội họp, lúc trà dư tửu hậu cũng tìm cách kích tinh thần mọi người lên bằng… chuyện tiếu lâm. Người ấy, tài ấy, đang sung sức với bao dự định dang dở thì bị vấp trên một lá gan. Ông trời thật oan nghiệt bắt anh phải sớm từ giã chốn dương gian chỉ sau vài tháng lâm trọng bệnh khi Thọ vừa bước qua tuổi bốn mươi sáu.

Đời văn của Thọ kéo dài hai mươi năm thế nhưng với tài năng và tâm huyết của mình anh đã cắm cột mốc đổi mới cho văn học Đồng Nai. Anh là một tấm gương của một nhà văn lao động sáng tạo không ngừng đối với thế hệ chúng tôi và thế hệ mai sau. Mỗi lần vẫn nhắc đến như vẫn nghe tiếng cười của anh vang trong gió, lại bao xót xa, nuối tiếc về một tài năng hiếm có của Đồng Nai bị đứt đoạn. Tôi còn có ý tưởng rằng Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai nên đề xuất đặt tên anh cho một con đường  ở Đồng Nai.

Bùi Quang Tú

Tin xem nhiều