Báo Đồng Nai điện tử
En

Lo chất lượng đào tạo giáo viên

09:05, 08/05/2021

Chất lượng nguồn giáo viên trẻ đang thực sự là một thách thức với các nhà trường trong việc duy trì chất lượng dạy và học cả trước mắt lẫn lâu dài khi chất lượng đầu vào của ngành Sư phạm có xu hướng giảm. Phần lớn học sinh khối 12 có học lực khá giỏi khi đăng ký xét tuyển đại học thường ít lựa chọn ngành Sư phạm.

Chất lượng nguồn giáo viên trẻ đang thực sự là một thách thức với các nhà trường trong việc duy trì chất lượng dạy và học cả trước mắt lẫn lâu dài khi chất lượng đầu vào của ngành Sư phạm có xu hướng giảm. Phần lớn học sinh khối 12 có học lực khá giỏi khi đăng ký xét tuyển đại học thường ít lựa chọn ngành Sư phạm.

Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Ngô Sĩ Liên (H.Trảng Bom) trong giờ dạy
Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Ngô Sĩ Liên (H.Trảng Bom) trong giờ dạy

Sau những năm mặt bằng điểm trúng tuyển ngành Sư phạm quá thấp, Bộ GD-ĐT đã có tiêu chí riêng xét tuyển ngành Sư phạm. Theo đó, muốn xét tuyển ngành này, trước tiên thí sinh phải có học lực từ khá trở lên, đồng thời Bộ có điểm sàn tối thiểu đầu vào. Nhưng tất cả những biện pháp này vẫn chưa đủ để nâng chất lượng đầu vào ngành Sư phạm.

* Lận đận với ngành Sư phạm

Chị Hoàng Thị Hương, ngụ P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) tốt nghiệp Trường đại học Đồng Nai hơn 2 năm trước, thế nhưng đến nay chị vẫn chưa xin đi dạy được ở trường nào. Hiện tại chị đang đảm nhận công việc văn phòng tại một UBND phường với mức lương khá thấp. Chị Hương cho biết: “Đã 2 lần đăng ký thi tuyển giáo viên ở Phòng GD-ĐT Biên Hòa trong các năm 2019 và 2020 nhưng đều không đậu, cuối cùng tôi phải tạm đi tìm công việc khác dù rất muốn đi dạy cho phù hợp với chuyên môn được đào tạo”.

Sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,36 triệu đồng/tháng

 Theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm, từ năm học 2021-2022, sinh viên ngành Sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia giáo dục, lực hút học sinh khá giỏi vào ngành Sư phạm không chỉ là ưu tiên về học phí mà lâu dài vẫn là thu nhập sau khi tốt nghiệp ra trường.

Có trong tay tấm bằng đại học sư phạm chuyên ngành Ngữ văn, được kết nạp Đảng ngay trong Trường đại học Đồng Nai thế nhưng phải rất vất vả chị Bùi Thị Thảo mới tìm được việc làm đúng với chuyên môn mình được đào tạo. Hiện tại chị Thảo đang là giáo viên dạy bổ túc văn hóa cho học viên nghề của Trường cao đẳng Nghề cơ giới thủy lợi (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom). Chị Thảo chia sẻ: “Thấy nghề mình học ra khó xin việc làm, lương lại thấp tôi đã tính bỏ nghề đi làm nhân viên kinh doanh nhưng tiếc công học hành nên tôi ráng theo đuổi cho đến giờ này”.

Để có thể tiếp tục nuôi dưỡng đam mê với nghề giáo, hiện tại chị Bùi Thị Thảo còn có thêm một nghề tay trái nhưng lại là thu nhập chính, đó là môi giới bất động sản, cho thuê mua căn hộ. Chị chia sẻ thêm: “Với thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng từ nghề giáo viên, nếu không tranh thủ đi làm thêm nghề khác thì không đủ đảm bảo cuộc sống, vì ở thành phố chi phí sinh hoạt khá đắt đỏ. Nếu không đi làm thêm công việc khác cũng khó lòng mà giữ được nghề sư phạm đã tốn bao công sức ăn học, rồi chi phí đào tạo của Nhà nước”.

Có mẹ làm nghề giáo nên chị Lê Thị Tuyết Hạnh (ở P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) rất muốn nối nghiệp mẹ. Thế nhưng không phải cứ muốn là được, học xong ngành Sư phạm đã 3 năm nay nhưng chị không xin được việc làm, thi tuyển ở đâu cũng rớt nên chị đành đi làm cho một siêu thị tại P.Tân Mai. Chị Hạnh chia sẻ: “Tôi không có duyên đến với ngành Sư phạm không phải vì trình độ kém mà có lẽ cơ hội việc làm ở ngành Sư phạm không nhiều. Nhà tôi năm nay còn một cô em gái chuẩn bị xét tuyển vào đại học nhưng với đà này chắc không dám nối nghiệp mẹ nữa”.

Ngành Sư phạm mầm non đang tiếp tục đứng trước bài toán thiếu giáo viên thế nhưng điều đó không hẳn đã giúp cho giáo viên được ưu ái hơn trong cả điều kiện làm việc lẫn thu nhập. Chị Phạm Thị Thu C. hiện làm việc tại một trường mầm non tư thục ở P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Trước đây, tôi công tác tại một trường công lập nhưng lương thấp, chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Khi chuyển sang trường tư lương cao gấp đôi nhưng áp lực công việc thì tăng gấp ba. Giáo viên không chỉ gặp áp lực với Ban giám hiệu mà còn áp lực hơn với phụ huynh…”.

* Băn khoăn chất lượng đào tạo

Ngành Sư phạm từng có thời “hoàng kim”, điểm trúng tuyển sánh ngang với ngành Công an, Quân đội, thế nhưng ngành này hiện đã giảm mạnh sự quan tâm của học sinh. Tại Trường đại học Đồng Nai, có những ngành Sư phạm điểm chuẩn trúng tuyển “chạm” điểm sàn, thậm chí có những ngành không tuyển đủ thí sinh để mở lớp. 

Giáo viên mầm non đang thiếu vì áp lực công việc quá lớn nên ngày càng khó thu hút và đào tạo . Trong ảnh: Giáo viên Trường mầm non Thái Quang của Công ty Taekwang Vina đầu tư phục vụ con công nhân tại Khu công nghiệp Long Bình (TP.Biên Hòa)
Giáo viên mầm non đang thiếu vì áp lực công việc quá lớn nên ngày càng khó thu hút và đào tạo . Trong ảnh: Giáo viên Trường mầm non Thái Quang của Công ty Taekwang Vina đầu tư phục vụ con công nhân tại Khu công nghiệp Long Bình (TP.Biên Hòa)

Tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh  - hướng nghiệp tổ chức tại Trường đại học Đồng Nai mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng trước đây học ngành Sư phạm là số một, ngành “hot”, thường học sinh phải có học lực khá giỏi mới trúng tuyển, học sư phạm lại không tốn học phí vì được Nhà nước đài thọ. Hiện nay dù Nhà nước vẫn đài thọ học phí nhưng ngay cả học sinh có học lực trung bình nhiều em vẫn không chọn sư phạm, lý do chính là học sư phạm ra khó xin việc làm, lương thấp và làm việc rất áp lực.

Lý giải cho tình trạng học sinh khá giỏi không còn chọn ngành Sư phạm, điểm chuẩn ngày càng thấp, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cả nước có 2 trường đại học sư phạm hàng đầu là Trường đại học Sư phạm Hà Nội và Trường đại học Sư phạm TP.HCM luôn tự hào với điểm trúng tuyển rất cao, chất lượng đào tạo cũng rất tốt. Thế nhưng đất nước phát triển, có nhiều ngành nghề “hot” ra đời như: Tài chính, Ngân hàng, Công nghệ thông tin… nên ngành Sư phạm khó lòng thu hút học sinh, nhất là học sinh khá giỏi. Hơn nữa, câu chuyện thất nghiệp của sinh viên sư phạm, lương thấp trong khi áp lực thì cao càng khiến học sinh quay lưng với nghề sư phạm.

Theo lãnh đạo phòng đào tạo một số trường đại học sư phạm, điểm chuẩn đầu vào liên quan rất chặt chẽ đến quá trình đào tạo sinh viên ngành Sư phạm và cả đầu ra, nhất là đối với sinh viên ngành sư phạm Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh… Nếu học lực và điểm chuẩn đầu vào các môn thấp thì quá trình đào tạo chất lượng sẽ bị ảnh hưởng.

Hiệu trưởng một trường THCS ở trung tâm TP.Biên Hòa nhận xét, mặt bằng chất lượng giáo viên trẻ được phòng GD-ĐT tuyển dụng và biên chế về trường công tác nếu so với nhiều năm về trước rất khó so sánh. Ngoại trừ môn Tiếng Anh một số thầy cô giáo trẻ tương đối tốt, còn với hầu hết các bộ môn khác còn nhiều vấn đề đáng băn khoăn. Trường cần giáo viên, cấp trên tuyển dụng và biên chế về trường thì phải nhận nhưng thực tế ban giám hiệu, hội đồng chuyên môn phải tốn thêm nhiều công sức kèm cặp mới có thể an tâm cho  họ đứng lớp.                

Công Nghĩa

Tin xem nhiều