Báo Đồng Nai điện tử
En

Lắng nghe trẻ nhiều hơn

07:05, 22/05/2021

Giáo dục kỷ luật tích cực đang có xu hướng được áp dụng ngày càng nhiều trong các trường học. Các nội quy để giáo dục, răn đe học sinh dần được thay đổi bằng cách lắng nghe, chia sẻ và các biện pháp tích cực khác… Đây là một tín hiệu vui trong công tác giáo dục thế hệ trẻ.

Giáo dục kỷ luật tích cực đang có xu hướng được áp dụng ngày càng nhiều trong các trường học. Các nội quy để giáo dục, răn đe học sinh dần được thay đổi bằng cách lắng nghe, chia sẻ và các biện pháp tích cực khác… Đây là một tín hiệu vui trong công tác giáo dục thế hệ trẻ.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) trong giờ sinh hoạt ngoại khóa kỹ năng sống. Những hoạt động này góp phần giúp học sinh tăng cường hành vi tích cực, tuân thủ nội quy trường, lớp. Ảnh: Hải Yến
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) trong giờ sinh hoạt ngoại khóa kỹ năng sống. Những hoạt động này góp phần giúp học sinh tăng cường hành vi tích cực, tuân thủ nội quy trường, lớp. Ảnh: Hải Yến

* Lắng nghe và chia sẻ

Đang là giảng viên một trường đại học, thầy Trần Xuân Tiến (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) quyết định chuyển hướng làm giáo viên phổ thông và dạy học tại một trường THCS ở TP.HCM. Bên cạnh những thuận lợi, thầy cũng gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là khi đối tượng học trò thay đổi.

“Tôi dạy ở trường điểm nên học sinh tương đối ngoan. Dù vậy, vì học sinh THCS là lứa tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý nên vẫn có một số em vi phạm nội quy trường lớp… Nhưng đây chỉ là vỏ bọc bên ngoài của các em. Trên thực tế, các em có nhu cầu được giáo viên quan tâm, chia sẻ. Có trường hợp học trò cứ đến tiết của tôi là lại cố tình “gây sự”. Hóa ra em muốn tôi chú ý đến em hơn nên khi tôi “bắt chuyện”, em đã chuyện trò và chia sẻ với tôi rất nhiều điều” - thầy Tiến kể. 

Học sinh trong độ tuổi dậy thì có nhiều áp lực, trong khi đó, nhiều phụ huynh lại không dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ với trẻ. Điều này khiến cho các em nảy sinh các hành vi, biểu hiện tiêu cực: nổi loạn, vi phạm nội quy trường, lớp, có tư tưởng bỏ học, tự sát, bạo lực học đường…

Phòng Tham vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng, góp phần thực hiện giáo dục kỷ luật tích cực. Bởi đây là cầu nối giữa học sinh - nhà trường, giúp nhà trường nhận diện vấn đề, kết nối các nguồn lực để cùng giải quyết khó khăn của học trò.

Năm học 2020-2021, Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) chính thức đưa vào hoạt động Phòng Tham vấn tâm lý học đường. “Khi học sinh có vấn đề khúc mắc nhưng không thể tâm sự được với cha mẹ, thầy cô, kể cả giáo viên chủ nhiệm thì các em sẽ tìm đến đây để chia sẻ” - thầy Nguyễn Quang Thái, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

ThS tâm lý lâm sàng Hà Văn Phúc là chuyên viên phụ trách phòng tham vấn tâm lý này. Theo thầy Phúc, học sinh có nhu cầu chia sẻ về nhiều vấn đề, trong đó có áp lực học tập, việc khó khăn trong thiết lập mối quan hệ với bạn bè, thầy cô… Bằng cách lắng nghe, chia sẻ, tiếp nhận khó khăn của học sinh, chuyên gia tham vấn sẽ xác định vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra giải pháp.

Theo thầy Phúc, chuyên gia tham vấn sẽ giúp các em nhận diện vấn đề để có thể tự giải quyết khó khăn. Ngoài ra, tùy từng trường hợp, chuyên viên tham vấn có thể gặp gỡ giáo viên liên quan, chia sẻ để thầy cô biết cách lắng nghe, thân thiện với học trò, biết quản lý cảm xúc hiệu quả trong quá trình giảng dạy. Tất nhiên các thông tin về học sinh sẽ được bảo mật.

* Phương châm “phòng” hơn “chống”

Giáo dục kỷ luật tích cực đang có xu hướng được áp dụng ngày càng nhiều trong các trường học. Theo đó, các nội quy để giáo dục, răn đe học sinh dần được thay đổi bằng cách lắng nghe, chia sẻ và các biện pháp tích cực khác.

Chẳng hạn, khi học sinh đánh nhau, thay vì dùng chính bạo lực (đòn roi) để học sinh sợ, giáo viên sẽ tìm hiểu nguyên nhân, dùng phương pháp hòa giải để học sinh hiểu nhau hơn. Với những vi phạm nội quy mà học sinh thường mắc phải như: không mặc đồng phục, không đeo khăn quàng, đi chân đất… thì nhà trường lắp đặt thêm nhiều gương soi ở cầu thang, phòng giám thị để học sinh soi gương, tự nhận thức về hình ảnh bản thân.

Theo thầy Hà Văn Phúc, những học sinh có hành vi nổi loạn, tiêu cực thường đến từ nhiều nguyên nhân: do tâm lý tuổi dậy thì, do tác động từ gia đình, bạn bè, các mối quan hệ xã hội… Với những trường hợp này, giáo viên không nên dán nhãn “cá biệt” cho học trò mà cần tìm hiểu nguyên nhân, xác định khó khăn để có biện pháp tháo gỡ phù hợp.

Với những trường hợp học sinh vi phạm các lỗi nghiêm trọng hơn như: hút thuốc lá điện tử, mang vật sắc nhọn đến trường… thì cách tốt nhất vẫn là hướng đến việc phòng ngừa chứ không phải là giải quyết hậu quả. Cụ thể, giáo viên cần quan tâm, để ý, thường xuyên kiểm tra đột xuất để phát hiện, nhắc nhở học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên nên thông qua “kênh” ban cán sự lớp để nắm bắt tình hình chung của lớp học.

Thầy Phúc cho rằng: “Thông thường, học sinh mang vật sắc nhọn lên trường là ở nhóm yếu thế. Các em có tâm lý mang theo để phòng thủ, tự vệ nhưng khi xảy ra chuyện thì hậu quả để lại sẽ rất nặng nề. Vì vậy, nhà trường cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sống để cung cấp thêm kỹ năng cần thiết cho học sinh. Cũng xin nói rằng, vai trò của thầy cô rất quan trọng nhưng không thể giải quyết được nếu không có sự phối hợp, đồng hành của gia đình, xã hội”.

Còn theo thầy Trần Xuân Tiến, muốn học trò thay đổi, tiến bộ thì trước tiên giáo viên phải thay đổi mình. Cũng như cụm từ “phòng, chống bệnh”, việc “phòng” bao giờ cũng phải được ưu tiên hơn và sẽ dễ thực hiện hơn. Áp dụng quan điểm này trong thực hiện giáo dục kỷ luật tích cực, giáo viên cần phải dự đoán được những nguy cơ, tình huống mà trẻ có thể phạm lỗi để định hướng, giúp trẻ hiểu, nhận biết đúng - sai và trong tương lai sẽ không vi phạm. Việc làm này phải khéo léo, tránh ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ.

Để học sinh “tâm phục, khẩu phục” thực hiện nội quy trường lớp, thầy Tiến đã tìm đọc những văn bản quy định của ngành Giáo dục rồi đối chiếu, so sánh với nội quy nhà trường sau đó mới phân tích, thuyết phục học trò thực hiện.

Những biện pháp phạt chỉ mang tính nhất thời, cần tác động một cách tích cực đến tâm lý và nhận thức thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề.

Hải Yến

Tin xem nhiều