Với tính năng kết nối nhanh, mạng xã hội (MXH) đang được nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng một cách tích cực, góp phần lan tỏa những yêu thương.
Với tính năng kết nối nhanh, mạng xã hội (MXH) đang được nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng một cách tích cực, góp phần lan tỏa những yêu thương.
Thành viên Nhóm Thiện Nguyện Biên Hòa trao quà cho các hộ khó khăn tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán) |
Thông qua các tài khoản MXH Facebook, Zalo…, người dùng thể hiện tinh thần trách nhiệm cộng đồng qua việc kết nối những tấm lòng thiện nguyện với nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa như: giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ bà con vùng lũ lụt, giải cứu nông sản…
* Kết nối những tấm lòng thiện nguyện
Hiện có rất nhiều hội, nhóm thiện nguyện được kết nối qua MXH. Nhờ MXH, số thành viên trong những hội, nhóm này không ngừng tăng lên. Họ là những người khác nhau về lứa tuổi, hoàn cảnh, công việc... nhưng có điểm chung là tấm lòng yêu thương, biết chia sẻ với những số phận kém may mắn trong cuộc sống.
Hơn 5 năm qua, tính từ thời điểm thành lập đến nay, thông qua MXH, Nhóm thiện nguyện Ấm Áp do chị Nguyễn Việt Thương (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) thành lập đã kết nối được khoảng 200 thành viên tham gia trên tinh thần tự nguyện và vì cộng đồng. Các thành viên trong nhóm tự đóng góp, vận động người thân, bạn bè hoặc lên mạng vận động các mạnh thường quân đóng góp. Từ nguồn kinh phí này, các thành viên tổ chức nấu cơm, nấu cháo, làm xôi, mua bánh mì, mua mềm gối… để đêm đêm đi phát cho người nghèo, người vô gia cư trên địa bàn TP.Biên Hòa.
Tương tự Nhóm Thiện Tâm, nhiều năm nay cũng được xem là nơi kết nối những tấm lòng thiện nguyện ở TP.Biên Hòa. Chị Ngô Tuyết Phượng (ngụ TP.Biên Hòa), phụ trách nhóm cho biết, lúc đầu chỉ có một nhóm bạn của chị trong một CLB aerobic sử dụng Facebook, Zalo để kết nối với nhau cùng làm thiện nguyện. Các hoạt động từ thiện của nhóm được đăng tải lên mạng và được lan tỏa.
Nhóm Thiện Tâm được đông người tin tưởng vì khi ai ủng hộ kinh phí, thủ quỹ của nhóm đều tập hợp lại, công khai số tiền thu, chi trên Facebook để các thành viên cùng giám sát. Tùy theo số tiền đóng góp mỗi tháng mà nhóm mua quà cấp cho những người vô gia cư luân phiên giữa các phường. Tháng nào có nhiều tiền hay kết nối được với những địa chỉ hỗ trợ suất ăn như: cơm, phở, bánh bao, nước uống… các thành viên lại tổ chức đi phát thêm, nhiều hôm đến tận khuya mới trở về nhà.
“Khi phát hiện các mảnh đời bất hạnh, các trường hợp cần giúp đỡ, các thành viên trong nhóm thường chụp ảnh, đăng thông tin lên Facbook để mọi người cùng chia sẻ, kêu gọi giúp đỡ, nhờ vậy mà ngày càng kết nối được nhiều người cùng tham gia” - chị Phượng cho hay.
* Lan tỏa những yêu thương
Với mong muốn chia sẻ phần nào chi phí, phục vụ bữa ăn sạch và đảm bảo chất lượng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, bà Lai Thị Út (ngụ xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) và những người bạn đã nấu cơm cấp miễn phí cho các đối tượng này. Do tuổi cao lại không rành công nghệ nên bà đã nhờ con tạo cho mình một tài khoản MXH mục đích để gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các mạnh thường quân đã ủng hộ.
Các thành viên Nhóm Ấm Áp (Biên Hòa) chia sẻ suất ăn cho người lao động khó khăn tại TP.Biên Hòa |
“Tôi cập nhật hình ảnh nấu cơm, cấp cơm để báo cáo với mạnh thường quân. Mục đích ban đầu đưa hoạt động lên mạng chủ yếu là cảm ơn, nhưng nhiều người xem xong thấy ý nghĩa nên đã tự liên hệ để ủng hộ. Lúc đầu tôi nấu vài chục suất, rồi tăng dần lên, đến nay tôi nấu khoảng 500-1.000 suất/tháng. Qua đó mới thấy nhờ MXH đã kết nối nhiều người có tấm lòng thiện nguyện, việc tốt được nhân lên” - bà Út chia sẻ.
Thông qua các trang MXH, nhiều hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo đã được hỗ trợ kịp thời. Trang fanpage Báo Đồng Nai cũng là một địa chỉ tin cậy để bạn đọc cùng chia sẻ, lan tỏa những yêu thương. Đã có nhiều cảnh đời khó khăn khi báo thông tin đã được bạn đọc và những mạnh thường quân ủng hộ giúp đỡ cả trăm triệu đồng.
Cụ thể như trường hợp gia đình anh Trần Quốc Tuấn (tổ 20, KP.3, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) có đến 4 người con đều mắc bệnh, trong đó có 2 cháu đang mắc bệnh hiểm nghèo nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Khi thông tin được đăng tải và đưa lên fanpage Báo Đồng Nai, gia đình anh Tuấn đã được nhiều người tìm đến thăm hỏi, giúp đỡ với số tiền hơn 100 triệu đồng. Hay như hoàn cảnh của gia đình chị Hoàng Thị Huyền (hiện ở trọ tại xã Tây Hòa, H.Trảng Bom) có chồng bị ung thư xương và 2 con bị bệnh nặng cũng nhận được sự giúp đỡ hơn 50 triệu đồng… từ bạn đọc Báo Đồng Nai và cộng đồng mạng.
Ngoài việc tận dụng MXH để cùng lan tỏa những hành thiện nguyện, nhiều chủ tài khoản Facebook, Zalo còn sử dụng các trang cá nhân của mình để chia sẻ, cập nhật những thông tin hữu ích, giúp đỡ giải cứu nông sản cho người dân ở địa phương khi nguồn cung lớn hơn cầu, đầu ra bị ách tắc do gặp thiên tai bão lũ, dịch bệnh… Cộng đồng mạng đã “giải cứu” thành công hàng ngàn tấn rau củ của người dân nơi bị phong tỏa do dịch Covid-19 ở một số tỉnh, thành như ở tỉnh Hải Dương trong làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ 3 vào đợt Tết Nguyên đán 2021; cả ngàn tấn rau của nông dân trồng rau Đà Lạt, hàng trăm tấn bưởi của nông dân trồng bưởi H.Cẩm Mỹ...
Kim Liễu