"Ấm trà là đầu câu chuyện" mỗi khi có khách đến nhà, thể hiện sự quý trọng và văn hóa của người Việt Nam. Dù không phải là xứ sở của trà nhưng tại Đồng Nai vẫn có một người trẻ từ 10 năm qua vẫn âm thầm đưa hương vị trà Bắc giới thiệu đến thực khách, góp phần gìn giữ thói quen uống trà của người dân.
“Ấm trà là đầu câu chuyện” mỗi khi có khách đến nhà, thể hiện sự quý trọng và văn hóa của người Việt Nam. Dù không phải là xứ sở của trà nhưng tại Đồng Nai vẫn có một người trẻ từ 10 năm qua vẫn âm thầm đưa hương vị trà Bắc giới thiệu đến thực khách, góp phần gìn giữ thói quen uống trà của người dân.
Anh Trần Đăng Ánh (bìa trái) giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện kết nối kinh doanh. Ảnh: Văn Gia |
Anh Trần Đăng Ánh, chủ Doanh nghiệp tư nhân Trà Anh Trần (P.Long Bình, TP. Biên Hòa) đến với trà như một cơ duyên, lâu dần thành nghiệp.
* 15 triệu đồng và giấc mơ khởi nghiệp
10 năm trước, chàng trai 8X Trần Đăng Ánh từ bỏ công việc làm công ăn lương ổn định tại công ty hóa chất để tiến một bước đi mạnh dạn hơn: đầu tư những đồng vốn ít ỏi tích góp được để kinh doanh trà.
Anh Trần Đăng Ánh nhớ lại: “Đến với trà, đầu tiên tôi chỉ có vỏn vẹn 15 triệu đồng. Số tiền ít ỏi đấy chỉ đủ mua một lô hàng trà đắng (loại dùng để pha trà đá) để bỏ mối cho một số quán nước tại Biên Hòa”. Số tiền lời ít ỏi đã được anh lại nhập vốn gốc để nhập lô hàng to thêm một chút. Tuy vậy với việc lấy hàng bỏ sỉ, ngoài việc thu được tiền lời, công việc khó phát triển thêm. Chưa kể, các mối hàng ngày càng nhiều, việc cạnh tranh ngày càng khó, nhất là đối với các loại hàng hóa không có thương hiệu.
Không thể phát triển nếu chỉ kinh doanh một cách đơn giản như vậy, anh Ánh nghĩ đến việc phải nghiên cứu gây dựng cho mình riêng một thương hiệu trà. Và Trà Anh Trần ra đời từ đó.
Đến nay, sau hơn 5 năm xây dựng thương hiệu, Trà Anh Trần đang dần trở thành thức uống quen thuộc của nhiều người dân Đồng Nai cũng như lân cận. “Bắt tay vào xây dựng thương hiệu, tôi phải tìm hiểu tất tần tật mọi thứ. Từ việc đăng ký nhãn hiệu, môi trường cạnh tranh, nghiên cứu đối thủ và các cơ hội trên thị trường, nghiên cứu khách hàng và công chúng mục tiêu, xây dựng sứ mệnh và tầm nhìn thương hiệu. Xây dựng hệ thống giá trị cốt lõi, văn hóa thương hiệu… và cái tôi quan tâm nhiều hơn nữa là giá trị sản phẩm đối với sức khỏe con người” - anh Ánh cho biết.
Theo anh Ánh, ngành Trà rất phong phú và cũng là một loại nông sản xuất khẩu có tiếng của Việt Nam. Người dân trồng trà, các nhà sản xuất đã tạo nên rất nhiều loại trà khác nhau. Mỗi loại có một vị đặc trưng, tùy vào cảm xúc, cảm nhận của mỗi người. Trà ngon với một số thực khách có thể là trà phải thơm, nước trà xanh, hậu ngọt hay có vị đắng chát nhè nhẹ…, nó phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác nhau như thị giác, vị giác và cảm nhận chủ quan của mỗi người. Cùng là một ấm trà, nhưng sẽ có người khen thơm ngon, nhưng cũng có những người tỏ ý chưa được hài lòng thật sự.
Trên thế giới, cách thức thưởng trà được nâng lên thành nghệ thuật, ở Trung Quốc và Nhật Bản, nơi đã từng coi trà như một tôn giáo (như cách gọi Trà Kinh, Trà đạo). Còn ở Việt Nam có Phong trà (phong cách uống trà), thể hiện phong phú những khía cạnh văn hóa ứng xử của người dân Việt. Chén trà là nơi khởi đầu cho những cuộc gặp gỡ hàn huyên của bạn bè tri kỷ, của những cuộc giao lưu bất chợt để từ không quen biết trở thành bạn. Cây chè Việt vì thế đã trở thành một thứ cây khởi nguồn cho sự giao tiếp tình cảm trong đời sống thường nhật, một thứ nước uống khó thiếu của người Việt.
* Chăm chút cho từng sản phẩm
Hiểu được giá trị của trà đối với sức khỏe cũng như văn hóa Việt, anh Ánh càng cố gắng tạo dựng thương hiệu của riêng mình bằng chữ tâm, từ vai trò của người thưởng trà. Ấy là chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nắm rõ quy trình sản xuất của từng dòng sản phẩm, ứng dụng công nghệ trong đóng gói, thiết kế và sản xuất bao bì (ứng dụng công nghệ CNC) với mẫu mã dành riêng cho thương hiệu Trà Anh Trần.
Anh Trần Đăng Ánh kiểm tra khâu đóng gói sản phẩm. Ảnh: Văn Gia |
Ngoài ra, để phục vụ thị hiếu của khách hàng, anh đa dạng hóa các dòng sản phẩm từ bình dân đến cao cấp. Đến nay, Trà Anh Trần có khoảng 6-7 loại trà với giá dao động từ 300 ngàn đến 2 triệu đồng/kg. Do chất lượng được kiểm soát, đầy đủ các chứng nhận theo quy định, giá cả cạnh tranh nên các loại trà của anh đều trở thành mối hàng quen thuộc, lâu năm của các cửa hàng quanh vùng. Anh Trần Đăng Ánh cho biết, mỗi tháng, anh xuất đi khoảng trên dưới 2 tấn trà các loại.
Nguồn nguyên liệu được anh Ánh hợp tác kỹ lưỡng với người dân trồng trà ở những vùng trồng trà nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Mỗi loại trà lại có những cách thức sản xuất khác nhau, đơn cử như trà nõn tôm chỉ được hái phần tôm, tức lá non trên cùng của búp trà. Từng công đoạn được thực hiện tỉ mỉ để cho ra chất lượng thơm ngon, đẹp từ ngoại hình đến chất lượng. Cánh trà nhỏ và chắc, khi pha có hương cốm non rất thơm, tiền vị trà chát dịu, hậu ngọt sâu được lắng lại trong khoang miệng và sâu trong cổ họng, tạo cho người thưởng thức cảm giác nhớ mãi hương vị này. Hay loại thượng hạng nhất là trà đinh phải là những đọt trà non, được tuyển chọn vô cùng khắt khe và kỹ càng từ những vườn chè có tuổi đời lâu năm, không hóa chất và sử dụng nước tự nhiên. Chỉ những búp chè cuộn chặt, nhọn giống cây đinh mới được thu hái và được chế biến bởi các người thợ lành nghề.
Theo anh Ánh, ngoài người trung niên và lớn tuổi thì rất nhiều người trẻ cũng còn giữ được thói quen uống trà từ thời xưa nhưng đòi hỏi cao hơn về tính tiện lợi, nhanh chóng và đẹp mắt. Những thị hiếu này đã tạo nên chỗ đứng cho loại trà hòa tan, trà túi nhúng và các loại khác. Bên cạnh đó, trà còn là món quà biếu rất thích hợp để tặng nhau mỗi dịp lễ, tết hay lâu ngày gặp gỡ. Chính vì vậy mà sản lượng tiêu thụ trong những tháng cận tết thường cao gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. “Tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi chủ yếu thông qua việc phân phối đến các đại lý ở khu vực Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Riêng sản phẩm trà biếu được chúng tôi chăm chút, đóng hộp mẫu mã đẹp, rất thích hợp là quà tặng chất lượng, ý nghĩa và lưu giữ nét văn hóa. Trong tương lai, ngoài sản xuất, cung ứng trà có nguồn gốc phía Bắc, chúng tôi đẩy mạnh hợp tác với vùng trồng chè ở TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng để đưa sản phẩm trà ngon ở đây tới người tiêu dùng” - anh Trần Đăng Ánh cho biết thêm.
“Tôi lựa chọn con đường khởi nghiệp bởi vì không muốn mình thụ động. Trước đây tôi cũng có công việc ổn định trong công ty nhưng hết ngày này qua tháng khác cũng chỉ phấn đấu đến một mức nhất định, khó có cơ hội phát triển thêm. Chờ người khác dựng nghiệp cho mình chi bằng tự mình dựng nghiệp, thoát ra khỏi lõi an toàn để phát triển bản thân. Đến với trà là cơ duyên nhưng lâu dần thành nghiệp, do vậy mới có thể trụ vững đến bây giờ” - anh Trần Đăng Ánh chia sẻ. |
Văn Gia