Mấy năm trước, tôi có dịp tham quan rừng Sác theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa". Năm nay tôi trở lại rừng ngập mặn vào một buổi sáng đầu mùa mưa. Nắng không chói nhưng cái nóng ran ran trên da thịt.
Mấy năm trước, tôi có dịp tham quan rừng Sác theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Năm nay tôi trở lại rừng ngập mặn vào một buổi sáng đầu mùa mưa. Nắng không chói nhưng cái nóng ran ran trên da thịt. Hơn chục văn nghệ sĩ của Hội Văn học nghệ thuật Ðồng Nai bước xuống chiếc ca nô đợi sẵn, cùng đi còn có nhà quay phim Sơn Hà đến từ Ðài PT-TH Ðồng Nai và cô biên tập viên xinh xắn Kim Dung. “Hoa tiêu” cho đoàn là ông Lê Thuận Thành, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh mang vác máy ảnh cồng kềnh bước xuống sau cùng.
Các thành viên trong đoàn chụp hình lưu niệm bên bia tưởng niệm các liệt sĩ đặc công rừng Sác |
Ca nô bắt đầu nổ máy tạch tạch rền vang, nhanh chóng tăng tốc, lướt băng băng trên sông Thị Vải. Bọt nước trắng xóa tạt vào hai bên sườn ca nô, bắn tóe lên ướt cả khoang. Gió mát lồng lộng, mang theo mùi nước sông, mùi cây lá, mùi bùn ngai ngái, nồng nồng.
Chẳng mấy chốc, ca nô đã ra tới hợp lưu của những dòng chảy. Cả một vùng trời nước mênh mông như biển. Những chiếc cọc tiêu đỏ chói như bông hoa nở lập lờ trên sóng. Bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau, chỉ đước là đước. Những cây đước lá nhỏ dài, hoa vàng lấm tấm, đứng san sát bên nhau, bộ rễ dài cắm sâu vào lớp bùn đen quánh, dưới gốc cây nhô lên cơ man “ống thở” lởm khởm. Từ trên ca nô có thể nhìn thấy những ngôi nhà nuôi cá bè do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Ðồng Nai quản lý mái lợp tôn xanh dập dềnh trên sóng, một dãy tàu hàng im lìm neo đậu ven bờ. Phía xa, các khu công nghiệp ẩn hiện với những chiếc cần cẩu vươn lên trời như những cánh tay khổng lồ.
Anh Thành chỉ cho chúng tôi thấy những mố cầu đang xây dựng và giải thích cây cầu nằm trên đường cao tốc xây xong sẽ nối liền Khu công nghiệp Long Thành với Khu công nghiệp Nhơn Trạch. Từ phía sau, hai chiếc tàu hàng cao to lừng lững mang tên Sao Thủy và Ðại Dương lừ lừ vượt qua ca nô, làm nước duềnh lên, kêu oàm oạp. Một chiếc vỏ lãi vè vè chạy nép vào bờ, thấp thoáng bóng phụ nữ, trẻ con, dường như có cả một gia đình sống lênh đênh trên đó.
Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành hiểu rõ tầm quan trọng của việc giữ rừng, lại đã quen với nắng gió, với mùi bùn đất phù sa, với màu xanh miên man của cây đước, cây bần nên muốn góp phần bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ sự sống trên vùng đất sình lầy... |
Anh Thành cho biết, rừng Sác Long Thành là khu rừng ngập mặn duy nhất của tỉnh Ðồng Nai. Hồi còn chiến tranh, cây đước mọc tự nhiên, máy bay B52 rải thảm, lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến của Mỹ lùng sục, bắn phá dữ dội hòng xóa sổ đơn vị đặc công nước khiến rừng cây gần như bị tận diệt. Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Ðồng Nai đã huy động nhân công trồng lại. Biết bao mồ hôi đã đổ xuống để có khu rừng quý như vàng rộng 7.500ha phủ xanh một vùng đất thẳng cánh cò bay.
Ngoài chức năng phòng hộ, rừng Sác còn là lá phổi thiên nhiên điều tiết môi trường, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Ven sông, thi thoảng chúng tôi gặp những cái “đùng” được quây lưới để nuôi tôm cá, anh Thành cho biết, 430ha mặt nước đã được giao khoán cho 110 hộ gia đình trồng và bảo vệ rừng. Dân ở đây không ai được xây nhà kiên cố, chỉ làm nhà tạm hay dựng lều, để bất cứ lúc nào cũng có thể giải tỏa cho một dự án mới.
Ca nô đang chạy ngon trớn bỗng khựng lại, thì ra chân vịt mắc phải dây phao, lôi theo cả một bọc lưới to tướng. Nắng đã khá gay gắt. Chúng tôi ghé cù lao có bia tưởng niệm các chiến sĩ đặc công rừng Sác. Tấm bia bằng đá xanh do một nữ Việt kiều có tấm lòng với quê hương đất nước thuê người khắc và dựng nhìn đơn sơ đến nghẹn lòng. Phút tưởng niệm bồi hồi, mùi nhang dịu nhẹ tỏa lan. Cây lá buổi trưa hơi rũ xuống vì nắng chợt gợi cho tôi cảm giác linh hồn những người lính chết trẻ tan trong sóng nước giờ đây đang theo khói nhang tìm về.
Gần trưa, ca nô tấp vào một cây cầu nhỏ làm bằng những khúc cây tròn ghép lại. Chúng tôi lục tục bước lên ngôi nhà “dã chiến”, nền đất khấp khểnh lồi lõm, mái lợp tôn. Anh Thành giới thiệu một người đàn ông cởi trần, người thấp nhỏ, gương mặt chất phác tên Tâm, dân miền Tây. Vợ anh, người đàn bà dáng vẻ lam làm và cậu con trai chừng tám, chín tuổi. Nhà chẳng có tài sản gì đáng giá, nước ăn đựng trong dãy can nhựa, một chiếc võng giăng xéo ngang nhà, tiện nghi duy nhất nối chủ nhân với thế giới bên ngoài là cái tivi cũ mèm, gắn trên cột. Phía sau nhà có cái thùng nhựa đựng mớ cá nhỏ chắc vừa lấy từ lưới lên, còn tươi nguyên, lấp lánh vảy bạc.
Anh Tâm cho biết, để mưu sinh, anh xa xứ, mang vợ con lên Ðồng Nai nhận khoán quản lý trên 7ha rừng. Anh thuê “đùng” của người dân sở tại để nuôi trồng thủy sản, mướn một cặp vợ chồng cùng quê chuyên nghề thả lưới bắt cá, mỗi tháng trừ cơm ăn, họ được anh trả lương mỗi người bốn triệu đồng. “Mình làm vậy người ta mới chịu ở lại, chấp nhận cuộc sống thiếu thốn” - anh Tâm giải thích.
Trò chuyện với anh Tâm, tôi hiểu ra, dù gần như bị “giam lỏng” giữa bốn bề sông nước nhưng gia đình anh rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Những cánh rừng ngập mặn hiền hòa mà kiên cường trước sóng to gió dữ đã mang lại cho vợ chồng anh cơm áo, sự bình yên và gần như đã trở thành một phần máu thịt của anh.
Rời nhà anh Tâm, ca nô thẳng hướng tới Phân trường Phước An. Anh Lê Thuận Thành cho biết, hiện tại lực lượng chuyên trách giữ rừng có bốn trạm, trong đó có trạm Phước An. Tôi ngạc nhiên thấy dưới chân trạm rất nhiều khỉ. Bầy khỉ dạn dĩ thấy người chạy túa ra, sẵn sàng đu lên vai, lên cổ khách. Những cán bộ, nhân viên Phân trường Phước An đều rất trẻ, hầu hết chỉ ngoài hai mươi. Trong lúc anh em làm bếp, tôi ngồi trao đổi với anh Thành. Người đàn ông nói giọng Hà Tĩnh vóc dáng thư sinh theo học trung cấp lâm nghiệp, rồi đại học lâm nghiệp, năm 1988 ra trường, từ đó đến nay chỉ đau đáu vào công tác bảo vệ rừng. Trăn trở lớn nhất của anh Thành là đời sống vật chất và tinh thần của anh em các trạm kiểm lâm còn khá vất vả, thiếu thốn. Ngày ngày quẩn quanh với cây rừng, với thủy triều lên xuống, đêm đêm chỉ nghe tiếng gió lào phào, tiếng bầy chim ăn đêm, bóng tối bủa vây, không đèn điện, không phố xá, không cà phê cà pháo… quả là thử thách lớn đối với tuổi trẻ.
Mà công việc của trạm kiểm lâm giữa những cánh rừng đước, chà là, bần, mắm… ngập mặn tưởng nhàn mà không nhàn. Các anh phải quản lý, bảo vệ hàng ngàn ha rừng, hỗ trợ, khuyến khích các chương trình khuyến lâm, khuyến nông, gieo trồng và khai thác lâm sản, kiến tạo tuyến du lịch đường thủy kéo một vệt dài từ sông Thị Vải qua sông Lòng Tàu, khu tưởng niệm chiến sĩ đặc công rừng Sác...
Tôi hỏi anh Thành, gỗ đước chắc không mấy giá trị, vì không dùng để làm nhà được, như vậy đỡ phải lo lâm tặc phá rừng. Anh Thành lắc đầu bảo, cây đước không thể dùng làm nhà kiên cố nhưng vẫn có thể dùng để làm nhà đơn giản, làm đồ gỗ gia dụng, hàng mỹ nghệ, đặc biệt gỗ đước hầm làm than hoa rất tốt, ngọn lửa đượm, cháy bền nên nhiều người dân vẫn tìm cách chặt trộm cây lớn. Các trạm kiểm lâm vừa phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ, chăm sóc rừng vừa hướng dẫn bà con trồng cây mới, nuôi trồng thủy hải sản dưới tán cây, ngăn ngừa tình trạng chặt phá cây rừng...
Bữa trưa được anh em kiểm lâm bày ra bàn đãi khách thật xôm tụ với những thứ “cây nhà lá vườn” do bà con trong vùng nuôi trồng. Nhìn rổ rau xanh mởn, con cá, con tôm đỏ hồng tươi ngon mới thấy sản vật nước lợ cũng vô cùng giàu có, đa dạng, cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế của vùng đất ngập mặn...
Chúng tôi trở về Biên Hòa khi đã non chiều. Dõi mắt theo rừng đước chạy dài trên sông nước bao la, lòng tôi xốn xang. Tôi bỗng cảm thấy những cánh rừng ngập mặn thật kỳ vĩ, linh thiêng. Giọng đọc thơ của đại tá anh hùng Lê Bá Ước lại sang sảng vọng về: “Xương trắng nở hoa tận đáy sông. Mênh mông rừng Sác nhuốm màu hồng. Năm trăm hài cốt tìm chưa thấy. Rừng đước bạt ngàn ngập chiến công” (Thương nhớ - Lê Bá Ước).
Năm xưa rừng Sác đã chở che Trung đoàn 10 dũng cảm tuyệt vời, với lòng yêu nước vô bờ bến, đã chiến đấu và hy sinh tuổi thanh xuân cho nền độc lập dân tộc. Những thân đước cao thẳng, rễ chằng chịt, quanh năm dầm chân trong nước mặn trong ý nghĩ của tôi chính là biểu tượng kiên cường, bất khuất của quân và dân Ðông Nam bộ. Ngày nay rừng Sác lại dâng hiến tất cả những gì quý giá của nó cho công cuộc kiến thiết đất nước. Trước mắt tôi, những cánh chim đang chao lượn trên sóng…
Hoàng Ngọc Ðiệp