Sau chuyến kinh lược của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh năm 1698, vùng đất Ðồng Nai ngày càng phát triển, hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa trở thành nhu cầu tự nhiên và cấp thiết, tạo điều kiện cho các chợ làng hình thành.
Sau chuyến kinh lược của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh năm 1698, vùng đất Ðồng Nai ngày càng phát triển, hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa trở thành nhu cầu tự nhiên và cấp thiết, tạo điều kiện cho các chợ làng hình thành.
Một góc chợ Đồn, P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa ngày na |
Thời gian dâu bể, đất Biên Hòa - Ðồng Nai có nhiều biến động, chợ làng xưa giờ đã có nhiều thay đổi nhưng nét đẹp của những ngôi chợ truyền thống thì vẫn còn mãi với thời gian.
* Chợ làng xưa ở Biên Hòa
Khi những lưu dân Việt, Hoa đặt chân đến vùng đất Biên Hòa - Ðồng Nai, vùng hạ lưu sông Ðồng Nai với nhiều bãi bồi, cù lao, đất đai màu mỡ, phì nhiêu đã nhanh chóng trở thành nơi “đất lành - chim đậu” cho lưu dân từ nơi xa tìm đến sinh sống. Cùng với sự ra đời của các làng xóm mới, các chợ làng cũng nhanh chóng xuất hiện, trở thành nơi buôn bán trao đổi hàng hóa của cư dân trong làng.
Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai được định hình, mở rộng và phát triển đến nay đã 323 năm. Từ cuối thế kỷ XVII đến nay, chợ làng ở Biên Hòa - Đồng Nai là lăng kính phản ánh tình hình kinh tế, diện mạo làng xã, đô thị và văn hóa - xã hội trên vùng đất điểm đầu của phương Nam. Sự hình thành, phát triển của chợ làng thời chúa Nguyễn đã khẳng định chủ quyền dân tộc trên vùng đất mới, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai dưới triều Nguyễn. |
Do địa hình bị phân tán, hệ thống chợ làng ở vùng đất này khá nhiều, hoạt động buôn bán khá phong phú, đa dạng và là “chân rết” quan trọng của chợ huyện, chợ tỉnh Biên Hòa. Tuy nhiên, thời gian hình thành các chợ làng ở Biên Hòa - Ðồng Nai không đồng nhất. Có lẽ những chợ làng hình thành sớm nhất ở Biên Hòa - Ðồng Nai là chợ Bến Gỗ (làng An Hòa), chợ Bến Cá (làng Tân Triều), chợ Chiếu (làng Hiệp Hòa), chợ Ðồn (làng Bình Long)…
Các chợ làng ở Biên Hòa thường họp nơi bến sông, ngã ba, ngã tư kênh rạch gặp nhau hay có đường bộ cắt ngang. Chợ làng An Hòa (chợ Bến Gỗ) xưa nằm bên một con rạch khá rộng, còn gọi là rạch Ðồng Trinh; chợ làng Hiệp Hòa (chợ Chiếu) nằm ở cù lao, bên thương cảng Cù lao Phố sầm uất tấp nập một thời; chợ làng Bình Long cũng hình thành trên một bến đò, còn được gọi là bến đò chợ thôn Bình Long, từ khi Tây Sơn đóng đồn ở đây thì chợ được đổi tên là chợ Ðồn…
Phần lớn chợ làng ở Biên Hòa - Ðồng Nai không họp theo phiên mà họp hằng ngày, thường là vào buổi sáng. Phụ nữ trong thôn xóm ngoài công việc nội trợ còn phải tần tảo với công việc đồng áng hoặc làm hàng thủ công, nên hoạt động mua bán thường chỉ diễn ra nhộn nhịp vào sáng sớm, đến gần trưa thì vắng dần rồi kết thúc. Quy mô chợ tùy thuộc vào sự tập trung buôn bán của cư dân trong làng và các làng lân cận. Chợ Chiếu (làng Hiệp Hòa) có lẽ là chợ làng lớn nhất vùng đất Biên Hòa - Ðồng Nai, bởi nó gắn liền với sự hình thành và phát triển của thương cảng Cù lao Phố vang danh một thời.
* Dấu ấn chợ làng còn lưu lại
TP.Biên Hòa trở thành đô thị loại I, những ngôi chợ làng xưa kia cũng chuyển mình thành chợ phố (hoặc gần như chợ phố). Không còn cảnh buôn bán tấp nập trên bến dưới thuyền, phần lớn những chợ làng xưa đã di chuyển đến nơi thuận tiện giao thông đường bộ. Người đi chợ ngày nay có thể chạy thẳng xe đạp, xe máy vào chợ, mua bán vội vã trước giờ đi làm hoặc sau giờ tan tầm. Những sản phẩm địa phương (như chiếu ở chợ Chiếu - Hiệp Hòa) cũng không còn là đặc trưng của chợ như xưa kia. Các chợ nay đều na ná nhau về các mặt hàng bày bán, hầu như không thiếu một thứ gì, từ củ hành, trái ớt, mớ rau, con cá, hoa quả mùa nào thức nấy, cho tới bánh kẹo, vải vóc, giày dép, túi xách…
Không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, các ngôi chợ phường, xã ngày nay cũng trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của vùng đất Biên Hòa - Ðồng Nai, là bộ mặt kinh tế nói lên sự phát triển của một thành phố hiện đại và là điểm giao hòa giữa Biên Hòa xưa và nay. Người đi chợ có thể tìm thấy chút hình ảnh riêng, một cá tính đặc trưng thể hiện trong những sinh hoạt đời thường của một thành phố mà chợ chính là nơi bộc lộ rõ nhất. Dù chuyện con trâu cái cày, chuyện ruộng vườn không còn xôn xao những góc chợ như xưa, các chợ phường, xã nay vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của một vùng đất Nam bộ buổi đầu khai khẩn.
Ðầu tiên là ở cách xưng hô. Người đi chợ dù quen hay lạ thường được những người bán hàng gọi một cách thân thiết như người cùng một nhà, hoặc cùng họ hàng bên ngoại là cưng, em gái (nếu còn trẻ); là má, dì (nếu ở tuổi trung niên); là ngoại (nếu là người cao tuổi). Giữa những bon chen cuộc sống thị thành, giữa chật chội xô bồ nơi chợ phố, việc duy trì cách xưng hô gần gũi, thân mật như níu lại những ấm áp chan hòa trong văn hóa ứng xử của cư dân trên vùng đất mới trong những ngôi chợ làng xưa.
Những nét quê bình dị, giản đơn không chỉ thể hiện trong cách ứng xử giao tiếp giữa người mua kẻ bán mà còn hiện hữu khắp nơi trong các ngôi chợ phường, xã ngày nay. Ngoài những tiểu thương buôn bán cố định, chúng ta dễ dàng gặp cảnh buôn thúng bán bưng, không sạp không quầy. Người đôi quang gánh, người bày thau chậu, người trải ny-lông hay những chiếc xe đạp, xe máy chở theo chiếc sọt đựng hàng bán. Ðó có thể là vài mớ tép gạo tươi trong bụng đầy trứng vừa được cất vó về; mớ cá đồng thập cẩm như lòng tong, cá trắng, cá rô, cá diếc…thi nhau quẫy đuôi trong chiếc thau nhỏ; mớ nhiều loại rau hoang dại mọc trong các khu vườn được gọi chung bằng một cái tên cũng vô cùng dân dã - rau tập tàng…
TS Lê Quang Cần