Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác chiêu trò kiếm nhiều tiền trong thời gian ngắn

09:05, 08/05/2021

Thời gian gần đây, nhiều người rỉ tai nhau cách kiếm tiền nhanh chóng bằng việc đầu tư các sàn giao dịch ngoại hối, nuôi thú ảo, kinh doanh cây trồng đột biến... Trên mạng còn xuất hiện những bài viết, clip cổ vũ cho việc kiếm tiền lãi cao trong một thời gian ngắn để thu hút nhà đầu tư tham gia các hoạt dộng giao dịch, mua bán nêu trên.

Thời gian gần đây, nhiều người rỉ tai nhau cách kiếm tiền nhanh chóng bằng việc đầu tư các sàn giao dịch ngoại hối, nuôi thú ảo, kinh doanh cây trồng đột biến... Trên mạng còn xuất hiện những bài viết, clip cổ vũ cho việc kiếm tiền lãi cao trong một thời gian ngắn để thu hút nhà đầu tư tham gia các hoạt dộng giao dịch, mua bán nêu trên.

Ứng dụng Trang trại tiết kiệm liên tục quảng cáo hiện có nhiều người tham gia đầu tư
Ứng dụng Trang trại tiết kiệm liên tục quảng cáo hiện có nhiều người tham gia đầu tư

Tuy nhiên, trên thực tế, các hoạt động giao dịch, mua bán kiểu này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người đầu tư, có nguy cơ mất trắng.

* “Sập bẫy” nuôi thú ảo

Hơn 1 năm nay, trên mạng xuất hiện một số ứng dụng kiếm tiền online như: Trang trại tiết kiệm, Coolcat… với lời hứa hẹn đầu tư online lợi nhuận cao, dễ dàng kiếm tiền tại nhà. Cụ thể, người dùng được hướng dẫn dùng số tiền nhàn rỗi nạp vào tài khoản trong ứng dụng để chọn nuôi một con thú hoặc chọn đầu tư một mã tiền, lãi được tính theo ngày và trả thường xuyên, nhanh chóng hoàn vốn. Bên cạnh đó, người dùng còn được lợi khi kêu gọi thêm người vào chơi, họ sẽ nhận được điểm thưởng (tùy theo số người được mời tham gia).

Ông N.K.L. (Giám đốc tài chính một công ty tại TP.HCM) nhận định: “Các ứng dụng trên có điểm chung là người dùng được hướng dẫn cài thông qua đường link, hoặc chơi ngay trên web. Đáng nói, các ứng dụng này không thể tìm kiếm được trên các kho ứng dụng của Android hoặc IOS nên rất khó để đánh giá được sự tin cậy của ứng dụng. Chẳng hạn như người dùng chỉ tiếp cận được thông tin một chiều mà những người môi giới “bày” ra, không biết được đánh giá chung của những người dùng khác khi tham gia ứng dụng”.

Nhiều người lên mạng xã hội tố cáo những tài khoản mập mờ trong việc mua bán lan đột biến
Nhiều người lên mạng xã hội tố cáo những tài khoản mập mờ trong việc mua bán lan đột biến

Thực tế, giữa tháng 4-2021, trên các phương tiện truyền thông, nhiều người đã lên tiếng phản ảnh các ứng dụng nuôi thú ảo có dấu hiệu lừa đảo khi ngưng trả thưởng, ứng dụng “sập” và người dùng không thể liên lạc với bên điều hành ứng dụng. Số tiền bị mất của nhiều người có khi lên đến hàng tỷ đồng, không ít người phản ảnh đã phải cầm cố nhiều giấy tờ, tài sản quan trọng để “đầu tư”, mong có thêm nguồn thu nhập tích lũy.

Bà Nguyễn Kim Ngọc (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho rằng: “Tôi thấy việc các ứng dụng này mời gọi người dùng đổ tiền để chơi, chờ sinh lời và trả thưởng bằng tiền mặt thông qua đầu tư và kêu gọi thêm thành viên giống như hình thức đa cấp trá hình. Tôi cũng từng được một vài người quen rủ chơi thử, nhưng khi tìm hiểu kỹ tôi không tham gia vì không biết số tiền lãi đó được sinh ra từ đâu nên không có cơ sở tin cậy để đầu tư”.

Tương tự, ông Nguyễn Trọng Hiếu (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Chiêu trò của các ứng dụng này là tập trung vào những người quản lý tài chính trong nhà với những lời mời chào hấp dẫn. Nhưng tôi cho rằng, nếu gửi tiền cho những người mình không biết là ai, không sản xuất, lao động gì thì liệu có an toàn nên quyết định không tham gia khi được mời gọi”.

* “Ma trận” cây đột biến

Không chỉ “rộ” lên phong trào kiếm nhiều tiền bằng các ứng dụng kiếm tiền online, thời gian gần đây còn rộ lên các giao dịch bạc tỷ với các loại cây đột biến (chủ yếu là hoa lan). Năm 2019, cơn sốt hoa lan tiền tỷ này bắt đầu xuất hiện, đỉnh điểm là năm 2020 khi nhiều nhóm chơi lan mở các cuộc đấu giá, chuyển giao các cây lan với số tiền khủng (vài tỷ đến 100 tỷ đồng/cây).

Một cây lan đột biến được chủ vườn ra giá hơn 14,5 tỷ đồng. Ảnh: Minh Thành
Một cây lan đột biến được chủ vườn ra giá hơn 14,5 tỷ đồng. Ảnh: Minh Thành

Theo chủ một vườn cây cảnh tại H.Trảng Bom, lan đột biến rất hiếm trong tự nhiên vì có dáng vẻ độc đáo, khiến người chơi thích thú với loại hàng “độc bản” này. Ngoài ra, nhiều người do thấy mức giá cao cũng muốn mua về, chăm một thời gian rồi bán lại để kiếm lời. Tuy nhiên, các giao dịch liên tục được thổi giá lên tới hàng tỷ đồng, thậm chí cả trăm tỷ đồng là hiện tượng bất thường với mục đích đánh vào lòng tham, ham kiếm tiền nhanh, trong thời gian ngắn của nhiều người. Chứ trên thực tế giá trị thực của cây lan đột biến chưa có cơ quan chức năng nào định giá chuẩn xác.

Đúng như sự cảnh báo của “người trong nghề”, thời gian qua, công an các địa phương trên toàn quốc đã tiếp nhận nhiều đơn tố cáo lừa đảo của những người mua lan đột biến. Tại Đồng Nai, vào đầu tháng 4-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Trảng Bom tiếp nhận tin báo tố cáo lừa đảo với nội dung liên quan đến mua lan đột biến tại xã Bình Minh (H.Trảng Bom). Hay cuối năm 2020, ông N.V.S. (tỉnh Vĩnh Phúc) cũng đã đến công an địa phương trình báo vì mua lan đột biến tại một vườn lan tại H.Long Thành nhưng khi phát hiện hàng không đúng cam kết, đòi trả lại tiền thì chủ vườn kia đã “lặn” mất.

Theo một cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, các vụ việc nêu trên đều có điểm chung là người mua sẵn sàng “xuống” tiền hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng để mua nhiều cây lan được quảng cáo là lan đột biến. Quá trình xem trước sản phẩm chỉ bằng hình ảnh thông qua mạng xã hội nên rất dễ bị nhầm. Mặt khác, khi mua dù được đến tận nơi, sờ tận tay nhưng khi giao hàng lại không đúng loại lan này. Đến khi người mua phát hiện ra thì chủ các vườn lan đã nhanh chóng di dời đi nơi khác và người mua vẫn là người chịu thiệt thòi nhất.

Minh Thành


Ông Nguyễn Như cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT):

Tránh tranh chấp khi mua bán cây, hoa đột biến

Muốn thẩm định giá hoa lan cần có một tổ chức, cá nhân nào đó như Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đứng ra thực hiện. Khi đó, người mua, người bán phải minh bạch, phải đóng thuế, phải nộp phí phát sinh. Quan trọng hơn, trong mua bán các loại cây, hoa đột biến phải có hợp đồng, hóa đơn để ràng buộc khi xảy ra tranh chấp, việc giao dịch “miệng” như hiện nay rất dễ phát sinh những rủi ro, bất lợi cho người mua.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh):

Hoạt động của nhiều ứng dụng kiếm tiền online đã vi phạm pháp luật

Hoạt động của nhiều ứng dụng kiếm tiền online đã vi phạm một số điều tại Nghị định 40/NĐ-CP/2018 ngày 12-3-2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Cụ thể Điểm b, Khoản 2, Điều 4, Nghị định 40/NĐ-CP/2018 nêu rõ, sản phẩm nội dung thông tin số không được kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ngoài ra, Điểm c, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 40/NĐ-CP/2018 quy định, việc cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó là hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Anh Nguyễn Hoàng Hữu, chuyên viên một công ty cung cấp dịch vụ an ninh mạng tại TP.HCM:

Tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật

Các ứng dụng được cài đặt từ các đường link (không có trên CH Play hoặc AppStore) luôn tiềm ẩn rủi ro về bảo mật. Người dùng có thể bị đánh cắp thông tin, dễ bị chèn các mã độc. Nguy hiểm hơn, các mã độc này có khi sẽ khai thác thông tin cá nhân của bạn, lén đánh cắp mật khẩu, chiếm quyền điều khiển thiết bị trong khi người dùng không hề hay biết.

Đông Hồ (ghi)


 

Tin xem nhiều