Mới đây, dư luận xã hội vô cùng bức xúc trước vụ việc thầy K.X.H. (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) tát, đá vào 4 học sinh nam trong giờ sinh hoạt lớp. Dù có biện minh thế nào đi nữa thì hành vi lệch chuẩn, phản giáo dục đó của thầy H. cũng không thể chấp nhận được.
Mới đây, dư luận xã hội vô cùng bức xúc trước vụ việc thầy K.X.H. (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) tát, đá vào 4 học sinh nam trong giờ sinh hoạt lớp. Dù có biện minh thế nào đi nữa thì hành vi lệch chuẩn, phản giáo dục đó của thầy H. cũng không thể chấp nhận được.
Dù liên tục được mang ra bàn để tìm giải pháp nhưng dường như vấn nạn bạo lực học đường không thuyên giảm mà ngược lại còn có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, thầy cô bạo lực học sinh, học sinh bạo lực học sinh. Ở chiều ngược lại, phụ huynh bạo lực giáo viên, học sinh bạo lực giáo viên… Trong tất cả các trường hợp trên, người bị bạo lực sẽ ít nhiều chịu tổn thương về mặt tâm lý. Đối với nhiều người, ám ảnh về bạo lực có thể theo họ đến suốt cuộc đời.
Những cái tát, cú đấm, đá hay giật tóc, bắt quỳ… là hành vi bạo lực dễ nhận thấy nhưng có một hình thức bạo lực vẫn luôn âm ỉ diễn ra trong trường học mà đôi khi chính người bạo lực và người bị bạo lực không nhận diện được. Đó chính là hành vi bạo lực bằng lời nói, tinh thần.
Có thể kể ra một số hình thức bạo hành phổ biến trong học đường như: body shaming (miệt thị, chê bai ngoại hình); đặt biệt danh xấu cho bạn; chế diễu, chỉ trích học sinh (bạn bè); định kiến về học sinh cá biệt…
Hậu quả của những hành vi bạo lực này để lại không hề nhỏ. Nạn nhân của những lời nói miệt thị đó sẽ trở nên tự ti, cho rằng bản thân không có giá trị và không thể thành công được trong cuộc sống. Điều này có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực của học sinh như: ngang ngược; không tuân thủ nội quy trường, lớp; không hợp tác với giáo viên, bạn bè…
Thậm chí, những tổn thương về mặt tâm lý do bạo lực học đường gây ra có thể ảnh hưởng xấu đến tương lai của người bị bạo lực. Sự mặc cảm, thiếu tự tin khiến họ gặp khó khăn trong học tập và hòa nhập với cuộc sống, trở thành rào cản, ngăn cách họ với thành công.
Làm thế nào để ngăn chặn bạo lực học đường là điều quan tâm không chỉ của ngành giáo dục mà còn của toàn xã hội. Nhưng dường như chúng ta vẫn chủ yếu đề cập vấn đề bạo lực bằng hành vi vũ lực chứ chưa quan tâm nhiều đến hành vi bạo lực bằng lời nói, tinh thần, thái độ. Vì vậy, nhận diện một cách đầy đủ các hành vi bạo lực là điều rất quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực học đường.
Tường Vi