Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho trẻ

11:04, 25/04/2021

Ngày 21-4 đã được chọn là Ngày Sách Việt Nam. Hưởng ứng "ngày lễ" này, các trường học đã có nhiều hình thức, phong trào để khơi gợi, khuyến khích học sinh tham gia đọc sách.

Ngày 21-4 đã được chọn là Ngày Sách Việt Nam. Hưởng ứng “ngày lễ” này, các trường học đã có nhiều hình thức, phong trào để khơi gợi, khuyến khích học sinh tham gia đọc sách. Có trường xây dựng những thư viện thân thiện, thư viện xanh của các khối lớp; có trường tổ chức ngày hội đọc sách; có trường tổ chức ngày hội sách… Những hoạt động đó đã tạo thêm sân chơi lành mạnh cho học sinh và được các em đón nhận một cách hào hứng, nhiệt tình.

Sau ngày hội, có bao nhiêu học sinh sẽ lựa chọn đến với thư viện để đọc những cuốn sách được trang trí, bày biện đẹp mắt? Liệu việc đọc sách có trở thành thói quen của các em?... Đó là những câu hỏi mà không ít người đang đặt ra. Bởi lẽ, việc xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ cần cả một quá trình chứ không chỉ trông đợi vào những hoạt động mang tính phong trào này.

Để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ, vai trò trước hết thuộc về gia đình. Nếu phụ huynh thường xuyên đọc sách cùng con ngay từ khi con còn nhỏ thì chắc chắn trẻ cũng sẽ ham mê đọc sách. Đáng tiếc là có rất ít phụ huynh duy trì “văn hóa đọc” trong gia đình. Do đó, trách nhiệm này được trông cậy trao cho nhà trường. Ngoài việc tổ chức ngày hội đọc sách theo phong trào, các trường học cần có nhiều hoạt động hơn nữa nhằm khơi gợi và nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho trẻ.

Trên thực tế, một số trường học đã tổ chức hoạt động đọc sách rất sáng tạo như: đọc sách trước giờ ngủ (đối với trường tổ chức bán trú); giờ đọc sách ở thư viện do chính hiệu trưởng thực hiện; đọc sách dưới cờ (hiệu trưởng trực tiếp đọc một câu chuyện hay cho học sinh toàn trường nghe); kể chuyện theo sách (các lớp được phân công đọc sách và kể lại câu chuyện trong tiết chào cờ)…

Những hoạt động này được tổ chức thường xuyên, liên tục đã trở thành sân chơi bổ ích cho học sinh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều trường thực hiện những hoạt động nói trên.

Rõ ràng, tạo thói quen đọc sách, khơi gợi tình yêu sách cho trẻ là việc “trong tầm tay” của nhà trường nhưng để thực hiện được điều đó rất cần tấm lòng, sự quyết tâm của lãnh đạo các trường và sự động viên, khuyến khích từ gia đình.            

Tường Vi


 

Tin xem nhiều