Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng nghề đá trong dòng chảy văn hóa xứ Biên Hòa

03:04, 09/04/2021

Nghề khai thác, điêu khắc đá ở Biên Hòa vốn đã có từ lâu trên vùng đất Đồng Nai xưa nên ẩn chứa trong đó là một bề dày văn hóa.

Nghề khai thác, điêu khắc đá ở Biên Hòa vốn đã có từ lâu trên vùng đất Đồng Nai xưa nên ẩn chứa trong đó là một bề dày văn hóa. Do vậy, giữ gìn, phát triển nghề khai thác, điêu khắc đá không chỉ dừng lại ở việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, mà còn là giữ gìn hồn cốt cho một làng nghề có bề dày truyền thống từ thời khai hoang, mở cõi.

Thiên hậu cổ miếu - công trình kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ đá của người Hoa bang Hẹ ở Biên Hòa
Thiên hậu cổ miếu - công trình kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ đá của người Hoa bang Hẹ ở Biên Hòa

* Vang danh một làng nghề

Nghề làm đá ở Biên Hòa nổi tiếng từ mấy trăm năm trước. Trịnh Hoài Đức trong sách Gia Định thành thông chí, có nêu: “Ở đầu phía tây Cù lao đại phố, lúc đầu khai thác, tướng quân Trần Thượng Xuyên chiêu tập người buôn nước Tàu đến kiến thiết phố xá, mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới năm dặm, chia vạch ba đường phố, đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót gạch xanh, đường rộng bằng phẳng”.

Theo tác giả Phan Đình Dũng - Nguyễn Thanh Lợi, người Việt đầu tiên làm nghề khai thác đá xây dựng là ông Võ Hà Thành (1876-1947) người Quảng Ngãi. Ông đã mở hầm khai thác đá xây dựng và làm ăn rất phát đạt. Cầu hang là công trình do ông Võ Hà Thành trúng thầu xâu dựng năm 1902-1903. Sau này, nhiều người tham gia vào việc mở hầm khai thác đá grannit ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, song vùng Bửu Long của Biên Hòa được xem như cái nôi của nghề đá ở Đồng Nai  - Gia Định với lịch sử mấy trăm năm từ khi hình thành thương cảng Cù lao Phố.

Đá xanh vốn là một đặc trưng của làng nghề đá Biên Hòa, vốn có từ lâu trên vùng đất Đồng Nai xưa. Hai tác giả Phan Đình Dũng - Nguyễn Thanh Lợi có nêu mãi đến năm 1885, mạng lưới đường bộ và đường sắt được mở mang, nhiều công trình được xây dựng thì nghề làm đá xanh phát triển.

Nguồn gốc của nghề được cho là trong quá trình khẩn hoang về phương Nam, người Việt đã mang theo kỹ thuật khai thác đá ong từ vùng quê của họ từ Bắc bộ, Trung bộ vào vùng đất mới ở Biên Hòa - Đồng Nai.

Ngoài những chứng tích rõ ràng, thuyết phục của đá lót đường ở Cù lao Phố, còn có chứng tích bến Đá ở Làng cổ Bình Đa, nơi vài ba trăm năm trước, ghe thương hồ các nơi đến chuyên chở, giao dịch với sản phẩm đặc sắc là đá ong để đi bán cho cả vùng đất phương Nam. Từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã nhắc đến đá ong.

Đặc biệt, làng nghề khai thác, điêu khắc đá ở Biên Hòa trải dài theo đường Huỳnh Văn Nghệ, thuộc P.Bửu Long. Những người Hoa bang Hẹ từ Trung Quốc đến sinh sống đã hình thành nên làng nghề và phát triển cho đến ngày nay. Nhiều thế hệ gia đình của người Hoa duy trì nghề truyền thống này. Nghề được truyền theo kiểu cha truyền con nối.

Nghệ nhân Trương Văn Bình (ngụ P.Bửu Long, thuộc cơ sở khai thác đá Ôn Dũng, đường Huỳnh Văn Nghệ, P.Bửu Long) cho biết: “Tôi làm nghề điêu khắc đá ở cơ sở này qua hai đời chủ, từ người cha rồi đến người con. Mấy chục năm gắn bó với nghề, muốn cho phiến đá trở nên sống động, đòi hỏi ở người thợ tính cẩn trọng, kiên trì, cần cù, tỉ mỉ và sáng tạo với tính thẩm mỹ cao...  Vì yêu nghề và cũng muốn giữ gìn một nghề truyền thống mà bàn tay khối óc của tôi luôn gắn bó với đá cho đến nay”.

* Lễ hội chùa Bà, cúng tổ sư nghề đá - một tín ngưỡng độc đáo

Trong quá trình sinh sống, lập nghiệp bằng nghề khai thác - điêu khắc đá ở vùng đất mới Biên Hòa - Đồng Nai, cộng đồng người Hoa bang Hẹ không quên tưởng nhớ đến Tổ sư nghề đá và các tổ nghề có liên quan. Do đó, họ đã lập miếu thờ gọi là Miếu Tổ sư với đối tượng thờ chính là: ông Ngũ Đinh - tổ nghề đá, ông Lỗ Ban - Tổ nghề mộc và ông Quốc Trì - Tổ nghề sắt.

Nghệ nhân Trương Văn Bình (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) đang chế tác một sản phẩm từ đá xanh. Ảnh: L.Viên
Nghệ nhân Trương Văn Bình (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) đang chế tác một sản phẩm từ đá xanh. Ảnh: L.Viên

Việc rước thờ bà Thiên Hậu trong miếu vào năm Đinh vị (1967) ở miếu Cây Quăn phía bờ sông Đồng Nai. Và từ đây, miếu được gọi là Thiên Hậu cổ miếu. Ngày nay, còn có tên gọi là chùa Bà Thiên Hậu, tọa lạc trên đường Huỳnh Văn Nghệ, P.Bửu Long.

Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, trong tín ngưỡng của người Hoa, bà Thiên Hậu được truyền tụng có tên là Lâm Mặc, tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc vào đời nhà Tống. Tích kể khi bà sinh ra có đám mây ngũ sắc và hương thơm bao phủ khắp nhà. Khi còn nhỏ, bà đã có tài tiên đoán chính xác về thời tiết, giúp ngư dân đi biển tránh được nhiều tai ương. Người đời tin rằng bà là con gái Ngọc Hoàng. Bà qua đời năm 28 tuổi, tương truyền bà thường hiển linh cứu giúp thuyền bè lâm nạn nên dân gian gọi bà là hải thần.

Cộng đồng người Hoa đến Việt Nam bằng đường biển vào cuối đời Minh đầu thời nhà Thanh. Trong đợt đầu tiên vào khoảng năm 1660, khoảng 7 ngàn người Hoa do Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên dẫn đầu vào định cư tại Trấn Biên (Đồng Nai), Đề Ngạn (Chợ Lớn) và Mỹ Tho. Trên đường đi biển, họ thường cầu nguyện Thiên Hậu hiển linh hỗ trợ. Khi định cư được bình an tại vùng đất mới, các di dân luôn tưởng nhớ, không quên lập miếu trang trọng để thờ và ngưỡng vọng bà với tấm lòng biết ơn đã giúp đỡ họ được thuận buồm xuôi gió.

Về phương diện sinh hoạt tín ngưỡng ở Thiên Hậu cổ miếu trong lễ hội làm chay diễn ra từ ngày 10 đến 14-6 âm lịch 3 năm/lần, người Hoa bang Hẹ tổ chức múa hẩu với đầu hẩu là một chiếc mặt nạ tròn rất hung tợn, được vẽ nhiều màu sắc, quanh đầu râu ria, thân phủ một tấm vải màu vàng rực, đuôi thường làm bằng đuôi trâu hoặc đuôi bò. Múa hẩu khác với múa lân hay múa múa rồng, không được leo trèo, nhún nhảy vui nhộn, mà phải nghiêm trang, đầu rướn lên cao, xoay mặt qua lại, lúc thì co lượn, trườn dài, lăn tròn xuống đất. 

Trong lễ hội chùa Bà còn diễn ra nhiều nghi thức cúng tổ sư nghề đá, cúng bà Thiên Hậu, cầu an. Không gian lễ hội không chỉ bó hẹp trong phạm vi di tích mà còn diễn ra sôi nổi trên địa bàn phường, thu hút người dân trong và ngoài tỉnh tham gia.

Tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu, các tổ nghề được người Hoa du nhập vào Nam bộ và người Việt dung hòa trong tín ngưỡng dân gian. Dần dà, cộng đồng dân cư Đồng Nai thờ tự Bà Thiên Hậu với tín niệm như một vị thần linh, có chức năng bảo vệ cuộc sống, xua đuổi ôn dịch, chữa bệnh cho cộng đồng dân cư.

Trải qua hơn 320 năm hình thành và phát triển, nghề khai thác và điêu khắc đá ở Biên Hòa - Đồng Nai nói chung và làng nghề đá Bửu Long nói riêng đã trải qua nhiều thăng trầm, sản sinh ra nhiều nghệ nhân tài hoa, cùng nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu như: Văn miếu Trấn Biên, Thất phủ cổ miếu, Thiên Hậu cổ miếu... và gắn bó với tín ngưỡng dân gian đặc sắc.

Lâm Viên

Tin xem nhiều