Chế tạo, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn thiên nhiên, sạch là xu hướng sống lành mạnh đang được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, giới trí thức hưởng ứng. Không chỉ đồ ăn, thức uống, các sản phẩm gia dụng có lợi cho sức khỏe và môi trường cũng ngày một nhiều.
Chế tạo, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn thiên nhiên, sạch là xu hướng sống lành mạnh đang được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, giới trí thức hưởng ứng. Không chỉ đồ ăn, thức uống, các sản phẩm gia dụng có lợi cho sức khỏe và môi trường cũng ngày một nhiều.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) giới thiệu sản phẩm nước enzyme bồ hòn do mình ngâm ủ |
Tuy nhiên, những người đang theo đuổi xu hướng sống này cho rằng, để nhân rộng trong cộng đồng và đưa sản phẩm “nhà làm” lên kệ là câu chuyện không dễ. Bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kiểm định chất lượng, đăng ký nhãn hiệu; nguồn nguyên liệu và công nghệ chế biến; việc chấp nhận giá bán sản phẩm sạch, làm thủ công của người tiêu dùng.
* Tự làm sản phẩm sạch
Hơn 1 năm trở lại đây, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Dung (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) nói không với chất tẩy rửa công nghiệp. Thay vào đó, chị tự chế nước rửa chén bát, nước giặt, nước lau nhà bằng quả bồ hòn. Cùng với đó, chị cũng có thói quen tìm mua các sản phẩm tẩy rửa mà bản thân chưa làm được như: dầu gội bồ kết, xà bông tắm thảo dược. “Tôi dạy học sinh tại nhà, mỗi năm phun thuốc diệt muỗi và côn trùng 3-4 lần. Mỗi lần phun thuốc cả nhà phải đi “lánh nạn” vài tiếng nhưng về con vẫn nổi mẩn, ngứa đến vài ngày sau. Từ khi dùng nước quả bồ hòn lau nhà thường xuyên, côn trùng giảm hẳn. Con không bị khó chịu, mắc bệnh ngoài da. Tôi không phải dùng nước tẩy rửa công nghiệp. Vừa lợi về kinh tế vừa lợi về sức khỏe” - chị Dung chia sẻ.
Việc sử dụng các sản phẩm sạch thân thiện với môi trường không còn là phong trào mà trở thành xu hướng sống lành mạnh, được nhiều người tiêu dùng, đặc biệt giới trẻ, giới tri thức hưởng ứng. Nắm bắt được xu hướng đó, ngày càng nhiều sản phẩm “nhà làm”, organic hoặc biorganic, thực phẩm không chất bảo quản được đưa ra thị trường. Để sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường phát triển bền vững, không chỉ nhà sản xuất mà người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm thay đổi thói quen sống lành mạnh. |
Theo chị Dung, lần đầu chị biết đến quả bồ hòn là cuối năm 2019. Chị mua quả bồ hòn trên mạng, cùng với một số nguyên liệu như: vỏ cam, sả, lá chanh đun sôi lấy nước rửa chén. Thấy quá trình này mất nhiều thời gian, tốn gas mà nước không để được lâu nên chị lên mạng học cách làm enzyme bồ hòn. Mẻ đầu tiên chị ngâm 1kg, sau 3 tháng thu được 8 lít enzyme. Chị tiếp tục mẻ thứ 2 với 2kg, rồi mẻ thứ 3 với 5kg. Sản phẩm làm ra dùng không hết, chị gửi tặng bạn bè, người thân. Ai dùng cũng thích, họ nhờ chị ủ giùm, rồi ủ bán.
Muốn những người quan tâm đến enzyme bồ hòn có thể tự ủ, tự sử dụng sản phẩm, chị Dung cẩn thận chụp hình, ghi lại công thức chia sẻ lên mạng xã hội. Hiện tại chị Dung vừa làm nước enzyme bồ hòn bán cho người dùng lẻ, bỏ hàng cho các mối mua đi bán lại, vừa bán quả cho mọi người tự ủ. Trung bình mỗi tháng chị ủ 500-600 lít enzyme, bán khoảng 150-200kg quả bồ hòn. Sản phẩm enzyme bồ hòn được kiểm định chất lượng bởi Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TP.HCM).
Ông Trần Quang (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) là nông dân trồng lúa đã hơn 40 năm. Hiện ông là Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến, chuyên về gạo hữu cơ, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 200 tấn gạo (sữa, trắng, lật/lứt).
Ông Quang tâm sự: “Tôi là nông dân trồng lúa từ nhỏ. 20 năm trước tôi cùng vợ rời miền Bắc vào H.Xuân Lộc lập nghiệp và nhanh chóng được vào danh sách hộ nghèo của xã”. Mặc dù vậy, ông Quang vẫn giữ cách làm nông như ở quê, không sử dụng đại trà phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng mà chấp nhận thiệt năng suất để được sản phẩm sạch, ngon. Khi biết ông trồng lúa sạch, nhiều người đặt mua, nhưng ông không dám nhận nhiều vì không có đất, đi thuê đất cũng chỉ được vài mẫu.
Sau này, khi vào CLB Giảm nghèo xã Xuân Phú ông đã đến từng hộ, vận động từng nông dân cùng làm lúa sạch để tạo ra sản phẩm nhiều cho dễ bán. Thấy cách làm của ông Tiến hay, lúa dễ bán, bán được giá cao, sức khỏe người làm ruộng cũng được đảm bảo, nhiều người làm theo, họ bầu ông làm chủ nhiệm CLB, rồi Giám đốc HTX. Hiện HTX do ông Quang làm Giám đốc có khoảng 80ha lúa hữu cơ tại H.Xuân Lộc và gần 50ha lúa sạch tại H.Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh.
* Chưa dễ “đặt chân” lên kệ hàng
Mặc dù sản phẩm “nhà làm” của chị Dung, ông Tiến đều là số lượng lớn, có đầu ra tương đối tốt, được người dùng đánh giá cao, tuy nhiên, theo chia sẻ của họ, việc gắn tên riêng lên sản phẩm, đưa sản phẩm lên kệ trong các đại lý, cửa hàng lớn không dễ.
Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến, chuyên gạo sạch hữu cơ ở H.Xuân Lộc giới thiệu sản phẩm |
Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, chị chỉ dám để tên enzyme bồ hòn mẹ Bắp ở góc nhỏ trên tờ thông tin sản phẩm cho khách lẻ biết. Riêng với các mối mua đi bán lại, chị không được để tên, địa chỉ riêng mà mối tự dán tên, số điện thoại, facebook cá nhân lên sản phẩm. “Mình cũng có mong muốn đưa sản phẩm thiên nhiên đến đông đảo người dùng thông qua các đại lý, cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên việc này không dễ bởi mình khá bận rộn, việc đăng ký nhãn hiệu, thành lập cơ sở sản xuất phức tạp” - chị Dung cho hay.
Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Chuyên gạo sạch hữu cơ ở H.Xuân Lộc cũng cho rằng, kênh phân phối gạo hữu cơ của ông đa phần là đại lý thứ cấp, việc gắn tên sản phẩm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ lên sản phẩm là không thể mặc dù tất cả các điều kiện ông đều có đủ. Bởi làm như vậy thì khách hàng sẽ mua gạo trực tiếp với HTX, chứ không mua hàng thông qua đại lý. Hơn nữa với số lượng 200 tấn gạo/năm chia cho hơn 10 mối ở Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người dùng.
Chị Hoàng Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty TNHH Calm (chuyên dòng dầu gội đầu dược liệu, ở TP.Biên Hòa) chia sẻ, việc nghiên cứu, chế tạo và làm cho sản phẩm dược liệu có chỗ đứng vững trên thị trường đã khó, duy trì và phát triển sản phẩm càng khó hơn. Theo chị Kinh Anh, một nhà sản xuất sản phẩm dược liệu, nếu chỉ dựa vào khai thác tự nhiên thì không thể phát triển bền vững. Nguyên nhân do nguồn nguyên liệu thiên nhiên ngày càng hiếm, nhu cầu sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và có lợi cho sức khỏe càng nhiều. Do đó, phải quan tâm phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ, được trồng theo hướng tự nhiên/hữu cơ/an toàn. Bên cạnh đó quan tâm đến quy trình, công nghệ sản xuất hạn chế tối đa chất bảo quản, hương liệu, phụ gia công nghiệp.
Ban Mai