Báo Đồng Nai điện tử
En

Thanh Thảo - sống như loài cỏ dại

09:03, 11/03/2021

Trong căn phòng nhỏ đầy ắp những dụng cụ vẽ, bút màu và giấy, cô gái bị khuyết tật vận động Phạm Thanh Thảo (sinh năm 1991, ngụ TP.Biên Hòa) vẫn miệt mài cho ra đời những tác phẩm tranh giấy xoắn - quilling độc đáo, tinh xảo.

Trong căn phòng nhỏ đầy ắp những dụng cụ vẽ, bút màu và giấy, cô gái bị khuyết tật vận động Phạm Thanh Thảo (sinh năm 1991, ngụ TP.Biên Hòa) vẫn miệt mài cho ra đời những tác phẩm tranh giấy xoắn - quilling độc đáo, tinh xảo. Không chỉ vươn lên khởi nghiệp thành công với đam mê của mình, Thanh Thảo còn lan tỏa và truyền cảm hứng sống tích cực đến cộng đồng người khuyết tật bằng tinh thần lạc quan và nỗ lực không ngừng nghỉ.

Phạm Thanh Thảo say mê với các tác phẩm tranh giấy xoắn
Phạm Thanh Thảo say mê với các tác phẩm tranh giấy xoắn

* “Hy sinh một phần để giữ lấy tương lai…”

15 năm trước, Phạm Thanh Thảo là cô học trò thông minh, lạc quan và đầy hoài bão. Đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời với biết bao dự định thì cú sốc đầu đời ập đến sau nhiều lần cảm nhận cơ thể mệt mỏi, ngất xỉu, Thanh Thảo được bác sĩ chẩn đoán có khối u ở xương chày chân phải. Suốt 2 năm cấp 2, gia đình đã đưa Thảo đi chạy chữa khắp nơi những mong bệnh tình thuyên giảm. Thế nhưng điều không may mắn đã đến, Thảo được bác sĩ chỉ định cưa chân để bảo vệ các bộ phận khác của cơ thể khi chân phải của cô đã có dấu hiệu hoại tử. Đứng trước lựa chọn quá đỗi khó khăn, cha mẹ của Thảo bàng hoàng khi biết con gái sẽ không còn được chạy nhảy, thoải mái vui đùa như trước. Khác với cha mẹ của mình, Thảo đón nhận hung tin này một cách bình thản, cô gái nhỏ nhắn nhưng kiên cường này dường như đã biết trước kết quả và quyết định để bác sĩ cưa một phần chân phải của mình. “Tôi đã chuẩn bị tâm lý từ trước đó rồi tự hỏi “hy sinh một bộ phận để giữ lấy tương lai hay chết một cách nguyên vẹn”, và tôi đã chọn hy sinh để tiếp tục bước tiếp. Tương lai phía trước còn rất dài và nó không cho phép tôi bỏ cuộc” - Thanh Thảo nhớ lại.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Thanh Thảo còn tích cực với công tác thiện nguyện. Dù khó khăn trong di chuyển nhưng cô vẫn tham gia các chuyến đi đến những xã xa xôi nhất của các huyện Định Quán, Tân Phú để dạy học cho trẻ em nghèo vào dịp hè. Khi công việc bận rộn, không trực tiếp tham gia các chuyến từ thiện thì Thảo vẫn ủng hộ tiền cho các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật. Đặc biệt, nhằm chia sẻ, đồng hành với những người khuyết tật, Thanh Thảo còn hướng dẫn cách thức làm sản phẩm, hỗ trợ ký gửi sản phẩm handmade do những người khuyết tật làm ra. Đồng thời kết nối với khách hàng để họ có thể kinh doanh và tự tạo thu nhập.

Để có thể tiếp tục đi lại dù chỉ bằng đôi nạng gỗ, Thanh Thảo đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và đi đi về về bệnh viện ở TP.HCM suốt nhiều năm liền. Dù phải trải qua đau đớn về thể chất nhưng Thanh Thảo vẫn kiên trì theo học chương trình cấp 2, nhờ bạn bè hướng dẫn lại những phần kiến thức không thể tiếp thu trên lớp. Thảo cho biết, đây cũng là khoảng thời gian vô cùng khó khăn khi cô phải tập làm quen với thân hình mới, tập làm quen với những câu hỏi, ánh mắt của những người xung quanh. Thanh Thảo bộc bạch: “Khi nghe những lời khuyên của một số người dành cho ba mẹ mình, kiểu như “cho nó nghỉ đi, chứ nó tật nguyền vậy học hành gì được”, tôi nghĩ mình phải nỗ lực để vươn lên, chứng minh cho mọi người thấy họ đã sai khi đánh giá thấp một người khuyết tật.

Và thế là ngày ngày tôi vẫn đến trường với thân hình mới với cặp nạng lộc cộc, bỏ qua mọi ánh mắt lạ lẫm, lời bàn tán của mọi người. May mắn thay tôi không một mình, tôi vẫn có những người bạn luôn quan tâm, chia sẻ lúc buồn nhất, mặc cảm nhất. Tôi đã sống như loài cỏ dại, mạnh mẽ và âm thầm vượt qua sóng gió...”.        

Tỉ mỉ cuộn giấy cho tác phẩm hoa hướng dương sắp hoàn thiện, Thanh Thảo cho biết: “Tranh giấy xoắn là tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi tính độc đáo và tỉ mỉ, nó không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn thể hiện tâm huyết, sáng tạo của người thợ. Thông qua tác phẩm, tôi mong muốn truyền tải thông điệp sống lạc quan, năng lượng tích cực, sẵn sàng đối diện và chiến thắng nghịch cảnh đến mọi người, đặc biệt là cộng đồng người khuyết tật”.

Nỗ lực bền bỉ của Thanh Thảo đã được đền đáp khi cô thi đậu ngành Cơ khí, Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Với bản tính tự lập, hiểu được hoàn cảnh gia đình khó khăn, Thanh Thảo đã tự tìm kiếm công việc làm thêm từ gia sư, nhân viên bán hàng đến làm quà tặng thủ công để bán.

Cô gái nhỏ Thanh Thảo với đôi nạng gỗ đã gây được ấn tượng đặc biệt khi bày bán những sản phẩm tranh giấy xoắn tinh xảo, đẹp mắt trên đường phố. Thu nhập từ công việc làm thêm đã giúp Thảo trang trải chi phí học tập ở TP.HCM mà không phụ thuộc vào gia đình. Tốt nghiệp ra trường, với tấm bằng kỹ sư cộng với sự thông minh, sắc sảo và khả năng ngoại ngữ tốt, Thanh Thảo làm việc cho một công ty nước ngoài với mức lương ổn định. Thế nhưng, đó không phải là tất cả những gì Thanh Thảo mong muốn, cô vẫn luôn ấp ủ ước mơ khởi nghiệp, tự làm chủ cuộc sống của mình.

* “Cháy” với đam mê

Từ kinh nghiệm và đam mê làm tranh giấy xoắn khi còn là sinh viên, Thanh Thảo quyết định nghỉ việc ở công ty để chuyên tâm sáng tạo các sản phẩm từ tranh giấy xoắn. Không được đào tạo chuyên nghiệp, Thanh Thảo làm quen với loại hình nghệ thuật này qua các video trên mạng, cô dần thành thục kỹ thuật và liên tục biến hóa, sáng tạo qua các tác phẩm của mình.

Một số tác phẩm tranh giấy xoắn của Phạm Thanh Thảo
Một số tác phẩm tranh giấy xoắn của Phạm Thanh Thảo

Năm 2017, Thảo bắt đầu mở cửa hàng đầu tiên của mình với tên gọi Memorial vnshop. Cửa hàng của cô không chỉ có các tác phẩm mỹ nghệ tranh giấy xoắn mà còn có các sản phẩm thiết kế độc đáo từ giấy xoắn như: hộp trang sức, hộp quà, hộp khăn giấy, đồng hồ treo tường…được kết hợp độc đáo trên nhiều chất liệu như: sơn mài, chạm gỗ, điêu khắc. Đến nay, Memorial vnshop đã đi vào hoạt động ổn định và có một chỗ đứng riêng trong lòng những người yêu sản phẩm thủ công.

Công việc này kết hợp với kinh doanh online đã mang lại cho Thanh Thảo nguồn thu nhập ổn định khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng. Sản phẩm của cô gây ấn tượng với người xem bởi sự đa dạng về màu sắc, bố cục và sống động trong từng chi tiết. Từ những nhành hoa, cảnh vật đơn giản đến những bức tranh cầu kỳ, chi tiết phức tạp, người xem đều cảm nhận được sự tinh tế, tinh xảo. Các sản phẩm của cô chủ yếu bán cho khách từ các nước châu Âu, Mỹ, vùng lãnh thổ Đài Loan… với giá dao động từ 300-2.000 USD.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Thanh Thảo cho biết cô đang đặt ra nhiều mục tiêu xa hơn trong kinh doanh, trau dồi vốn ngoại ngữ, tiếp tục khám phá và đánh thức năng lượng tích cực của bản thân. “Tôi yêu công việc cũng như cơ thể hiện tại của mình nhưng không có nghĩa là không tiếp tục cố gắng. Hy vọng rằng những người khuyết tật như chúng tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội, tạo điều kiện để được tiếp cận tri thức. Vì khi có tri thức thì chúng tôi mới hiểu và biết cần phải làm gì để tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội” - Thanh Thảo nói.  

Với những nỗ lực vượt qua khó khăn, mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, Phạm Thanh Thảo từng được Sở LĐ-TBXH tuyên dương tại hội nghị Biểu dương người khuyết tật tiêu biểu năm 2018. Sắp tới, Thanh Thảo là một trong những điển hình của Đồng Nai được đề xuất tham dự hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI-2021 do Bộ LĐ-TBXH phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Nhật Hạ

Tin xem nhiều