Báo Đồng Nai điện tử
En

Phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế

10:03, 06/03/2021

Trong lịch sử của dân tộc, phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Đồng Nai nói riêng đã có những cống hiến, đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo dựng nên truyền thống vẻ vang: anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Trong lịch sử của dân tộc, phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Đồng Nai nói riêng đã có những cống hiến, đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo dựng nên truyền thống vẻ vang: anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trò chuyện với các cán bộ nữ của tỉnh tại buổi đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy với phụ nữ diễn ra vào năm 2020, Ảnh: NGA SƠN
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trò chuyện với các cán bộ nữ của tỉnh tại buổi đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy với phụ nữ diễn ra vào năm 2020. Ảnh: NGA SƠN

Phát huy truyền thống đó, phụ nữ ngày nay ngoài việc thực hiện thiên chức, vai trò, nhiệm vụ của mình còn không ngừng nỗ lực vươn lên hoàn thiện bản thân cả về tri thức, kỹ năng… Nhiều phụ nữ đã mạnh dạn tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý; có học hàm, học vị cao; tích cực nghiên cứu khoa học; làm chủ doanh nghiệp…

* Không ngừng nỗ lực vươn lên

Cách đây 4 năm, cô Nguyễn Thị Thanh Lâm, hiện là giảng viên bộ môn Phương pháp giảng dạy ngữ văn tại Khoa Sư phạm khoa học xã hội, Trường đại học Đồng Nai hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ. Ở trường, cô không chỉ làm tốt nhiệm vụ giảng dạy mà với vai trò Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Khoa Sư phạm khoa học xã hội, nhiều năm liền cô còn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Cô Lâm chia sẻ, có được thành quả như ngày hôm nay, bản thân cô từ khi còn trẻ đến nay không ngừng nỗ lực trong học tập, công tác.

Sau khi tốt nghiệp THPT, được cha định hướng, cô thi vào Khoa Sư phạm Văn Trường đại học Sư phạm Huế (liên kết với Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai, nay là Trường đại học Đồng Nai) tổ chức giảng dạy tại Đồng Nai. Tốt nghiệp, cô về dạy tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa). 14 năm sau, cô chuyển về công tác tại Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Cô Lâm cho biết dạy đại học, nhu cầu kiến thức của sinh viên sâu rộng hơn nên đòi hỏi cô phải thay đổi. Với suy nghĩ ấy, cô thi và học cao học tại Trường đại học Sư phạm Vinh (tỉnh Nghệ An). Năm 2014, cô tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Viện Khoa học giáo dục Việt nam (tại Hà Nội).

Theo bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chỉ tính riêng lĩnh vực chính trị mà đặc biệt là sau đại hội Đảng các cấp vừa qua, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy bình quân đạt trên 21%. Trong đó, cấp tỉnh có 11/52 cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, đạt tỷ lệ 21,15%. Cấp huyện có 90/397 cán bộ nữ là Ủy viên Ban chấp hành, đạt tỷ lệ 22,67%. Đối với cấp cơ sở, có 573/1934 cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ cấp xã, đạt tỷ lệ 29,62%.

Cô Lâm kể, học cao học ở Nghệ An, làm nghiên cứu sinh ở Hà Nội, trong khi cả 2 thời điểm cô đều vướng bận con nhỏ. Để hoàn thành việc học tập, mỗi đợt học tập trung, cô đem con theo, đưa con lên giảng đường cùng học. Có đợt không mang con theo, con bị bệnh cô phải tranh thủ bay về chăm con 1-2 hôm rồi lại bay ra học tiếp. Với tinh thần ham học hỏi, cô còn tham gia các lớp học ngắn hạn… Bận rộn với công việc, gia đình, con cái nhưng điều đáng quý là cô luôn dành thời gian ban đêm để đọc, nghiên cứu làm giàu kiến thức cho bản thân, viết những bài báo khoa học đăng trên tạp chí của các trường, của viện.

Từ một nhân viên làm việc tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam, đến nay chị Trần Thị Ngọc Hà, ở ấp 4, xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) đã trở thành Giám đốc Công ty TNHH Ha Jin chuyên sản xuất đế giày, làm chủ một spa… Chị Hà cho biết, có được ngày hôm nay đều nhờ vào sự cố gắng của bản thân chị. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Hà không thi đại học mà xin làm công nhân để tự kiếm tiền đi học. Nhờ có kỹ năng ngoại ngữ, tin học nên chị được tuyển vào làm nhân viên văn phòng. Có việc làm, chị nộp hồ sơ xét tuyển vào Khoa Ngôn ngữ Anh (Trường đại học Lạc Hồng). Ban ngày đi làm ở công ty, tối đến chị đến lớp học. Gần tốt nghiệp đại học, chị nghỉ làm ở công ty, kết hôn và mở trung tâm dạy ngoại ngữ. Là một trong những người đi đầu mở trung tâm ngoại ngữ ở khu vực Thạnh Phú nên số lượng học viên đến với trung tâm lúc nào cũng đông.

Cô Nguyễn Thị Thanh Lâm (thứ 2 từ trái sang), giảng viên bộ môn Phương pháp giảng dạy ngữ văn, Trường đại học Đồng Nai đang hướng dẫn sinh viên tìm đọc các tài liệu chuyên ngành tại thư viện của trường. Ảnh: N.Sơn
Cô Nguyễn Thị Thanh Lâm (thứ 2 từ trái sang), giảng viên bộ môn Phương pháp giảng dạy ngữ văn, Trường đại học Đồng Nai đang hướng dẫn sinh viên tìm đọc các tài liệu chuyên ngành tại thư viện của trường. Ảnh: N.Sơn

Chị Hà chia sẻ, cuộc sống, công việc đều đang thuận lợi thì chị gặp biến cố trong hôn nhân, phải đưa con về nhà ngoại ở. Không muốn cha mẹ phiền lòng, chị nén nỗi buồn, vươn lên khởi nghiệp. Ngoài trung tâm ngoại ngữ, năm 2017 chị hợp tác với một người bạn là chuyên gia nước ngoài để mở công ty sản xuất đế giày. Với kinh nghiệm và mối quan hệ sau nhiều năm làm việc tại công ty, cùng với sự nhạy bén của bản thân, từ năm 2020 đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nhưng chị vẫn có thể duy trì đều đặn việc làm cho công nhân, từng bước khẳng định được vị thế của doanh nghiệp trên thương trường.

* Luôn nhận được sự chia sẻ, đồng hành của gia đình 

Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, những phụ nữ thành công, có vị thế trong xã hội còn nhờ vào sự sẻ chia, đồng hành của những người thân trong gia đình, trong đó có người bạn đời.

Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh là một trong những phụ nữ may mắn đó. Theo bà Như Ý, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Luật Hà Nội (được tổ chức tại Đồng Nai), bà về công tác tại Viện KSND H.Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1998, bà chuyển về công tác tại Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, tiếp đến là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và hiện công tác tại LĐLĐ tỉnh.

Hơn 8 năm công tác tại LĐLĐ tỉnh, bà đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau. Từ Trưởng ban Chính sách pháp luật đến Phó chủ tịch và hiện tại là Chủ tịch LĐLĐ tỉnh. Bà Như Ý chia sẻ, khi chuyển sang LĐLĐ tỉnh, đối tượng tiếp cận là công nhân, người lao động nên thời gian đi công tác của bà thường là vào buổi tối và những ngày nghỉ cuối tuần. Đặc biệt từ năm 2016, bà trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV nên một năm tham gia 2 kỳ họp Quốc hội (mỗi kỳ họp 1 tháng) tại Hà Nội, thời gian dành cho gia đình ngày càng giảm đi. Thời điểm trúng cử đại biểu Quốc hội cũng là lúc bà chuẩn bị sinh con thứ 2. Là thủ trưởng đơn vị nên 4 tháng - chưa hết thời gian nghỉ thai sản bà đã đi làm lại. Con được 5 tháng, bà bắt đầu tham gia đầy đủ các hoạt động của Quốc hội. Cùng một lúc phải đảm đương nhiều vai trò, khối lượng công việc lớn nên bà đã mạnh dạn chia sẻ với gia đình. Để bà yên tâm công tác, em gái chồng đã tình nguyện nghỉ làm công ty để ở nhà chăm cháu nhỏ; chồng bà vừa đi làm vừa đảm nhận công việc gia đình, dạy con học bài, đặc biệt là luôn động viên, ủng hộ vợ. Chính điều đó đã trở thành động lực để bà cố gắng làm tròn vai trò thủ trưởng đơn vị, người đại biểu của nhân dân.

Chị Ngô Thị Hòa (KP.Tân Cang, P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cùng chồng tạc tượng, điêu khắc ngoài thời gian công tác ở khu phố
Chị Ngô Thị Hòa (KP.Tân Cang, P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cùng chồng tạc tượng, điêu khắc ngoài thời gian công tác ở khu phố

Cũng nhờ có sự hỗ trợ của mẹ ruột, sự thấu hiểu, tạo điều kiện của chồng mà chị Ngô Thị Hòa (ngụ KP.Tân Cang, P.Phước Tân,TP.Biên Hòa) mới có điều kiện tham gia công tác Đoàn, phụ nữ, Mặt trận và hiện là Bí thư Chi bộ khu phố kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố. Chị Hòa cho biết, vợ chồng chị đều làm nghề tạc tượng, điêu khắc nên sau khi kết hôn, cả 2 nghỉ làm công ty và mở cơ sở tại nhà.

Từ năm 2010, chị bắt đầu tham gia công tác ở khu phố, thường xuyên phải đi xuống các tổ nhân dân để nắm tình hình. Có hôm do yêu cầu công việc chị về muộn, anh ở nhà nấu cơm, chăm sóc con. Anh Lê Xuân Cường, chồng chị Hòa bộc bạch, anh tạo điều kiện cho chị tham gia công tác ở khu phố để chị có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với mọi người. Ngay khi bắt đầu tham gia công tác ở khu phố, mong muốn của chị là có thể đóng góp được cho địa phương nên chỉ cần chị vui với công việc đang làm thì dù vất vả tới đâu anh cũng sẵn sàng chia sẻ, tạo điều kiện để chị hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình...

Nga Sơn


Chị Nguyễn Thị Linh, ngụ P.Tam Hòa (TP.Biên Hòa):

Tạo điều kiện để phụ nữ khẳng định bản thân

Ngày nay, vai trò, vị trí của phụ nữ ngày càng được thừa nhận. Phụ nữ được tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia đóng góp trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, đâu đó trong xã hội vẫn còn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ, người phụ nữ chưa được tạo điều kiện để phát huy vai trò. Người phụ nữ ngoài việc đi làm ở bên ngoài còn phải đảm đương công việc nội trợ, chăm sóc gia đình mà không nhận được sự chia sẻ từ các thành viên trong gia đình, nhất là người bạn đời.

Vì vậy, tôi cho rằng cách tôn vinh phụ nữ ý nghĩa nhất chính là các cấp, các ngành tạo điều kiện để phụ nữ được học tập, phát huy năng lực của bản thân và được ghi nhận bằng việc bố trí vào những vị trí tương xứng. Các thành viên trong gia đình, nhất là người chồng cần chia sẻ công việc gia đình để phụ nữ có thêm cơ hội vươn lên khẳng định mình.

Chị Nguyễn Hà Quế Phương (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa):

Bảo vệ phụ nữ từ trong gia đình

Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Ở Việt Nam, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác phòng, chống bạo lực trong gia đình bằng việc ban hành nhiều đạo luật nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình vẫn đang tiếp diễn. Bên cạnh hình thức bạo lực về thể chất, nhiều phụ nữ còn phải chịu bạo hành về mặt tinh thần gây ra những vết thương về mặt tinh thần.

Vì vậy, theo tôi, việc bảo vệ phụ nữ ngay từ trong gia đình là việc làm cần thiết. Để làm đựợc điều này, tôi cho rằng các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền để đưa các quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi bạo lực. Đối với phụ nữ khi bị bạo lực cần mạnh dạn chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè, chuyên gia tâm lý, hoặc các cơ quan tổ chức liên quan. Khi có đủ bằng chứng cần kiên quyết tố cáo hành vi bạo lực với cơ quan chức năng. Đặc biệt, là phụ nữ đừng hy sinh quá nhiều mà hãy luôn chăm sóc bản thân, nói không với chịu đựng…

Chị Bạch Thị Sáu, công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu):

Quan tâm hơn đến đời sống nữ công nhân

Lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động của toàn tỉnh, có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là tổ chức Công đoàn, các chính sách dành riêng cho lao động nữ được hầu hết các doanh nghiệp thực hiện. Lao động nữ được nghỉ 30 phút/ngày trong kỳ kinh nguyệt; nghỉ 60 phút/ngày khi đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; không bị xử lý kỷ luật đối với phụ nữ có thai, nghỉ thai sản và đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng; được nghỉ thai sản đúng quy định… tạo điều kiện để nữ công nhân lao động yên tâm làm việc.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 cho đến nay, đời sống của một bộ phận nữ công nhân lao động bị ảnh hưởng, nhiều người rơi vào cảnh mất việc, giảm thu nhập… cuộc sống rất khó khăn, nhất là đối với nữ công nhân lao động xa quê ở tại các khu nhà trọ. Vì vậy, tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hơn đến đời sống nữ công nhân lao động, nhất là nữ công nhân lao động ở các khu nhà trọ, nữ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Đặng Đại Hùng (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa):

Quan tâm, chia sẻ để ngày nào cũng là 8-3

Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3 là ngày tôn vinh và thể hiện sự yêu thương, trân trọng phái đẹp. Trong ngày này, để bày tỏ tấm lòng yêu thương người phụ nữ quan trọng của mình, nam giới sẽ chọn tặng hoa, quà kèm những lời chúc ngọt ngào. Thế nhưng trong cuộc sống thường ngày, một số người chưa làm tròn chức phận của người con, người chồng, người cha.

Tôi cho rằng phụ nữ là người gắn bó hết cuộc đời với chúng ta, cùng vất vả mưu sinh, khó nhọc nuôi dạy con nên người. Vì vậy, đến ngày lễ, nếu nam giới tặng hoa, tặng quà kèm những lời chúc chân thành thì rất ý nghĩa, nhưng theo tôi ý nghĩa nhất là nam giới chúng ta nên quan tâm, chia sẻ việc nhà. Bởi phụ nữ nay đã khác xưa, họ phải ra ngoài đi làm như nam giới, phải chịu áp lực không kém gì nam giới. Và tôi tin rằng, nếu nam giới làm được điều này, với phụ nữ ngày nào cũng là 8-3.

Nguyễn Tuyết (ghi)


 

Tin xem nhiều