Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà văn luôn đau đáu về các vấn đề xã hội

07:03, 27/03/2021

Thế giới chúng ta đang sống là một phép màu, có những thứ vốn là "khoa học viễn tưởng" của con người ở nhiều thế kỷ trước.

Thế giới chúng ta đang sống là một phép màu, có những thứ vốn là “khoa học viễn tưởng” của con người ở nhiều thế kỷ trước. Trước khi những thành tựu khoa học - công nghệ trở thành hiện thực thì con người đã có những ý tưởng mô phỏng và “tiếp cận” với chúng thông qua các tác phẩm văn học giả tưởng (fiction literature), trong đó có văn chương khoa học viễn tưởng (science fiction, gọi tắt là sci-fi). Thực tế cho thấy nhiều ý tưởng, thông điệp chứa đựng trong các tác phẩm sci-fi đã trở thành hiện thực.

Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng
Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng

Với nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Ðăng, sci-fi không chỉ có tính chất giải trí đối với người đọc mà chúng còn có sứ mạng, vai trò, trách nhiệm riêng của mình trước đời sống hiện thực và có tầm ảnh hưởng lớn đến tư duy của nhân loại.

* Dịch và viết là niềm đam mê

 Là người viết cũng như dịch dòng văn học giả tưởng hay còn gọi là sci-fi khá lâu rồi, anh đến với dòng văn học này như thế nào?

- Tôi mê văn sci-fi từ khi còn nhỏ thông qua các bộ phim viễn tưởng. Xem phim rồi mê và thích, mặc dù lúc đó còn nhỏ mình chưa hiểu gì. Thời tôi học phổ thông cho đến những năm đầu đại học, văn học được dịch rất nhiều, đủ các thể loại, trong đó có văn chương khoa học giả tưởng. Sách thời bao cấp không được đẹp như bây giờ nên sách hầu như là một món ăn tinh thần phổ biến nhất cho mọi người. Rất tiếc là những tập truyện sci-fi từ hồi đó, bây giờ không còn nữa. Các NXB, người làm sách cũng ít quan tâm đến thể loại truyện khoa học giả tưởng.

Thực ra, cuốn truyện sci-fi thuần túy đầu tiên tôi viết là thời còn đang học đại học, nhưng do nhiều yếu tố nên cuốn truyện ấy bỏ dở. Rất có thể đến một lúc nào đó, tôi sẽ tiếp tục công việc dang dở này. Nói như vậy để thấy, tôi tập sáng tác truyện trước khi dịch sách. Suốt những năm đại học và sau đó tôi vẫn viết đều đặn tuy rằng chỉ không chuyên. Khi đã dịch một số tác phẩm văn chương nước ngoài tôi mới nhận ra khả năng viết văn của mình.

 Sci-fi là thể loại văn học kén người đọc nên cũng rất ít người làm sách chủ đích dịch và xuất bản các cuốn sách này, vậy thì làm sao để những người mê sci-fi tiếp cận được nhiều hơn?

- Trên thực tế, phần lớn các nhà làm sách không thực sự quan tâm mảng này. Bởi vì đơn giản ít người đọc nên phát hành sách khó. Làm việc tại Nhã Nam, chính tôi cũng nhận thấy sci-fi là một trong những dòng bán chậm, thậm chí là ế. Do vậy, chúng ta không thể “quy” hết về cho người làm sách.

Ðối với người yêu thích thể loại sách sci-fi, chúng ta có thể lập thành những hội để trao đổi với nhau. Ðược biết, trên các mạng xã hội như Facebook cũng có hội người yêu thích sci-fi, đó là kênh mà các bạn trẻ dễ tiếp cận. Một điều nữa, tôi muốn nói rằng, nếu các bạn thật sự yêu thích văn học sci-fi, hãy trau dồi kỹ năng ngoại ngữ. Ðừng quá trông vào lượng sách đã được dịch ra vì nó rất ít, trong khi đó tác phẩm lớn, nổi tiếng thì nhiều vô cùng. Nhiều cuốn sách nổi tiếng tới gần đây mới được dịch, vì vậy ngoại ngữ, mà cụ thể là tiếng Anh sẽ giúp cho các bạn rất nhiều.

  Nhìn lại quá trình viết sách và dịch sách của mình, anh cảm thấy thế nào?

- Năm 2002, tôi từ bỏ công việc lương cao ở một công ty phần mềm nước ngoài, chấp nhận con đường khó hơn là dành trọn thời gian và sức lực cho văn chương. Suốt nhiều năm sau cuộc sống khá bấp bênh, thất nghiệp mấy phen, tuy không đến nỗi “đói rách” song luôn luôn eo hẹp tiền nong. Ðến đầu năm 2021, tôi đã xuất bản một tiểu thuyết dài (Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian), hai tập truyện ngắn (Baroque và ẩn hoa, Những gặp gỡ không thể có), và đang có một tiểu thuyết dài sắp hoàn thành (Cospolist Nổi loạn), một số tiểu thuyết, truyện vừa khác đang viết, nhiều ý tưởng khác đang dần dần thành hình. Ðiều quan trọng dĩ nhiên không phải là số lượng những gì đã viết, mà là sự trưởng thành hơn qua từng cuốn sách - cả với tư cách người viết lẫn với tư cách một con người. Có thể không “hay” hơn so với trước, song trưởng thành hơn. Như thế thì cuộc sống của mình kể cũng không đến nỗi qua đi vô ích.

* Những nỗi niềm khắc khoải

 Với anh, vẻ đẹp của tác phẩm là ở đâu, một người viết truyện theo trường phái sci-fi cần có yếu tố gì để thu hút được người đọc?

- Trước hết, sci-fi cũng là một tác phẩm văn học. Và tác phẩm văn học nào mà chẳng có vẻ đẹp của nó. Ðằng sau mỗi câu chuyện có thể là triết lý hoặc một ẩn ý nào mà tác giả gửi gắm vào đó. Mỗi độc giả cảm nhận theo mỗi dư địa khác nhau, cho nên nếu nói về vẻ đẹp cụ thể, rất khó để giải thích.

Một trong những đặc trưng của dòng văn học này là dự báo về tương lai, có những tác phẩm đọc lâu rồi, bây giờ mình ngẫm lại không khỏi cảm thấy “rợn sống lưng” khi hình dung ra năng lực tưởng tượng, năng lực dự báo của họ. Khi ta nói dự báo về tương lai, không chỉ là dự báo về các phát minh. Những nhà văn thật sự có tầm, họ dự báo cả những hệ lụy của các phát minh ấy.

Còn với người viết truyện sci-fi, trước hết anh cũng là nhà văn nên cần phải có các tố chất của nhà văn cái đã. Sau đó là do cái tài của người xây dựng cốt truyện. Có lẽ, tôi không nghĩ về việc gắn mình vào một truyền thống nào, vì như đã nói, tôi không nghĩ về việc viết một cuốn sci-fi, mà chỉ nghĩ về việc viết một cuốn sách thôi.

 Khi viết một cuốn sách, anh thường nghĩ gì?

- Tôi thường tự hỏi rằng, tại sao, trong một thế giới đầy rẫy vấn nạn cần được giải quyết một cách cấp bách bằng những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ và không khoan nhượng, anh vẫn ngồi viết? Cái anh viết ra giúp được gì, cần cho ai?

Anh có thể tiếp tục viết nếu trong anh có một niềm tin không thể lay chuyển rằng cái anh viết ra có thể làm thay đổi cách nhìn, nghĩ, cảm của một số người, và những người này đến lượt mình sẽ tham gia một cách có ý thức hơn và quả cảm hơn vào việc xây dựng và thực thi những giải pháp không thể thiếu hòng cứu vãn thế giới.

 Phải chăng, đó là trách nhiệm của nhà văn đối với xã hội?

- Ðôi lúc, tôi tự nghĩ mình không phải một cỗ máy hoàn hảo, đã được lập trình và khởi động một lần là cứ vậy chạy đến vô hạn. Tôi cũng có những lúc mệt mỏi, hoài nghi vào việc mình làm - và thoáng nghĩ đến việc dừng lại. Nhưng rồi, những câu chuyện bên trong tôi, chưa được thành hình hoặc đang thành hình dở dang, chúng thúc giục tôi, đòi được thoát ra khỏi tôi, và thế là tôi biết mình không thể dừng lại. Bởi cái tôi đang làm ra không chỉ là những câu chuyện. Bên trong và đằng sau chúng là những sự thật sâu xa về thế giới mà hầu hết người khác không biết, không quan tâm, muốn ỉm đi, muốn quên. Chính vì vậy, tôi không thể dừng.

Trần Tiễn Cao Đăng hiện đang công tác ở Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam. Anh được độc giả và công chúng biết đến trong vai trò là dịch giả, nhà văn gắn liền với dòng văn học sci-fi thông qua nhiều tác phẩm giá trị. Anh đã xuất bản các tác phẩm: Baroque và ẩn hoa (tập truyện ngắn), Những gặp gỡ không thể có (tập truyện vừa), Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian (tiểu thuyết). Anh cũng là dịch giả của nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích như: Biên niên ký Chim vặn dây cót (Haruki Murakami), Nếu một đêm đông có người lữ khách (Italo Calvino), Xứ cát (Frank Herbert), Từ điển Khazar (Milorad Pavic), 2666 (Roberto Bolaño), Mãi đừng xa tôi (Kazuo Ishiguro)…

 Xin cảm ơn nhà văn!

Ðào Lê (thực hiện)

Tin xem nhiều