Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn bạo lực học đường

07:03, 27/03/2021

Liên tiếp trong tháng 3-2021, nhiều vụ học sinh đánh nhau xảy ra tại một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, được báo chí phản ánh và mạng xã hội đăng tải qua đó cho thấy tình trạng này rất đáng báo động.

Liên tiếp trong tháng 3-2021, nhiều vụ học sinh đánh nhau xảy ra tại một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, được báo chí phản ánh và mạng xã hội đăng tải qua đó cho thấy tình trạng này rất đáng báo động.

TS tâm lý Nguyễn Thu Hồng, Trường đại học Sư phạm TP.HCM nói chuyện về văn hóa ứng xử trong trường học tại Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng
TS tâm lý Nguyễn Thu Hồng, Trường đại học Sư phạm TP.HCM nói chuyện về văn hóa ứng xử trong trường học tại Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng

Việc nhiều học sinh “manh động” chọn cách giải quyết các xích mích, mâu thuẫn nhỏ bằng bạo lực đã dấy lên nhiều lo ngại về văn hóa ứng xử của học sinh và nạn bạo lực học đường.

* Xử lý mâu thuẫn bằng bạo lực

Mới nhất vào ngày 18-3, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh đánh nhau của nhóm nữ sinh lớp 8 ở tỉnh Đồng Tháp. Hình ảnh từ clip cho thấy một nữ sinh bị nhóm nữ sinh khác kéo từ trên xe máy xuống, dùng mũ bảo hiểm đánh, dùng chân đạp vào người nạn nhân kèm theo những lời mắng chửi thô tục. Nguyên nhân dẫn đến xô xát được xác định là do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh:

Hành vi tự ý phát tán hình ảnh, clip của người khác lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật

Theo quy định của pháp luật, việc tự ý quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh có thể được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Đối với các clip học sinh đánh nhau, để xử lý người phát tán clip thì người bị quay, bị đánh hoặc cha mẹ, nhà trường cần có đơn, phản ảnh đến cơ quan chức năng. Người vi phạm có thể bị xử lý hành chính và hình sự tùy theo mức độ vi phạm theo Điều 226 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đánh nhau… thì người dân có thể quay lại clip và cung cấp tới cơ quan chức năng chứ không được tự ý phát tán trên mạng xã hội.

Điểm chung của các vụ xô xát của các học sinh xảy ra trong thời gian qua đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong chuyện tình cảm hoặc chỉ vì hiểu lầm trong giao tiếp hoặc sự thách thức từ bạn bè… mà các em sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết. Điều đáng lo là khi vụ việc xảy ra, những người chứng kiến không hề can ngăn, mà còn cổ vũ, quay clip đưa lên mạng xã hội…

Cụ thể như do xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, 2 nữ sinh của một trường THCS ở tỉnh Kiên Giang đã lao vào đánh nhau dữ dội tại một bãi đất trống. Thay vì ngăn cản lại có rất đông người đứng xem và dùng điện thoại ghi lại vụ việc rồi đăng lên mạng xã hội vào ngày 15-3.

Trước đó, ngày 12-3 trên mạng xã hội cũng lan truyền clip dài hơn 5 phút ghi lại cảnh 2 nữ sinh đánh nhau ngay trong lớp học của một trường THPT ở TP.HCM dưới sự chứng kiến của bạn bè. Trong lúc 2 nữ sinh này đánh nhau, một số học sinh khác không những không can ngăn mà còn cổ vũ, thậm chí tham gia hành hung một trong 2 nữ sinh này và kêu gọi chốt cửa. Nguyên nhân được cho là các nữ sinh này có mâu thuẫn trên mạng xã hội từ trước.

9a.jpg
9a.jpg

Không chỉ có vụ việc các học sinh đánh nhau, mà còn có tình trạng học sinh bị các đối tượng bên ngoài xã hội tấn công, đe dọa. Mới đây, Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa kiến nghị UBND TP.Biên Hòa có hướng chỉ đạo Công an thành phố điều tra làm rõ, đồng thời xử lý các đối tượng có liên quan đến vụ bạo hành một học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa). Cụ thể, ngày 5-3, sau khi tan trường, học sinh này bị một nhóm đối tượng chặn gần cổng trường rồi lao vào đánh tới tấp dẫn đến bị thương. Vụ việc đã được camera của người dân xung quanh khu vực ghi lại đưa lên mạng xã hội.

* Nâng cao trách nhiệm của gia đình và nhà trường

Liên tiếp các vụ việc học sinh đánh nhau xảy ra trong tháng 3 vừa qua đã gây lo lắng cho nhiều phụ huynh, bà Phạm Thị Hằng (ngụ TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) cho rằng, tình trạng bạo lực học đường không phải là mới, tuy nhiên thời gian gần đây các vụ việc xảy ra khá nhiều khiến bà thấy lo ngại.

Các clip học sinh đánh nhau đăng tải trên mạng xã hội . Ảnh chụp màn hình
Các clip học sinh đánh nhau đăng tải trên mạng xã hội . Ảnh chụp màn hình

“Tôi thấy học sinh hiện nay cư xử manh động quá, chỉ cần có những mâu thuẫn rất nhỏ trên mạng xã hội, các em đã có những hành vi thiếu chuẩn mực, dẫn tới những sự việc đáng tiếc. Tình trạng này rất đáng báo động, nhà trường và phụ huynh nên nghiêm túc nhìn nhận để cùng đưa ra giải pháp phù hợp” - bà Hằng nói.

Nhận định về tình trạng này, TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, hành vi bạo lực học đường như: xâm phạm thân thể cũng như tinh thần của học sinh hiện nay có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do các phương pháp giáo dục về văn hóa ứng xử trong nhà trường, gia đình chưa đáp ứng kịp yêu cầu của sự phát triển, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số. Học sinh ngày nay dễ tiếp cận và bị ảnh hưởng trực tiếp từ các thông tin xấu, độc, bạo lực trên internet, đặc biệt trên mạng xã hội, game online.

Theo TS Lê Minh Công, để hạn chế bạo lực học đường, mỗi gia đình cần có sự quan tâm, chia sẻ với con các vấn đề xung quanh trường lớp. Đồng thời định hướng cho trẻ cách ứng xử, các kỹ năng và kinh nghiệm sống cần thiết, giúp cho trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ bạo lực học đường. Đặc biệt, gia đình, nhà trường cần quan tâm đến các nội dung trẻ tiếp cận trên mạng xã hội, hướng các em xem các chương trình lành mạnh, tích cực; tránh xa những nội dung xấu, độc, bịa đặt, bạo lực, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, cũng như hành động của trẻ. Ở góc độ nhà trường, cần xây dựng những bộ quy tắc ứng xử, chương trình, hoạt động trải nghiệm cho học sinh giao tiếp, thực hành, ứng xử với nhau trong trường học cũng như trên  không gian mạng…

Đồng quan điểm nêu trên, lãnh đạo một trường THCS tại TP.Biên Hòa thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay chương trình giáo dục còn nặng nề về kiến thức mà chưa thực sự chú trọng nhiều đến những kỹ năng sống, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Những biện pháp chế tài trong nhà trường để ngăn chặn tình trạng bạo lực như: đình chỉ việc học, hạ hạnh kiểm… cũng chỉ mang tính tạm thời, khó ngăn chặn từ gốc các vụ bạo lực học đường tái diễn… Bởi lẽ, cái gốc của vấn đề nằm ở phương pháp giáo dục của gia đình và nhà trường. Ở lứa tuổi học sinh, do nhận thức của các em còn hạn chế nên dễ bị lôi kéo, kích động dẫn tới những hành vi bạo lực bộc phát. Do vậy, người lớn cần định hướng về cách ứng xử, đặc biệt kỹ năng sống cho các em, nhất là những giá trị đạo đức về lòng khoan dung, yêu thương, tôn trọng… 

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch:

Phối hợp đồng bộ để giáo dục tốt kỹ năng sống cho học sinh

Giáo dục học sinh nói không với bạo lực học đường là câu chuyện không chỉ của nhà trường. Đó còn là câu chuyện trách nhiệm từ nhiều phía, đặc biệt là vai trò của gia đình trong việc giáo dục và hình thành nhân cách các em từ nhỏ đến khi các em đi học và trưởng thành. Một gia đình có nền nếp, thương yêu nhau, cha mẹ quan tâm giáo dục con thì sẽ giúp các em biết sống yêu thương, tránh xa được hành vi bạo lực. Đặc biệt, trong xã hội ngày càng có sự tác động sâu rộng của nhiều yếu tố tiêu cực, nhất là từ mạng xã hội, ngoài ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục quan tâm đến giáo dục kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh, Sở GD-ĐT còn thường xuyên hỗ trợ các trường về giáo dục kỹ năng sống bằng việc mời các chuyên gia tâm lý nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực học đường, lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật vào các giờ học giáo dục công dân. Chúng tôi mong muốn rằng, nhà trường, gia đình và các đoàn thể như: Đoàn TNCSHCM, Đội TNTPHCM trong trường học sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành trong giáo dục học sinh, đoàn viên, đội viên trong phòng ngừa bạo lực học đường.           

Công Nghĩa (ghi)

 

Kim Liễu

Tin xem nhiều