Năm ấy để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp đại học, tôi cần khoảng hai triệu đồng. Với số tiền như thế, tất yếu phải về cầu cứu ba má. Tôi mượn bạn chiếc xe máy cà tàng, chạy thốc tháo về nhà vào một chiều cuối tuần, trên quãng đường dài bốn chục cây số…
Truyện ngắn của Đào Sỹ Quang
Năm ấy để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp đại học, tôi cần khoảng hai triệu đồng. Với số tiền như thế, tất yếu phải về cầu cứu ba má. Tôi mượn bạn chiếc xe máy cà tàng, chạy thốc tháo về nhà vào một chiều cuối tuần, trên quãng đường dài bốn chục cây số…
Minh họa: Đào Sỹ Quang |
Hết! Tiền của ba má tôi vừa phải chăm lo cho bà nội vì một trận ốm “thập tử nhất sinh”. Má nhìn tôi im lặng. Ðôi mắt má buồn hơn tất cả nỗi buồn của những đôi mắt mà tôi đọc được trong tiểu thuyết! Ba tôi cũng vậy, ông như chẳng nhìn vào một vật cụ thể. Tôi bỗng thấy mình như kẻ có lỗi, vì đã “bắt” ba má phải giải một bài toán hóc búa! Một bài toán mà họ chưa từng gặp, giống như tôi trước những số phức, xác suất, thống kê… chẳng hề truyền thống chút nào! Bỗng tiếng gà kêu “cục cục”. “Bao nhiêu con gà thì đủ hai triệu đồng?” - tôi đang giúp ba má tìm một tia hy vọng…
- Hay ông đến nhà bác Chín mượn cho con, chỗ thân quen mà? - má nói với ba tôi.
- Ngại lắm, nhà mình nghèo, làm khó dễ cho người ta…
Má cắt ngang lời ba:
- Tùy từng người chứ, cứ hỏi cả cái làng này ai thân thiện với nhà bác ấy hơn nhà mình. Nhà bác ấy giàu có, bạc triệu là gì! Ba không dám đi thì để cho tôi đi. Con nó học hành vất vả cũng phải có tiền để mà bồi bổ sức khỏe mong cho đỗ đạt chứ!
Má tôi nói đúng. Hồi còn bé như cây đũa tôi đã thấy ba tôi và bác Chín đi đâu cũng có nhau. Chia nhau từng mẩu thuốc lá. Lần ấy bác Chín nói với má tôi rằng: “Ði với chú ấy yên tâm lắm, võ sư mà, thằng nào dám ăn hiếp!”. Má cười: “Võ gì, người thì những da bọc xương, bác thì chỉ được cái khéo khen!”. “Cô không tin tôi hả? Cô còn nhớ cái vụ đánh anh em nhà Chu Chấy không? Chính tôi chứng kiến chú ấy song phi làm hai anh em nó ngã bổ nhào tưởng chết! To xác như tôi mà gặp anh em Chu Chấy cũng vãi đái ra quần rồi, nói chi chuyện đấm đá! Dân từng vào tù ra tội nó sợ gì ai. À không, sợ mỗi chú nhà mình thui à!”.
Chuyện đó là thế này: Bác Chín cho anh em Chu Chấy vay tiền lãi suất cao, đâu lỡ mấy ngày tới hạn mà không trả lãi, hai bên cự cãi nhau. Bác Chín nói gì đó, thế là bị hai anh em Chu Chấy đánh cho. Ba tôi hôm đó có mặt liền can ngăn, anh em Chu Chấy xông vào đánh ba, không ngờ bị ba tôi cho đo ván bằng mấy miếng võ con nhà nghề. Hôm đó nhiều người chứng kiến, họ không nói ra nhưng thâm tâm thì vui lắm! Ai cũng bảo, bác Chín hên, nếu không có ba tôi thì tiêu rồi.
...
Nghe má nói vậy, ba liền bảo tôi chở ba đi ngay tới nhà bác Chín. Tôi xót xa cười thầm trong bụng, câu nói của má đã đánh trúng điểm yếu của ba.
...
Tôi chở ba đi vòng vèo trong con hẻm, chốc lát đã lao ra tới đường lộ chạm nhà bác Chín. Ba tôi sau một hồi vào đề dài dòng, cùng với những lời thỉnh cầu như đã được chuẩn bị sẵn. Nghe xong bác Chín bật cười để lộ mấy chiếc răng vàng, trông thật dễ gần. Người đủ chất có khác!
- Tưởng gì! Bạc triệu mà chú cứ làm như bạc tỉ! Chơi với nhau là để giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn là chuyện thường tình, chứ ai mà chẳng có lúc thế này lúc thế khác, giống như ngày xưa chú giúp tôi đánh anh em Chu Chấy ấy! - Nói đoạn, bác Chín vào buồng, lát sau cầm ra một xấp tiền loại 50 ngàn đồng đặt ngay ngắn trên bàn rồi giục ba tôi đếm lại cho kỹ.
- Thui, khỏi phải đếm. Em không tin bác thì còn tin ai! - Nét mặt ba tôi rạng rỡ! Bác Chín liền nghiêm như một đại đội trưởng chỉnh đốn quân lính trước giờ xuất trận:
- Không! Chú cứ phải đếm, tiền bạc phân minh!
Vợ bác Chín đang làm gì dưới bếp vội vàng đi lên, ghé cái mông to bự vào chiếc giường bên như quan sát viên trong một hội nghị quan trọng. Tiền đếm đủ, ba tôi đứng dậy định xin phép ra về, thì bác Chín ra hiệu ngồi xuống: “Chú đợi chút!”. Bác Chín mở tủ lấy quyển sổ, rồi rút cây viết trực sẵn ở túi ngực ra:
- Chú viết cho anh mấy chữ. Người ngoài hai mươi phần trăm, chỗ chú tri kỷ thì mười lăm!
Như có một luồng xung điện chạy dọc cột sống ba tôi, hai thủy tinh thể phồng lên. Sực nhớ ra điều gì, ba liền vui như cầu thủ ghi bàn!
- Dạ, em quên, nhưng em mượn lẹ có hơn tuần, đợi tiền bán trái cây là đủ trả bác ngay!
Ánh sáng trên mặt bác Chín hắt đi chỗ khác. Vợ bác Chín từ giường bên đứng phắt dậy, quên đi cái quán tính nặng nề:
- Cho vay khác cho mượn chú ạ! Nể chú lắm mới cho vay. Ở đây tôi toàn cho vay trọn tháng à…
- Không sao, đấy là em nói vậy!
Nước mắt từ tim tôi bắt đầu ra “đầu thú”. Tôi phải im lặng vì không muốn biến mình thành kẻ yếu đuối! Cầm cây bút trong tay, ba bắt đầu viết những dòng chữ theo lời chỉ dẫn của bác Chín. Ba tôi đâu phải người của đồng tiền trong giới làm ăn mà rành rọt phân định hai từ “vay”, “mượn”. Những con chữ lòng khòng bò ra từ đầu ngòi bút bi:
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc
Giấy vay tiền
Tôi là Huỳnh Tất Thắng có vay của ông Phạm Bá Chín hai triệu đồng tiền mặt. Thời gian vay một tháng kể từ ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng … năm ... với lãi suất 15%/ tháng. Nếu sai tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật!
Ngày … tháng … năm…
Ký tên
Ba tôi đưa cho bác Chín đọc lại. Nghe xong vợ bác Chín nhanh nhảu:
- Chú ghi bổ sung cho rõ là, vay của vợ chồng ông Phạm Bá Chín và bà Hà Thị Lơ, ngày trả vào ngày nào, tổng số tiền gốc và lãi bao nhiêu. Mất lòng trước được lòng sau chú ạ.
Bác Chín cắt lời:
- Má kỳ quá đi thôi (cười kiểu ông Nghị)! Chú ấy viết thế là đầy đủ rồi, văn phong lưu loát, lời hứa kiên định. Nếu gia đình chú ấy không nghèo khó thì chú ấy chả là tiến sĩ rồi. Chú ấy sòng phẳng cả cái xứ này ai chả biết! Chú cứ về đi, miễn là thực hiện đúng hợp đồng!
Ba con tôi xin phép chào hai vợ chồng bác Chín để trở về nhà. Bác Chín tiễn đi vài bước, rồi nhìn tôi hỏi: “Con học đại học gì nhỉ?”. “Dạ, sư phạm ạ!”. “Sư phạm… ngày trước chúng tao vẫn nói với nhau: nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua... Thôi, cố gắng con ạ. Nói thì nói vậy chứ… không có cái thằng sư phạm thì cả thế giới này mù chữ!”.
…
Má đã đứng chờ ngoài cổng từ bao giờ. Thấy ba con tôi, má hỏi nhanh: “Ðược không?”. “Dạ, được má!”. “Thế chứ, má đã biểu rồi, bác ấy không giúp mình thì còn giúp ai!”. Tôi chột dạ, má mà nhìn thấy cái giấy vay tiền trả lãi, chắc má điên.
Cả đêm đó tôi không sao ngủ được, trong đầu đan xen bao hình ảnh và những lời nói, cử chỉ của người “thân quen” với gia đình tôi… Sáng sớm mai tôi phải tới trường.
...
Kỳ thi tốt nghiệp năm ấy, tôi lọt vòng đầu xếp loại giỏi.
Tôi hối hả thu xếp để về báo tin vui cho ba má. Số tiền hai triệu đồng tôi xài vẫn còn, đủ mua nửa ký cà phê về biếu bác Chín. Bác ấy ghiền món này lắm!
Ð.S.Q