Mặc dù trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau nhưng với những cựu cán bộ Đoàn, những năm tháng gắn bó với công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi, được khoác trên mình chiếc áo xanh thanh niên Việt Nam, là khoảng thời gian tươi đẹp nhất.
Mặc dù trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau nhưng với những cựu cán bộ Đoàn, những năm tháng gắn bó với công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi, được khoác trên mình chiếc áo xanh thanh niên Việt Nam, là khoảng thời gian tươi đẹp nhất.
Đại diện Tỉnh đoàn đến nhà thăm cựu cán bộ Đoàn Bùi Ngọc Thanh, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCSHCM. Ảnh: Nga Sơn |
45 năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày đầu đến với Đoàn của bà Bùi Ngọc Thanh (nguyên Bí thư Tỉnh đoàn khóa III, IV, nguyên Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy), như mới hôm qua. Cứ vào dịp tháng 3, nhất là đến “sinh nhật” người bạn lớn của thanh niên, những ký ức đẹp của một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết trong bà lại ùa về.
* Luôn mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ
Bà Bùi Ngọc Thanh cho biết, bà đến với công tác Đoàn, Hội một cách tình cờ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), đang là nữ sinh Trường trung học Ngô Quyền (nay là Trường THPT Ngô Quyền), bà được chọn làm Chủ tịch Hội LHTN P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa). Tháng 6-1976, Chi đoàn P.Quang Vinh thành lập, bà vinh dự được bầu làm Bí thư Chi đoàn P.Quang Vinh.
Theo lời kể của bà Thanh, sau giải phóng, tình hình đất nước vô cùng khó khăn. Nhiệm vụ của tổ chức Đoàn khi ấy là tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN); vận động thanh niên tham gia các phong trào góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh… Thời điểm ấy, không có nhiều phương tiện phục vụ tuyên truyền, chủ yếu là tập trung thanh niên và tuyên truyền miệng. Trong khi đó, đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, tư tưởng của thanh niên vô cùng đa dạng, muốn tập hợp được họ, cán bộ Đoàn cơ sở phải xuống tận nhà tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia các hoạt động của Đoàn.
Theo bà Bùi Ngọc Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn khóa III, IV, để tập hợp được thanh niên đến với tổ chức Đoàn, bản thân cán bộ Đoàn các cấp, nhất là ở cơ sở phải là những người gương mẫu, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm, ham học hỏi, có kỹ năng… Và đặc biệt, cán bộ Đoàn phải chủ động tìm đến với thanh niên, gắn bó mật thiết với thanh niên để hiểu thanh niên, từ đó vừa có thể chăm lo thanh niên, vừa có thể phát huy được vai trò của thanh niên. |
Lúc mới nhận nhiệm vụ, bà chỉ mới 18-19 tuổi, chưa có kinh nghiệm tuyên truyền, vận động. Vì vậy, để tập hợp thanh niên, bà vận động những thanh niên có khả năng thu hút thanh niên để tập hợp những thanh niên khác. Bên cạnh đó, bà tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu và tìm cách đáp ứng nhu cầu của thanh niên. Nhờ đó, số lượng thanh niên tập hợp ngày càng đông đảo.
Không chỉ tập hợp ĐVTN, tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng cho ĐVTN, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh thời kỳ ấy đã vận động ĐVTN hăng hái tham gia vào các nhiệm vụ sản xuất, trước hết là khâu thủy lợi, cải tạo ruộng đồng, khai hoang phục hóa và nhất là tham gia làm kinh tế tập thể... góp phần cùng với nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
25 năm gắn bó với công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi ở nhiều cương vị khác nhau, nhưng mỗi giai đoạn đều để lại trong ông Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng - Trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn khóa IV, V, VI những kỷ niệm, những dấu ấn không thể nào quên.
Ông Đặng Mạnh Trung cho hay, những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, tuổi trẻ Đồng Nai đã cùng với tuổi trẻ cả nước xung phong, tình nguyện lên đường bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc của Tổ quốc; phối hợp với các lực lượng truy quét nhiều nhóm phản động có âm mưu bạo loạn lật đổ chính quyền, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội.
Ở giai đoạn này, ông Trung là một trong những thanh niên xung kích của TP.Biên Hòa tình nguyện lên đường xây dựng tuyến phòng thủ biên giới Lộc Ninh - Campuchia. Theo lời kể của ông Trung, nhiệm vụ được giao lúc đó hết sức khó khăn. Dọc tuyến biên giới, quân phản động đã cài mìn dày đặc. Hầu hết ĐVTN tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới mới chỉ được học qua về cách tháo gỡ mìn nhưng tất cả đều không ngại nguy hiểm, vừa gỡ mìn, vừa phát cây, phá đá, đào hào…; thường xuyên phải đối phó với quân phản động Pol Pot… nhưng ĐVTN vẫn hăng say, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Kết thúc nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam, ông Trung tiếp tục nhận nhiệm vụ chỉ huy một trung đội của TP.Biên Hòa cùng với hàng ngàn thanh niên của tỉnh tham gia trồng cây xây dựng tuyến phòng thủ bờ biển Vũng Tàu, tạo vành đai vững chắc chống lại âm mưu phá hoại của kẻ thù.
Tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên được phát huy ở mọi thời điểm. Sau chiến tranh biên giới, tuổi trẻ Đồng Nai tập trung toàn lực góp sức kiến thiết và đổi mới đất nước. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn và ĐVTN là xung kích thực hiện những nhiệm vụ chiến lược của Đảng và Nhà nước, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Ở các cơ sở Đoàn, hầu hết ĐVTN đều đăng ký hoàn thành vượt mức kế hoạch, đảm nhận và thực hiện nhiều công trình thanh niên có giá trị…
* Tin tưởng và kỳ vọng vào thế hệ trẻ hôm nay
Đoàn TNCSHCM là tổ chức do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Tổ chức Đoàn được xem là “cánh tay” nối dài của Đảng và Nhà nước. Trong điều 44 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: Đoàn TNCSHCM là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh... Điều này cho thấy nhiệm vụ của tổ chức Đoàn TNCSHCM vô cùng quan trọng trong việc bồi dưỡng lực lượng trẻ trí tuệ, năng động, sáng tạo, nhất là trong quá trình đất nước hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Cán bộ, chuyên viên Tỉnh đoàn giao lưu trò chuyện với cựu cán bộ Đoàn |
Theo ông Đặng Mạnh Trung, để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức Đoàn cần làm tốt công tác xây dựng, bồi dưỡng lý tưởng cho thanh niên bằng nhiều hình thức, hướng tới xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, có tri thức, sức khỏe, kỹ năng xã hội, giàu lòng nhân ái… Bên cạnh đó, tổ chức có hiệu quả các phong trào hành động cách mạng nhằm tạo môi trường để ĐVTN rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Triển khai có hiệu quả các chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập, lao động… nhằm tạo động lực để ĐVTN ra sức học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, giúp ĐVTN tự tin, chủ động hội nhập quốc tế…
Riêng với thanh niên, ngoài phấn đấu rèn luyện để trở thành những người có nhân cách, có lối sống tốt đẹp, có các đặc tính cơ bản như: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo… cần phải sống có lý tưởng, tích cực đóng góp công sức cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh đoàn khóa II, III chia sẻ, thời gian bà gắn bó với Đoàn không dài nhưng đó là mốc thời gian đặc biệt trong cuộc đời, không bao giờ quên. Có lẽ vì thế mà cho đến hôm nay, khi đã ở cái tuổi không còn trẻ nữa, bà vẫn đong đầy cảm xúc khi nhìn những bạn trẻ khoác trên mình chiếc áo Thanh niên Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng cho rằng: “Đội ngũ cán bộ Đoàn hôm nay đến với Đoàn bởi nhiều lý do khác nhau nhưng tôi vẫn luôn tin tưởng và hy vọng cho dù là lý do gì, các bạn trẻ đã chọn làm cán bộ Đoàn thì đều sẽ dành một trái tim biết yêu thương thanh niên. Có như vậy mới giúp cán bộ Đoàn vượt qua khó khăn, thử thách, gần gũi thanh niên, hiểu được tâm tư nguyện vọng của thanh niên… Từ đó, đề ra được những chương trình, hoạt động thiết thực với thanh niên; xứng đáng là người bạn đồng hành của thanh niên”.
Là người đã từng vận động hàng ngàn thanh niên tham gia khai thác lòng hồ Trị An phục vụ công trình xây dựng thủy điện Trị An, ông Nguyễn Viết Song, nguyên Phó bí thư Huyện đoàn Thống Nhất những năm sau giải phóng cho rằng, công tác đoàn kết tập hợp thanh niên thời nào cũng có khó khăn nhất định. Thời nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội, đã giúp người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin nhanh chóng, hiệu quả… Thanh niên vì thế có nhiều sự lựa chọn hơn và họ cũng có những suy nghĩ, lối sống khác nhau.
“Tôi nhận thấy rằng, phần lớn thanh niên luôn có lòng tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn và đặc biệt khi Tổ quốc cần, thanh niên luôn sẵn sàng” - ông Nguyễn Viết Song khẳng định.
Nga Sơn
Chị Trần Thị Giang, Ủy viên Ban thường vụ Huyện đoàn Vĩnh Cửu:
Cán bộ Đoàn, đoàn viên rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dâng hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc nhân dân. Trước lúc đi xa, Người không quên căn dặn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ - thế hệ làm chủ tương lai của đất nước. Trong đó, Người căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo, giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên”.
Để xứng đáng là lực lượng kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp nối truyền thống của thế hệ cha anh, tôi cho rằng bên cạnh sự chăm lo, giáo dục của Đảng, bản thân mỗi cán bộ Đoàn, đoàn viên cần phấn đấu rèn luyện bản thân theo phong cách Hồ Chí Minh. Đó là suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, của dân tộc; trung thành với Đảng, với Tổ quốc; giữ mối quan hệ mật thiết với thanh niên và quần chúng nhân dân; lập trường, tư tưởng vững vàng; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; luôn xung kích với tinh thần “Ở đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” trong mọi hoạt động, góp phần vào sự phát triển của địa phương, đơn vị.
BS Bùi Thanh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai:
Trau dồi kiến thức, nâng cao y đức
Sức khỏe là vốn quý của mỗi người và của toàn xã hội. Nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân là của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế. Ngày nay, cùng với vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường sống ngày càng ô nhiễm, xu hướng ăn uống thiếu khoa học… đã khiến cho con người gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe lại càng có ý nghĩa, đòi hỏi mỗi y bác sĩ, nhân viên y tế không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao y đức để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Là một bác sĩ trẻ, tôi lại càng phải nỗ lực tự học, tự nghiên cứu để trau dồi kiến thức chuyên môn, nâng cao y đức; đặc biệt là tích cực tình nguyện tham gia các chuyến khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn sức khỏe miễn phí. Tôi thiết nghĩ, không riêng gì đội ngũ y bác sĩ trẻ, mà mỗi ĐVTN chỉ cần làm tốt nhiệm vụ của mình; tích cực tham gia các hoạt động Đoàn… là hành động cụ thể nhất góp phần viết tiếp truyền thống 90 năm Đoàn TNCSHCM.
Thiếu úy Đỗ Hoàng Triều, Ban Chỉ huy quân sự H.Thống Nhất:
Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho thanh niên
Những năm qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn tinh vi để chống phá Đảng, Nhà nước, phủ định thành quả của cách mạng. Trong đó, thanh niên là đối tượng mà các thế lực thù địch hướng đến. Các đối tượng lợi dụng công nghệ truyền thông và mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin có nội dung phản động, không đúng bản chất; phát tán các ấn phẩm đồi trụy, bạo lực, hướng thanh niên theo lối sống hưởng lạc, không chịu học tập, lao động, cống hiến…
Vì vậy, việc nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho ĐVTN trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cần thiết. Trong đó, tôi nghĩ với chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức Đoàn cần làm cho thanh niên hiểu rõ vai trò, vị trí của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục để ĐVTN hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó tạo cho bản thân “sức đề kháng” trước các thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch…
Nguyễn Tuyết (ghi)